Nhân vật Mị thành cảm hứng cho đồ án tốt nghiệp của sinh viên thời trang
(Dân trí) - Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ) cũng như vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc, nhà thiết kế thực hiện BST "Hygge" để tôn vinh văn hóa truyền thống của người H'Mông.
Ngày 10/9, buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên ngành Thiết kế Thời trang (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu. Trong số 21 sinh viên, nhà thiết kế Phan Anh Tuấn đảm nhận vai trò hướng dẫn, hỗ trợ cho 9 bạn trẻ.
Bằng sự say mê, nhiệt huyết, các nhà thiết kế trẻ không chỉ mang đến những sản phẩm thời trang độc đáo mà còn lồng ghép những thông điệp giá trị, những câu chuyện giàu tính nhân văn.
Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ) cũng như vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc, nhà thiết kế Thùy Nhung làm nên Hygge để tôn vinh văn hóa truyền thống của người H'Mông, đồng thời phản ánh hiện trạng làm xấu đi phong tục bắt vợ của người dân tộc.
"Qua đó tôi muốn truyền tải một thông điệp tích cực rằng mỗi một người phụ nữ hãy luôn giữ cho mình một ước mơ, khát vọng, hãy dám đấu tranh, phá bỏ mọi giới hạn để giành quyền tự do, bình đẳng, tự làm chủ cuộc sống của chính mình".
BST Cội của Giang Minh Phương Thảo thì được lấy cảm hứng từ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên. Đây là đồ án mà truyền thống lịch sử được kết nối xuyên suốt đến hiện đại, thể hiện qua phong cách siêu thực trên nền kỹ thuật hiện đại. Đồ án sử dụng hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trên nền chất liệu gấm lụa, Phương Thảo áp lực các kỹ thuật in 3D, Kinetic để tạo hiệu ứng động khi trình diễn.
Điểm nhấn của bộ trang phục là họa tiết rồng ẩn hiện trong sóng nước đầy sinh động. Điểm nhấn của Cội là thiết kế đôi mang màu xanh - đỏ tượng trưng cho âm - dương, nóng - lạnh… Theo tiết lộ của Giang Minh Phương Thảo, thiết kế này như một cách biểu trưng cho giá trị của sự đoàn kết.
Nhà thiết kế trẻ Danh Tính mang đến BST SomRong lấy cảm hứng từ hoa văn, họa tiết chùa Bootum Vong Sa SomRong (Sóc Trăng). Với đồ án tốt nghiệp này, Danh Tính sử dụng chất liệu chính từ vải gấm được mua trực tiếp tại chợ Orussey (Campuchia).
Nhà thiết kế dùng phương pháp đính kết thủ công trên nền vải họa tiết mang đậm chất bản sắc Khmer. Ngoài ra anh còn sử dụng kỹ thuật in 3D từ chất liệu nhựa PLA - một loại nhựa nhiệt dẻo tự phân hủy sinh học có nguồn gốc từ bột ngô, mía, củ sắn…, giúp tổng thể thêm ấn tượng.
Trần Lê Thảo Vy lấy cảm hứng từ rác thải vũ trụ để làm nên BST R.A.C. BST lần này được Thảo Vy sử dụng các khung thép bọc đất sét, đúng với tinh thần thân thiện với môi trường. Nhà thiết kế kết hợp nhiều vi mạch điện tử, hiệu ứng đèn chiếu sáng và cắt lazer vải được đính kết tỉ mỉ.
Còn BST Dáng của Đặng Diệp Thảo Nguyên với mẫu thiết kế phức tạp nhất mô tả một vườn dừa bao bọc lấy con người và quê hương Bến Tre được đan, cột từ hàng trăm sợi vải và ruy băng lại với nhau tạo cảm giác bền chắc và dày dặn.
Cũng là người con của quê hương Đồng Khởi, cô muốn quảng bá về hình ảnh, con người nơi mình sinh ra và lớn lên thông qua ngôn ngữ thời trang...