Nhiếp ảnh Trần Huy Hoan nói về “Như cánh vạc bay”

(Dân trí) - Khá bất ngờ, trong phiên đấu giá tối qua (12/12) tại cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật mang tên <i>Hòa quyện</i> với mục đích từ thiện, tác phẩm nhiếp ảnh Như cánh vạc bay với hình ảnh hoa hậu Mai Phương Thúy của nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan bán được 250 USD.

“Như cánh vạc bay” là tác phẩm dự tính giá khởi điểm là 200 USD. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhiếp ảnh Trần Huy Hoan về bức ảnh này…

 

Tại sao anh chọn bức ảnh hoa hậu Mai Phương Thúy để đấu giá lần này? Có phải anh muốn gây “tiếng vang” để bức ảnh được giá cao?

 

Tôi chụp rất nhiều bức ảnh, có thể mang ra đấu giá từ thiện lần này, nhưng tôi đã chọn hoa hậu Mai Phương Thúy, vì Thúy là sứ giả của từ thiện, có nhiều hoạt động từ thiện rất ý nghĩa trong năm qua. Đưa ảnh một người đẹp, thông minh và thích làm từ thiện vào một chương trình từ thiện như thế này còn gì bằng?

 

Mai Phương Thúy có ý kiến gì về việc này không, thưa anh?

 

Tôi rất thận trọng, tôi đã hỏi ý kiến Mai Phương Thúy về việc này, Thúy đã rất vui vẻ và rất cảm động khi biết Như cánh vạc bay được đấu giá để lấy tiền giúp, tạo được nụ cười cho các trẻ em bất hạnh bị hở môi, hở vòm miệng. Thúy hoàn toàn ủng hộ hết mình.

 

Nhiếp ảnh Trần Huy Hoan nói về “Như cánh vạc bay”  - 1
 Trần Huy Hoan: "Tôi đã chọn Mai phương Thúy vào Như cánh vạc bay vì đối với tôi Thúy là một người rất hoàn hảo và toát lên được nét hiện đại"

 

Ý tưởng của Như cánh vạc bay là gì?

 

Để tạo những khoảnh khắc đẹp cho bức ảnh, tôi đã suy nghĩ rất kỹ về không gian, con người trong bức ảnh. Bức ảnh bao hàm nhiều ý tưởng: Tôi muốn mô tả một đất nước Việt Nam nông nghiệp đang trong thời kỳ đổi mới.

 

Nhưng Mai Phương Thúy là một cô gái rất hiện đại, anh không ngại sẽ “chỏi” với một không gian lúa nước thanh bình, vốn “cũ kỹ” từ xưa đến nay?

 

Cảnh trời đất thanh bình, một cánh đồng bát ngát, một cô gái đứng bên cạnh một con hạc, bức ảnh đã toát lên một nét Á Đông, một nền văn minh lúa nước Việt Nam. Đây là một tác phẩm của năm 2008, của thời điểm đất nước hòa nhập thế giới, tôi không thể tái hiện khung cảnh của năm 1950 được. Tính thời đại chính là tinh thần của một bức ảnh. Tôi không sợ con người hiện đại “chỏi” với khung cảnh “cũ”.

 

Tôi đã chủ động tạo ra một bức ảnh hiện đại, từ con người, đến trang phục, trên một nền “cũ”. Chúng ta đang ở thời điểm “hiện đại” thì nhân vật trong Như cánh vạc bay phải là người hiện đại có thể làm xoay được vận mệnh của đất nước, không thể là một bà lão “răng đen, mỏ quạ” được.

 

Tôi đã chọn Mai phương Thúy vào Như cánh vạc bay vì đối với tôi Thúy là một người rất hoàn hảo và toát lên được nét hiện đại. Mơ ước của những người trẻ sẽ trở thành hiện thực vì họ là những lớp người có sức khỏe, có trí tuệ. Một người có suy nghĩ và yêu thương con người chân thành như Thúy, tôi nghĩ Thúy có thể đại diện cho lớp trẻ tràn đầy sức sống của Việt nam hôm nay.

 

“Như cánh vạc bay” là tên một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tại sao anh lấy tên ca khúc này làm chủ đề cho tác phẩm nhiếp ảnh của mình?

 

Lúc anh Trịnh Công sơn còn sống, tôi đã có dịp nói chuyện với anh, anh có nói với tôi là: “Xuất phát từ những bờ vai của những người phụ nữ, đã tạo cảm hứng cho tôi viết ca khúc Như cánh vạc bay.

 

Lần này, tôi đã “trở lại” cảm xúc đó của anh bằng hình ảnh Mai Phương Thúy, một cô gái có đôi bờ vai rất đẹp. Tôi dồn suy nghĩ của mình vào bờ vai ấy, một bờ vai chịu thương chịu khó của những người phụ nữ trẻ, trông mảnh mai nhưng có sức chịu đựng, dẻo dai, gánh vác trọng trách của gia đình, xã hội.

 

Thông điệp của anh cho lần đấu giá rất ý nghĩa lần này là gì?

 

Kỳ vọng của tôi là những người tham gia có ý thức về việc làm ý nghĩa của tôi và Thúy, góp tay vào quỹ từ thiện Phẫu thuật nụ cười Việt Nam, làm giảm nỗi đau của các trẻ em bất hạnh. Và mọi người nên nhớ: Xung quanh chúng ta có rất nhiều nỗi đau đang cần được san sẻ.

 

Xin cám ơn anh về buổi trò chuyện này!

 

Lê Ngọc Dương Cầm