Ảnh “nude” 100%: Dù có đẹp...
Sự việc người mẫu Ngọc Quyên đưa lên mạng những tấm hình nude toàn thân của mình đã thực sự gây ra nhiều luồng ý kiến trái ngược...
Dù có đẹp nhưng…
Chị Phương - một phụ huynh trường trung học phổ thông Đống Đa, Hà Nội đã trao đổi: “Tôi đã rất thích cô người mẫu kiêm diễn viên điện ảnh Ngọc Quyên khi xem bộ phim “Có lẽ nào ta yêu nhau.” Nhưng đến khi xem bộ ảnh của cô người mẫu này tôi thấy thật sự choáng. Tôi bỗng sợ nếu con cái mình lấy đó để theo thì... nguy hiểm.
Nếu hỏi tôi có đẹp không thì tôi sẽ trả lời là đẹp nhưng là cái đẹp vẫn chưa thể quen được. Có lẽ vì mình là người Á Đông, nên nếu ngắm người đẹp khỏa thân mà là người Việt lại thấy cứ tiêng tiếc. Giá như cô ấy chỉ vào những vai cá tính ấn tượng như Nam Mai trong bộ phim truyền hình kia. Giá như..."
Ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra quan điểm: "Tôi thấy bộ ảnh đẹp. Nên hiểu ảnh nude cũng là nghệ thuật. Nhưng mà để làm ngôn ngữ của báo chí thì không ổn. Chưa chuẩn về mặt ý thức xã hội. Cần phải biết tùy nơi. Với tranh ảnh nude nên quan tâm đến hình thức và quy mô trưng bày. Vì với những thể loại không thể “đại chúng hóa” dễ gây ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục, tạo lệch lạc. Cách công bố tác phẩm rất quan trọng."
Những phản ứng và lo ngại
Bà Bùi Ngọc Diệp - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Là người làm chuyên môn nghiên cứu tâm lý giáo dục học sinh, tôi thấy những bức ảnh nude toàn thân, cho dù chụp xa thì cũng vẫn tạo những hiệu ứng không hay cho các em.
Ngọc Quyên cũng là một gương mặt khả ái nhưng với giới tuổi teen thì cô chưa phải là một “thần tượng,” chúng tôi lo ngại rằng với một số tên tuổi mà các em học sinh hâm mộ lại có việc chụp ảnh khỏa thân như thế thì khó có thể trách được việc các em sẽ bắt chước theo.
“Theo tôi, đây không thể để trở thành một “mốt” vì nếu vậy sẽ có những hậu quả khôn lường với giới trẻ. Các nhà quản lý nên đặt ra những quy định rõ ràng và cảnh báo giới hạn. Đặc biệt là hạn chế việc công khai phô bày cơ thể trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên Internet được học sinh thời nay “lang thang hàng ngày.” Mà Internet thì từ gia đình đến các cơ quan chuyên môn đều khó quản lý như chúng ta đã biết,”- bà Diệp nói.
Ông Chu Thơm - Phó Trưởng Phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn tỏ thái độ không đồng tình: “Tôi thấy mặt của cô người mẫu này lãnh đạm quá, không thuần Việt, không mang dáng dấp Việt Nam, tôi quen với hình ảnh truyền thống của người phụ nữ Việt nên thấy cô gái này không đẹp."
Ông Thơm nói rõ: “Điểm không đồng tình nữa của tôi là cô người mẫu lại cho rằng bộ ảnh nude này lại góp phần bảo vệ môi trường. Môi trường làm khung cảnh cho cô ấy đứng tươi đẹp thế cần gì cô ấy bảo vệ theo cách đó. Tôi cho rằng ý nghĩa bảo vệ môi trường của một bức ảnh là phải chạm vào trái tim người xem bởi những cảm thương cho người bị đói rét vì lũ lụt, thiên tai, bị ung thư chứ không thể theo cách cô Ngọc Quyên đã tạo dáng.”
Luật sư Lê Đăng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trường Giang (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nêu ý kiến: “Vẫn biết đẹp thì nên phô ra nhưng cơ thể đẹp thì theo quan niệm chung của xã hội Việt Nam lại là riêng tư không nên đưa ra rộng rãi. Những hình ảnh khỏa thân không truyền bá đồi trụy thì không vi phạm pháp luật. Chỉ có thể điều chỉnh bằng quy phạm đạo đức. Tôi nghĩ cơ thể đẹp khi để lộ ra cho nhiều người cùng nhìn thì cũng nên có mức độ. Cái đẹp đúng nghĩa là cái đẹp được mọi người công nhận, phù hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại”.
Cần có những quy định rõ ràng
Được biết, từ năm 2007, "Xuân thì" - cuốn sách tập hợp 71 bức ảnh nude của nhiếp ảnh gia Thái Phiên đã được Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt. Đó là cuốn sách ảnh khỏa thân nghệ thuật đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam.
Và nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên, người nổi tiếng về ảnh nude cũng đã luôn giữ quan điểm: “Một ranh giới vô hình giữa hai loại ảnh khỏa thân: 'Naked' là trần trụi, dung tục, phơi bày ra một cách tự nhiên (không bao hàm nghĩa nghệ thuật). 'Nude' cũng là thoát y, nhưng phải qua xử lý của người nghệ sĩ bằng kỹ thuật ánh sáng, góc độ, sắc độ, bố cục, đường nét... kể từ khi bấm máy cho đến khi tráng phim, rọi ảnh xong, để bức ảnh toát lên được vẻ đẹp thánh thiện, trong sáng mà Tạo hóa đã ban tặng cho con người, nhất là người phụ nữ.”
Cũng theo nghệ sĩ Thái Phiên: “Đã đến lúc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cần phải chủ động phối hợp với Vụ Mỹ Thuật - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch cùng các cơ quan ban ngành chức năng khác để có những văn bản quy định phù hợp với truyền thống dân tộc, bên cạnh việc dung nạp quan niệm thẩm mỹ của thế giới một cách hài hòa, hợp lý, không tránh né, không cực đoan; đồng thời cũng để có cái nhìn về nhiếp ảnh nghệ thuật một cách cởi mở và công bằng hơn so với những bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, điện ảnh, văn học”.
Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã viết khi giới thiệu một cuốn ảnh nude: "Trong mắt tôi, ảnh nude cũng là một thể loại nhiếp ảnh nghệ thuật như nhiều thể loại nhiếp ảnh nghệ thuật khác, nó có giá trị thẩm mỹ và có tác dụng giáo dục cái đẹp... Ở góc độ nghề nghiệp, chúng tôi thấy đây là tập ảnh nude nghệ thuật nghiêm túc, trong sáng, đem lại cho người xem một cảm xúc đẹp, lành mạnh." |
Theo TTXVN/Vietnam+