1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nhà hát Cải lương đưa đề tài giả tưởng, trí tuệ nhân tạo lên sân khấu

Lạc Thành

(Dân trí) - Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vở "Cánh cửa khép hờ", khai thác chủ đề về công nghệ biến đổi gen và trí tuệ nhân tạo AI.

Cánh cửa khép hờ kể về một cặp vợ chồng, trong đó người chồng là Chủ tịch của một tập đoàn. Ông ta cho rằng, 20 năm tới phải có một lãnh đạo kiệt xuất thay thế mình quản lý tập đoàn nên đã bắt tay với một nhà khoa học để làm ra một đứa trẻ siêu nhân, thông minh đột biến.

Câu chuyện cứ thế diễn ra cùng với nhiều yếu tố giả tưởng khác lần lượt được đưa vào vở diễn…

Nhà hát Cải lương đưa đề tài giả tưởng, trí tuệ nhân tạo lên sân khấu - 1

Vở cải lương "Cánh cửa khép hờ" có đề tài viễn tưởng, lồng ghép việc biến đổi gen, công nghệ AI (Ảnh: Ban Tổ chức).

Trước khi ra mắt, nhiều người nghi ngờ sự thành công của vở diễn bởi sân khấu cải lương luôn mang tính chất trữ tình, lồng ghép với đề tài viễn tưởng liệu có khập khiễng.

Thế nhưng, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống, kết hợp với âm thanh, ánh sáng hiện đại... cùng cách dẫn dắt câu chuyện chặt chẽ, đạo diễn đã dựng lên một xã hội tương lai của 20 năm tới đầy cuốn hút.

Xuyên suốt tác phẩm, đạo diễn lồng ghép nhiều đoạn cải lương có bản phối rất hiện đại. Quá trình dịch chuyển liên hành tinh được tái hiện bằng những hiệu ứng công nghệ giúp khán giả hình dung rõ bối cảnh vở diễn. 

NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - cho biết, ngày nay, biến đổi gen, công nghệ AI đang phát triển nhanh và mạnh mẽ. Thậm chí nhiều người còn lo lắng sự phát triển này ảnh hưởng đến cuộc sống con người, nhiều ngành nghề biến mất trong tương lai, thất nghiệp tăng lên... Nhận thấy đây là vấn đề quan trọng, anh muốn đưa vấn đề này lên sân khấu cải lương.

"Đề tài viễn tưởng, tương lai là đề tài sân khấu cải lương chưa bao giờ đề cập tới. Đây cũng là một phép thử với sân khấu cải lương nên chúng tôi "đánh liều" một phen. Mặc dù có nhiều sự rón rén nhưng nhà hát vẫn quyết tâm làm đề tài này, cải lương làm viễn tưởng thế nào, có đủ thuyết phục không.

Đề tài này cũng hứa hẹn thông qua ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống nhưng vẫn ẩn chứa yếu tố hiện đại, đương đại thông qua: Nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, âm nhạc…", NSND Triệu Trung Kiên nhấn mạnh.

Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập và cơ chế thị trường hiện nay, Cải lương đang phải đối mặt với những thách thức đến từ năng lực thẩm mỹ và nhu cầu giải trí phong phú của khán giả, Vì thế, cải lương chỉ có hai con đường: Đổi mới hay là "chết".

Nhà hát Cải lương đưa đề tài giả tưởng, trí tuệ nhân tạo lên sân khấu - 2

Tác phẩm mới của Nhà hát Cải lương Việt Nam là phép thử cho sự sáng tạo, cách tân của các nghệ sĩ (Ảnh: Ban Tổ chức).

"Vì vậy chúng tôi quyết tâm đổi mới bằng những cuộc cách tân đúng hướng.  Cải lương là một môn nghệ thuật đặc biệt, bên cạnh việc bảo tồn, diễn lại các vở diễn kinh điển, quen thuộc, những tích tuồng cũ còn phải phát triển, khai thác tính thời đại, đề cập đến những vấn đề nóng hổi đương thời.

Nhà hát có hai đoàn: Một đoàn truyền thống vẫn kiên trì bám sát một cách chuẩn chỉ theo cách làm truyền thống và một đoàn thử nghiệm với những cách tân mới để tìm ra những hướng đi mới mẻ phát triển cho nghệ thuật cải lương", NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ.

Cánh cửa khép hờ, NSND Triệu Trung Kiên và ê-kíp sáng tạo đã mạnh dạn, thậm chí có phần liều lĩnh vượt qua "vùng cấm" để minh chứng cho sự đổi mới của mình.

Đây vừa là thách thức đồng thời cũng là phép thử với sân khấu cải lương trong bước chuyển mình để tiếp cận đa dạng nhóm công chúng.

Thông qua vở diễn, các nghệ sĩ cải lương của Nhà hát đã khẳng định được sức hấp dẫn của nghệ thuật cải lương khi khai thác mảng đề tài hóc búa, làm phong phú món ăn tinh thần, hướng tới tiếp cận nhiều hơn các nhóm đối tượng khán giả.