1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nguyễn Ngọc Tư: “Tôi muốn làm người bình thường”

(Dân trí) - “Tôi không nổi tiếng, ít ra thì tôi nghĩ vậy. Nổi tiếng mà không sống thật với mình, không dám nói ra điều mình nghĩ, thì tôi chọn làm người bình thường”, cây bút nữ Nguyễn Ngọc Tư đã nói vậy sau những ồn ào của “Cánh đồng bất tận”.

Chị viết truyện dài "Cánh đồng bất tận" trong bao lâu?

 

6 tháng! Với tôi đây là một kỷ lục. Sau đó là 4 tháng nghỉ ngơi. Tôi dường như chẳng viết nổi một cái gì, dù là một thể loại "ngon ăn" như tạp văn.

 

Khi truyện dài này đăng trên báo, chị nhận được sự phản hồi nào từ độc giả?

 

Tốt có, xấu có. Tốt là độc giả nói với mình. Xấu là mình... nghĩ vậy. Khi hoàn thành nó, tôi đã biết đó là tác phẩm hơi nhạy cảm, vào loại dễ gây tranh cãi (bằng chứng là ba tôi có thích nó đâu!). Tôi thiếu tự tin đến mức nghe ai đó nói: "Ông phê bình gia XYZ gì đó có nhắc tới Cánh đồng bất tận…, tôi lại cảm thấy thắt lòng.

 

Có người khen "Cánh đồng bất tận" hay, sâu sắc, có sức ám ảnh lớn về thân phận của những người dân vùng đồng bằng. Nhưng có người lại chê là lối viết hơi tàn khốc, cường điệu, đôi chỗ làm méo mó hình ảnh cuộc sống miền quê. Chị cảm nhận như thế nào?

 

Tôi tự tin vào sự hiểu biết về nông thôn quê hương tôi. Bảy năm qua tôi đã viết về nó với bộ dạng hiều hậu, nghèo khó, đáng thương. Bây giờ tôi lại đưa bạn đọc đến một miền quê với những gương mặt khác. Tôi viết xong truyện, đưa ba đọc, ổng rầy: "Sao mà con viết về nông thôn u ám quá!". Tôi hỏi lại: "Vậy ba thấy chỗ nào con viết sai, chỗ nào con bịa đặt ra?". Ba tôi im lặng. Lúc đó, sợ ông buồn tôi đã muốn quăng cái truyện đi cho rồi...

 

Nhiều chi tiết trong “Cánh đồng bất tận” bị xem là quá ác, như: đổ keo dán sắt vào cửa mình người phụ nữ, gái điếm dập dìu, vẻ lạnh lùng tàn nhẫn của người đàn ông ghét đàn bà, một thằng con trai mới lớn bị hấp dẫn bởi một cô gái điếm… Khi đặt bút viết những dòng ấy, chị đắn đo, trăn trở ra sao để chọn cách thể hiện?

 

Có lần, tôi nghĩ, sao để hai đứa bé ngồi trong kẹt bồ lúa bắt gặp mẹ nó và ông bán vải làm gì. Nhưng rồi tôi nghĩ, liệu chúng chỉ nhìn mẹ chúng nắm tay ông kia đi dung dăng dung dẻ trên đường quang đãng thì có còn là nỗi ám ảnh, là bi kịch trong tâm hồn chúng không?

 

Chị từng thổ lộ trên báo chí rằng, rất e ngại và không dám phơi bày tình dục trên trang viết. Nhưng trong truyện dài mới nhất này, chị mạnh mẽ đề cập đến vấn đề đó. Điều gì khiến chị có sự thay đổi ấy?

 

Tôi ngạc nhiên vì mọi người chú ý khá sâu sắc tới "vấn đề" đó. Tôi chỉ muốn "mượn" nó để chuyển tải bi kịch của sự đói nghèo triền miên, của sự dốt nát, của sự hẹp hòi... Tôi dùng từ "mượn" theo cả nghĩa đen, vì có lúc trong khi viết, tôi bối rối đến mức phải dùng cách moi móc trong từ điển để tìm những từ ngữ phù hợp diễn tả mấy đoạn nhạy cảm.

 

Nhìn lại toàn bộ quá trình sáng tác của mình, chị thích tác phẩm nào nhất?

 

Tôi không dùng quan niệm "thích", bởi vì chưa bao giờ thấy thích. Viết xong một tác phẩm, tôi chỉ cảm giác vui hoặc không vui. Cải ơi, Nhà cổ, Lấy chồng, hay những truyện ngắn trong tập Ngọn đèn không tắt làm tôi vui. Đó là những truyện tôi đọc thấy buồn cười như không phải của… mình.

 

Hiện giờ chị đang viết gì?

 

Tôi đang viết tạp văn ba lăng nhăng. Tôi cần những mẩu viết ngắn ấy hâm lửa lại cho mình. 

 

Sau những ồn ào về tác phẩm “Cánh đồng bất tận”, chị nghĩ gì về văn chương và con đường viết lách?

 

Đó là con đường nhọc nhằn khủng khiếp, qua khoảng có hoa hồng là đoạn đường đầy dây kẽm gai. Nhưng tôi vẫn bước về phía trước, tôi tin phía ấy lại có hoa hồng.

 

Phương Minh