1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nhạc sỹ... giàu

Người ta bảo thi sỹ, nhạc sỹ chỉ có bầu rượu với túi trăng, con gái lãng mạn dại khờ mới đi lấy nhạc sỹ, những người phi thực tế... nên cuộc sống từ nghèo đến đói. Đấy là chuyện của thời xa xưa, còn bây giờ nhìn lại xem, 10 nhạc sỹ hết chín có nhà biệt thự, ăn mặc sành điệu… nói chung là giàu, thậm chí rất giàu.

Giàu nhờ kinh doanh

Ở cái thuở nhạc sỹ mà chỉ trông mong vào tiền tác quyền ca khúc thì… chết đói, nhiều người khôn ngoan (và có chút ít vốn liếng) không chấp nhận cảnh sống khổ đã nhảy ngay sang kinh doanh. Ai bảo nhạc sỹ chỉ lãng mạn viển vông, nhiều người – với tư duy kinh doanh sắc sảo – đã trở thành “đại gia” trong giới doanh nhân. Trong số đó, Thanh Tùng và Phú Quang có lẽ là hai cái tên nhạc sỹ/doanh nhân nổi bật nhất.

Thanh Tùng cũng như Phú Quang nổi tiếng trước tiên bằng âm nhạc. Những ca khúc của họ mang phong cách riêng rõ nét, chan chứa lãng mạn. Nhưng lãng mạn không có nghĩa là phi thực tế. Họ lao vào kinh doanh nhiều lĩnh vực.

Thanh Tùng với thương hiệu nước khoáng Tubon, nhà hàng, khách sạn, vũ trường và thắng lớn trong lĩnh vực bất động sản. Phú Quang thì làm bầu sô nhiều chương trình ca nhạc lớn, một thời nức tiếng với Catinat café đường Đồng Khởi, rồi gần đây thành lập công ty Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật Phú Quang chuyên xây dựng các chương trình nghệ thuật, băng đĩa, video ca nhạc..., tiêu biểu là những show ca nhạc riêng của chính nhạc sỹ.

Có thành công, cũng có thất bại, họ đã trở thành những người giàu đúng nghĩa mà không để mất danh dự của một nhạc sỹ, và họ có thể tự hào về cách gọi nhạc sỹ/doanh nhân, cách gọi mà nhiều nhạc sỹ khác thường e dè tránh né. Chỉ hy vọng, âm nhạc họ viết sẽ không bao giờ bị chất “con buôn” xâm nhập, bởi nếu vậy thì còn gì là nhạc?

Giàu nhờ âm nhạc

Sang thời buổi người người mơ làm ca sỹ, nhiều nhạc sỹ thời đại mới – vốn biết sáng tác và cả hòa âm phối khí – bỗng trở nên có giá. Họ không phải lao đầu vào kinh doanh, không phải lo toan vốn liếng sự nghiệp. Chỉ cần đôi chút hiểu biết về nghề cộng với kiến thức âm nhạc thu thập được, họ có thể hái ra tiền, tất nhiên số tiền họ kiếm được tùy thuộc vào chính khả năng họ có được và mức độ đầu tư của họ trong nghề nghiệp.

Một ca khúc độc quyền có thể bán vài triệu đồng, một album hòa âm vài chục triệu, rồi biên tập nhiều chương trình băng đĩa, nhiều live show của ca sỹ… Cá biệt, một số nhạc sỹ nức tiếng được đặt hàng viết nhạc cho công ty này nọ một bài mấy chục triệu là chuyện bình thường, rồi còn mảnh đất nhạc quảng cáo màu mỡ… Không ngạc nhiên khi những nhạc sỹ ngày nay trở nên “giàu sụ” và hơn nữa, có được quyền lực mạnh trong giới ca nhạc.

Những cái tên đáng nể nhất trong giới hiện nay về sáng tác, biên tập, hòa âm phối khí có thể kể đến Lê Quang, Quốc Bảo, Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Hoài Sa… (miền Nam) và Quốc Trung, Huy Tuấn, Đỗ Bảo… (miền Bắc). Họ được đào tạo, học hành tử tế về nghề, một số còn đầu tư cho nghề nghiệp bằng con đường du học, mở mang kiến thức như Quốc Trung (Hungary), Đức Trí (Mỹ), Huy Tuấn (Nga, Đức)…

Đứng sau một chút, nhiều nhạc sỹ trẻ vốn không mấy kinh nghiệm và tài năng, chỉ biết cóp nhặt âm nhạc Tàu một chút, Hàn một chút, Tây một chút… cũng phất lên trong thời buổi âm nhạc trở thành hàng hóa có mua bán mặc cả và chạy theo trào lưu này.

Nói giàu nhờ âm nhạc, nhưng rồi từ thực tiễn suy ra mà thấy, các nhạc sỹ ấy cũng đang kinh doanh đấy thôi, chỉ có điều họ kinh doanh bằng “vốn tự có”. Thực tế mà nói, đó là chuyện đáng mừng, bởi không bao giở dễ dàng cho người làm nghệ thuật có thể sống bằng nghề. Thời âm nhạc giải trí lên hương, nhạc sỹ và ca sỹ cũng nhờ vào đó mà lên hương cùng, chứ như các nhà văn, nhà thơ và cả diễn viên điện ảnh trong thời phim ảnh suy thoái thì nghèo vẫn hoàn nghèo.

Có điều, giàu nhờ âm nhạc kiểu này đòi hỏi người nghệ sỹ phải luôn tự nhìn lại bản thân, chứ lâu ngày, óc sáng tạo có nguy cơ hao mòn, lối tư duy “trăm hay không bằng tay quen” dẫn đến sa sút về chuyên môn, viết ra những ca khúc, những bản phối dễ dãi, na ná nhau như sản phẩm công nghiệp. Một số không ít nhạc sỹ đang mải mê chạy theo đồng tiền mà không biết người ta… chán nghe nhạc mình đến mức nào, ca sỹ có hát, có nhờ làm nhạc cũng chỉ để lấy cái danh cũ…

Nhạc sỹ giàu là chuyện vui. Ấy vậy mà cũng có nhiều nhạc sỹ mừng là họ không giàu, và theo một góc độ nào đó, không phải họ không có lý.

 Theo Giaidieuxanh