Trần Huy Hoan:
Nhiếp ảnh nude Việt Nam hoạt động “du kích”
“Giới nhiếp ảnh Việt Nam, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh khỏa thân- hoạt động du kích, không chính quy, không được đầu tư, ủng hộ đều đẻ ra những người tay ngang hết”, nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan nhận xét.
Theo anh, đâu là ranh giới giữa nghệ thuật và khiêu dâm khi đứng trước một bộ ảnh nude?
Cái này phải nói rõ ràng, quan trọng là phía người thưởng ngoạn. Nếu họ chuẩn bị tâm lí, cốt chỉ thỏa chí tò mò về cơ thể người phụ nữ thì chính họ tự khiêu dâm trong đầu rồi. Còn xét theo tính chuyên nghiệp, hai loại này rất khác nhau, dù cả hai loại đều xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu người làm mà tới thì ranh giới rất xa, còn ngược lại rất mấp mé, nó sẽ cho ra thể loại ảnh mất vệ sinh.
Các nước Á Đông như Việt Nam không phân biệt rõ hai loại ảnh này, nhưng cá nhân tôi thấy làm được bức ảnh khiêu dâm cũng không phải dễ. Hai loại ảnh không thể lẫn được với nhau, nhưng chỉ sợ người tay ngang làm. Chứ những ai muốn theo nghiệp nhiếp ảnh khỏa thân chuyên nghiệp đều phải học, giải quyết vấn đề thẩm mỹ rất cao khi chủ trương đưa đến người xem cái gì.
Thực tế với các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, cả nghệ thuật lẫn ảnh khiêu dâm đều có chỗ đứng riêng, rất khó làm.
Cả đời tôi cũng chỉ thể nghiệm thôi, không dám đưa ra khuôn vàng thước ngọc cho ai. Nhưng mấy chục năm đeo đuổi và nghiên cứu, tôi thấy ranh giới hai loại này rất rõ. Anh phải biết chụp ảnh này để làm gì. Làm ảnh nghệ thuật khó hơn nhiều, bản thân người làm phải trang bị trình độ thẩm mĩ, lí luận rất tốt trước khi lao vào cuộc chơi mạo hiểm.
Chẳng lẽ cứ nói rằng tôi chụp ảnh vì mục đích cổ động cho hoạt động nào đó, là người xem phải đồng ý?
Anh nhận một hợp đồng có mục đích, nếu anh không trang bị đủ trình độ thì rất khó. Không phải cứ nói chụp vì mục đích gì đó thì ảnh ra đều đạt được. Thực ra, giới nhiếp ảnh Việt Nam, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh khỏa thân- hoạt động du kích, không chính quy, không được đầu tư, ủng hộ đều đẻ ra những người tay ngang hết.
Nhiếp ảnh báo chí, nhiếp ảnh phong cảnh đều có lớp đào tạo, riêng thể loại này thì không. Ở chừng mực nào đó, tôi cảm thông với nhiếp ảnh gia theo đuổi sự nghiệp này, họ phải hoạt động du kích với cả gia đình lẫn xã hội.
Anh nhận xét gì về bộ ảnh người mẫu Ngọc Quyên cởi đồ kêu gọi bảo vệ môi trường?
Bộ ảnh này rơi vào loại ảnh cổ động, người mẫu hay rừng cây chỉ là nhân vật để thực hiện ý tưởng. Thực tế, tôi thấy bộ ảnh không tục, có nhiều ảnh mặc quần áo nhưng tục hơn rất nhiều. Tôi ghi nhận người làm bộ ảnh cố gắng rất nhiều để đưa ra ý tưởng.
Người chụp không phải họa sĩ đồ họa, không làm áp phích, nhưng cố gắng lập luận đưa đến cho mọi người chú ý đến thông điệp vì môi trường.
Thế giới không hiếm chuyện cởi đồ chụp ảnh vì mục đích hoạt động xã hội, điều này có vẻ chưa phù hợp với Việt Nam?
Nếu họ coi đó là hành động vì xã hội, tôi ủng hộ. Chứ đừng treo đầu dê bán thịt chó, anh chưa đủ tài để làm mà đưa ra sản phẩm thì tôi cực kỳ phản đối. Điều đó làm ảnh hưởng thẩm mỹ chung của người thưởng ngoạn. Nhưng chúng ta cũng phải nuôi dưỡng thiện ý, nếu ý định của họ xuất phát từ chỗ muốn tốt cho xã hội thì nó khuyến khích người trẻ hành động ý nghĩa vì lợi ích chung.
Chỉ sợ nói vì mục đích chung nhưng lại nhân đó để đánh bóng tên tuổi?
Tôi không dám kết luận, nhưng xem bộ ảnh này, cá nhân tôi không thấy việc đó. Nếu người mẫu muốn đánh bóng tên tuổi, thì hoàn toàn thất bại. Tên tuổi không những chẳng bóng lên mà còn xám đi. Phải nhớ rằng, không thể vì một bộ ảnh như thế mà tên tuổi nổi hơn được.
Theo Toan Toan
Tiền Phong