Nhạc sỹ Nguyễn Hà: Hồi đầu Mỹ Tâm hát "phô”
(Dân trí) - Là người phát hiện và cũng là người ký kết hợp đồng độc quyền đầu tiên với một ca sỹ Việt Nam là Mỹ Tâm, nhạc sĩ Nguyễn Hà đã có những chia sẻ rất dễ thương và độc về "hoạ mi tóc nâu".
Có thể nói anh là người có công đầu trong việc phát hiện ra Mỹ Tâm, cũng như đưa Mỹ Tâm ra khỏi “bóng tối”, cảm giác của anh ngày hôm nay như thế nào khi thấy Mỹ Tâm vẫn giữ vững phong độ không khác mấy so với hơn 10 năm trước?
Cảm giác của tôi về Mỹ Tâm ngày hôm nay là sự khâm phục. Mỹ Tâm 10 năm trước đã hoàn thiện bản thân hơn so với lúc tôi mới biết về kỷ luật làm việc. Và Mỹ Tâm ngày hôm nay đã có tư duy chiến lược phát triển sự nghiệp cho riêng mình.
Về kỷ luật làm việc thì cho phép tôi “nói xấu” một chút nhé vì những chuyện này bây giờ đã thành những kỷ niệm vui rồi. Ngày xưa “nàng” có thể vô tư cho tất cả mọi người tại studio chụp hình chờ từ 7h sáng, mãi cho đến 9h thì Nguyên Vũ đã phải leo lên tận ký túc xá đánh thức dậy rước “nàng” đến. Hẹn thu âm thì có thể đến trễ vài... tuần. Nhưng đó là chuyện của năm 1997. Sau đó, Mỹ Tâm đã “vượt lên chính mình” bằng cách thay đổi thói quen “hẹn hò” để có được kết quả công việc tốt hơn.
Sau khi không còn hợp tác chính thức với tôi nữa, thỉnh thoảng Tâm vẫn hỏi tôi về những điều cần thiết để lên kế hoạch cho sự nghiệp của mình. Tôi đặc biệt nhận thấy Tâm có tiềm năng về tư duy chiến lược, vì trong những ca sĩ hỏi ý kiến tôi thì Tâm là người hỏi ít nhất về số lần và số câu hỏi, nhưng lại thực hiện rất dứt khoát và đeo bám lâu dài cho đến thành công mới thôi.
Đó chính là những điều khiến tôi có những nhận xét rất tích cực về Mỹ Tâm, đặc biệt là khả năng hoàn thiện bản thân ngày càng hoàn hảo hơn.
Nghe Tâm hát bây giờ và ngày xưa, anh thấy có điều gì khác biệt?
Những thay đổi giọng hát của Tâm không đến từ kỹ thuật, bao năm nay đã không có những bước tiến bất ngờ về mặt này. Những rung động tích lũy từ cuộc sống được Tâm biểu cảm trong lúc hát khi êm ả ngân nga, lúc thì thầm như kề sát bên, lúc trào dâng lôi cuốn… chính là những thay đổi ngày càng điêu luyện hơn. Điều đó khiến người nghe vẫn cứ dạt dào cảm xúc mỗi lần nghe Tâm hát.
Mỹ Tâm là trường hợp hiếm hoi mà có thể cân đối được giữa cái gọi là thị trường và nghệ thuật, nhận xét của cá nhân anh thế nào?
Cá nhân tôi không phân biệt theo cách nghệ thuật và thị trường. Nhưng nếu chia 2 nhóm gồm những ai muốn tìm tòi những mới lạ trong âm nhạc và nhóm kia là người làm những gì đã từng thành công để “an toàn” trong việc chinh phục khán giả thì Mỹ Tâm đúng là cân đối được giữa 2 vế này.
Nghệ sĩ Việt vẫn giữ cung cách là tự mình làm mọi thứ, anh có nghĩ nếu có được một ê-kíp chuyên nghiệp, tên tuổi của Mỹ Tâm có thể vươn xa hơn mà bản thân Tâm có thể tưởng tượng?
Không có gì là hoàn hảo cả. Vì vậy, dù Mỹ Tâm đã rất thành công nhưng đâu đó vẫn có những ý kiến “giá như”… Con đường thành công cũng như tiết mục xiếc đi dây trên không vậy, lúc nghiêng bên này lúc nghiêng bên kia để giữ cân bằng.
Lúc Mỹ Tâm dồn sức cho âm nhạc, có thể người ta nhận thấy khiếm khuyết về hình tượng; lúc Mỹ Tâm dồn sức cho những chuyến lưu diễn, có thể người ta nhận thấy thiếu sót về quan hệ truyền thông… Nhưng điều quan trọng là tiết mục xiếc đi dây đã thành công. Việc Mỹ Tâm thành công hơn nữa tôi tin chắc chính Tâm cũng muốn, nhưng nó còn tùy thuộc vào quy mô của thị trường âm nhạc Việt Nam, sự phát triển của xã hội về kinh tế hay các luật lệ nữa… chứ không đơn giản chỉ do ê-kíp hợp tác.
Điều gì ở Tâm cho anh được cảm nhận rằng cô ấy sẽ là một ngôi sao ngay từ những ngày đầu?
Giây phút nghe Mỹ Tâm hát lần đầu, thực ra cô ấy hát hơi phô, hoàn toàn chưa chuyên nghiệp trong giọng hát (ngày hôm sau khi tôi hỏi thông tin về cô thì sân khấu đó cho biết đã không mời nữa vì hát…dở). Nhưng tối đó cứ sau mỗi câu hát thì khán giả lại vỗ tay. Tôi còn nhớ Tâm mặc đầm xanh chấm bi, ôm guitar cất giọng Hà Nội mùa thu… (khán giả vỗ tay) cây cơm nguội vàng… (vỗ tay) Và tôi nhận ra ngay tố chất quý của Tâm chính là chất giọng rung cảm được tâm hồn người nghe. Điều đó là trời cho, không luyện tập được.
Thị trường Việt Nam không nhỏ nhưng quả thật sản sinh ra quá ít ngôi sao, anh có nghĩ những người như Tâm và thế hệ của Tâm vẫn sẽ chiếm giữ thì trường này 5-10 năm nữa, và điều đó là tốt hay không tốt với một thị trường âm nhạc như Việt Nam?
Vài năm thì lại có một khoảng thời gian người ta cho rằng như vậy. Có lúc mọi người thấy không ai thay thế được Mỹ Linh, Hồng Nhung… có lúc lại thấy không ai bằng Lam Trường, Phương Thanh… nhưng rồi những ngôi sao mới vẫn xuất hiện. Lý tưởng nhất là các ngôi sao mới sẽ làm phong phú thêm cho nền âm nhạc và các ngôi sao hiện tại vẫn dốc hết đam mê cho các đột phá mới.
Tôi nghĩ nếu không có Mỹ Tâm, thị trường nhạc Việt sẽ bị khuyết một mảng rất lớn và gần như không ai có thể bù đắp được?
Thiếu bất cứ ngôi sao nào cũng đều khuyết cho thị trường một mảng, và nếu thiếu Mỹ Tâm thì chắc chắn mảng đó sẽ lớn.
Mỗi người đều không giống nhau và ai cũng là duy nhất trong cuộc đời này, ngôi sao cũng vậy. Không ai có thể bù đắp cho sự thiếu vắng của Mỹ Tâm và Tâm chắc chắn cũng không thể “lấp lánh” dùm cho bất cứ ngôi sao nào khác trong bầu trời âm nhạc Việt Nam.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thân tình này!
Việt Phong