Nguyễn Cường sẽ “Thắp lửa Lạc Hồng”

(Dân trí) - Ở Nguyễn Cường, mặt trời là trái cam vàng rực với những ca khúc rock “nóng như lửa” viết về mảng Tây Nguyên. Cũng ở con người ông, tình yêu là sự khát sống, màu mỡ với những ca khúc đậm nét dân gian Bắc Bộ.

Và ông thừa nhận, “sức trẻ” của cuộc thi Nhân tài Đất Việt, khiến ông phải tư duy, muốn Thắp lửa Lạc Hồng (tên ca khúc) cho cuộc thi đặc biệt này.

 

Một cuộc thi “không có người già”

 

Theo cách mà Nguyễn Cường cảm, thì cuộc thi Nhân tài Đất Việt là một cuộc thi hội tụ những người nhiều tuổi và những người ít tuổi, chứ hoàn toàn không có người già. Tất cả họ đều trẻ! Cuộc thi này với ông còn đặc biệt ở chỗ, ai là người VN dù ở vị trí nào trên quả địa cầu này cũng có thể tham gia, vì thế Nhân tài Đất Việt còn là sự kết dính của các vùng miền, tạo nên một sức mạnh đại đoàn kết. Ông hào hứng kể: “Tình cờ, tôi gặp anh Phạm Huy Hoàn (TBT Báo Khuyến học & Dân trí – PV), qua trao đổi với anh, tôi biết đến cuộc thi. Thú thực ngay từ đầu tôi đã manh nha hình dung ra một ca khúc”.

 

Với Nguyễn Cường, tuổi trẻ, sự sáng tạo là chất liệu thôi thúc ông sáng tác. Họ náo nức, khát khao sống đến thế kia mà, cả một thế hệ thanh niên hiện đại thế, đáng hát quá đi chứ! Ông dự định đặt tên ca khúc dành cho Nhân tài Đất Việt sẽ là Thắp lửa Lạc Hồng, và ông chưa thể chi tiết hơn được vì đơn giản ông muốn khi viết phải nhập được hết “năng lượng” vào ca khúc đã, nên cần có thêm thời gian để tư duy. “Tôi sẽ cố gắng hoàn thành tác phẩm này vào trước ngày 31/8”, ông nói. Đành chờ vậy!

 

Thửơ… “computer vĩ đại lắm lắm!”

 

Trên căn gác ba, phố Hàng Bạc, người nghệ sĩ trên 60 như ông với hàng ria mép được xem là có “giá trị” 30% chất lượng ngoại hình, “hồn nhiên” nhắc lại thưở ấy, rằng, ông biết đến chiếc máy tính (computer) là qua… “thằng Phúc” (- nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc). Năm 1990, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc được Pháp tài trợ đi học 1 năm, kết thúc khoá học, Đặng Hữu Phúc về nước và đem theo cả “phần mềm” làm nhạc trên máy tính . Ông- khi ấy, chẳng biết một tý xíu gì về máy tính, nhưng qua nhạc sĩ Phúc, ông thú vị về công năng của phần mềm này. “Mình về kể cho vợ nghe chuyện cái computer của Phúc. Không ngờ, một tuần sau, mình thấy có người gõ cửa và gửi mình 1 dàn máy tính. Trời, ngạc nhiên quá chừng! Lúc đó, nào đã biết chút gì về loại máy này đâu!”.

 

Những ngày đầu “đánh vật” với computer đã đi qua, khá mệt. Thời đó, qua lời ông kể, trong số những nhạc sĩ trẻ thì có Vũ Quang Trung là người thỉnh thoảng “lượn” qua nhà ông một chút, chỉ cho ông một số chức năng cơ bản. Rồi, vì “say”, vì “computer vĩ đại lắm”, khiến ông tự mày mò và sử dụng cho bằng được. Chính điều này đã giúp ông có nhiều tác phẩm khí nhạc được giải thưởng của Hội nhạc sĩ như: Tứ tấu đàn dây (năm 1994), Concerto cho Violon và dàn nhạc, Giao hưởng thơ PơrôtốcTimi… gần đây là Hợp xướng 3 chương- Hợp xướng đường mang tên Bác hùng ca Trường Sơn

 

“Computer càng ngày càng làm cho mình thấy sướng”- ông nói. “Cứ hình dung rằng, trong nhà mình có một trăm nhạc công, mình viết xong, bắt nó chơi, mình không ưng bắt nó chơi đi chơi lại đến lúc chuẩn rồi mới thôi. Mà vui nhất là nó không hề “chửi” mình, không kêu ca gì mình. Làm nhạc trên máy sướng thế đấy!”.

 

Đến “Tứ bình Thị Mầu” thời nay

 

Nõn nà vú măng, ngực trăng mới nhú… là ca từ không lẫn vào đâu được của một “Say Trăng” mà Nguyễn Cường  đã viết, sẽ được chọn làm ca khúc “khai vị” cho CD Tứ bình Thị Mầu (gồm 5 bài) dự định ra mắt cuối năm nay của ông. Ca khúc đã được nhạc sĩ Hoàng Vân nhận xét ngay khi vừa mới ra mắt (năm 1994): “Say Trăng là bức khoả thân đầu tiên của nền âm nhạc”. Qủa không ngoa, chỉ có cách nhìn Thị Mầu là mầu mỡ, là khát yêu- khát sống, Nguyễn Cường mới viết được ca khúc hay như thế.

