Công diễn vở cải lương về cuộc đời danh sĩ Ngô Thì Nhậm
(Dân trí) - Nhà hát Cải Lương Việt Nam vừa công diễn vở “Người đi tìm minh chủ” nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật lịch sử Ngô Thì Nhậm, một danh sĩ lừng lẫy tiếng tăm thời hậu Lê – Tây Sơn.
Kịch bản vở diễn của PGS.TS Trần Trí Trắc, NSƯT Triệu Trung Kiên đảm nhận vai trò đạo diễn. Đây là một trong những vở diễn Bộ VHTT&DL đặt hàng Nhà hát Cải Lương Việt Nam trong năm 2018.
Vở diễn kể về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật lịch sử Ngô Thì Nhậm – một danh sĩ thời hậu Lê – Tây Sơn, vốn người làng Tả Thanh Oai, nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Danh sĩ Ngô Thì Nhậm – một con người tài ba lỗi lạc, đức độ vẹn toàn; một chí sĩ yêu nước, thương nòi, tận hiến cả đời để phò vua, giúp nước.
Cả cuộc đời, Ngô Thì Nhậm mải miết đi tìm minh chủ để cống hiến cuộc đời mình vì quốc thái, dân an và chịu nhiều thăng trầm, oan khuất.
Vở diễn cố gắng chuyển tải một cách khách quan nhất nhằm xóa nhòa những nghi vấn lịch sử, hóa giải những nỗi oan khiên mà Ngô Thì Nhậm đã phải hứng chịu, đồng thời làm nổi bật những công lao to lớn của ông đối với quốc gia, dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước ta vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Nhà hát Cải lương Việt Nam đang có ý tưởng đưa vở diễn ra biểu diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm tận dụng tối đa khung cảnh thực của Khuê Văn Các làm sân khấu, giúp người xem có cảm giác như đang sống trong thời hậu Lê - Tây Sơn cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Nếu ý tưởng này được thực hiện sẽ là một sự khác biệt mới lạ so với rất nhiều vở cải lương có đề tài nói về nhân vật lịch sử trước đây.
Theo NSƯT Triệu Trung Kiên, những tác phẩm có đề tài về lịch sử không giới hạn đối tượng tham gia vì thế vở có tới hai kíp diễn thay phiên nhau. Tổng số lượng nghệ sĩ tham gia tập vở có đến 40 người. Nhân vật Ngô Thì Nhậm do nghệ sĩ Văn Đáng và Đức Hảo thủ vai.
Hà Tùng Long