 

Trong Con đường âm nhạc mới đây, với nhan đề “Dưới mái đình”, không ít người cho rằng đó là những cuộc “lột xác” thật sự về những ca khúc ít biết của ông. Độc thoại Thị Mầu, Đàn cầm dây vũ dây văn, Khúc bi ca Trọng Thuỷ… khiến người nghe hình dung về một cách cảm mới – made in Nguyễn Cường về những tích- giai thoại dân gian.

 

Giải thích điều này, ông nói: “Đối với một nhân vật dân gian, chèo, hay cổ tích, mỗi thế hệ có những đóng góp riêng, thêm thắt tình tiết, hay cắt xén nó đi, đều là đóng góp cả. Và, tôi cũng là người làm việc đó, nhưng theo cách của tôi”.

 

Cách của ông, là Mầu không yêu thằng Nô nữa, mà Mầu yêu thầy Khoá cơ, yêu những anh kỹ nghệ thông tin, Mầu mặc quần jeans, nhảy disco cơ… Là bởi, Nguyễn Cường cho rằng: “Với tôi, Mầu là tất cả những cô gái khoẻ khoắn, màu mỡ, khát yêu- khát sống. Cái lẳng lơ là cái giời cho, khối người thèm đấy chứ”.

 

Vì màu mỡ nên người ta gọi là Thị Mầu, còn Thị Kính là em Kính chị, đâu ai dám yêu – âu đó cũng là cách riêng ông đã “nuôi” vốn quý dân gian bằng lối nói dí dỏm như vậy.

 

Và một “thương hiệu” mang tên Nguyễn Cường

 

Vì lẽ đó mà chỉ cần nhắc đến tên Nguyễn Cường, lập tức người ta nghĩ ngay đến những ca khúc rock Tây Nguyên “nóng như lửa” là: Em muốn sống bên anh  trọn đời, Em đẹp lắm Pleiku ơi, Nghiêng nghiêng rừng  chiều… với những giọng ca đẹp như Y Moan, Siu Black, 2M; những ca khúc phảng phất nét ca trù, không gian Bắc Bộ qua Mái đình làng biển, Đàn cầm dây vũ dây văn… Và đến cả một Hà Nội ngây ngất trong ca khúc Để em mơ, Mãi tuổi thơ tôi Hà Nội…

 

Nhưng, không dễ gì có được những “tài sản” âm nhạc đó, vì ông đã từng tốn nhiều công sức, một mình dọc ngang chiều dài đất nước, góp nhặt những điều “có mặt” trên cuộc đời. Và cứ mỗi chuyến đi xa như thế, ông biết người vợ yêu quý của ông lại phải vất vả hơn bội phần, nhưng là nghệ sĩ- đành biết vậy, và đành hi sinh cho nhau là vậy.

 

“Viết về Tây Nguyên là định mệnh của tôi”, lời khẳng định của ông. Ông là người Hà Nội gốc, nhưng Tây Nguyên như “ruột thịt” cũng vì lẽ đó. Người ta lại thắc mắc, Hà thành đẹp thế, Hà thành của ông “đi đâu”? Ông chỉ cười và nói: “ Hà thành chính ở trong những ca khúc Tây Nguyên”. Nghĩ cho cùng, cũng chỉ có ông – một cách thổi hồn Tây Nguyên từ Thủ đô...

 

Những chuyến đi dài hơi, theo cách nói của ông là “lang thang”, lại cho ông vô kể những tứ, những ý để làm nên các tác phẩm âm nhạc. Ông kể, một lần ông vào Bưu điện Buôn Ma Thuật để gọi điện, trong lúc đang chờ đến lượt mình, vô tình ông nghe người con trai đang gọi điện thoại, nói qua máy: “Em còn thương anh thì sang đây, sang Buôn Ma Thuật đây!”. Ngay lập tức, tôi đã có câu hát: Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuật. Lần khác, tôi ngồi trong quán Êva- một quán cà phê nổi tiếng ở Kom Tum, nghe một cô gái nói: “Mặt trời ở đây như trái cam đấy anh ạ!”, và tôi lại có bài hát Trái cam mặt trời

 

Tất cả những “minh chứng” đó, với ông chỉ là “tôi chỉ nhặt những viên ngọc đánh rơi ngoài đường”. (ý thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: Vạt áo nhà thơ không chứa nổi những viên ngọc đánh rơi ngoài đường – PV). Ông thừa nhận, với người nhạc sĩ, cuộc sống cho mình tất cả, không có ca khúc nào mà không có đời sống thực của nó.

 

... Và bởi những gì thuộc về Nguyễn Cường, ông xứng đáng được người ta gọi là một Tác Giả của nền âm nhạc VN đương đại – một “thương hiệu Nguyễn Cường”.

 

T.Đ