1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Quảng Ngãi

Người lưu giữ lời hát ru Hoàng Sa – Trường Sa

(Dân trí) - “Ầu ơ…! Đến mùa tu hú kêu thanh. Cá chuồn đã mãn. Ầu ơ…! Chứ cá chuồn đã mãn sao anh chưa về. Ầu ơ…! Hoàng Sa đi có về không, chứ lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi...”.


Mặc dù lớn tuổi, bà Hảo vẫn miệt mài hát để lưu truyền lại cho con cháu mai sau.

Mặc dù lớn tuổi, bà Hảo vẫn miệt mài hát để lưu truyền lại cho con cháu mai sau.

Đến với Lý Sơn giữa tháng 3 âm lịch, bất kể du khách nào cũng bắt gặp hình ảnh các cụ ông khoác bộ áo dài khăn đóng, hay tiếng ốc u gọi cố nhân trở về từ Hoàng Sa,... Những ngày này, cư dân trên đảo Lý Sơn cùng 13 họ tộc tưởng nhớ tổ tiên và ngư dân nằm lại ở Hoàng Sa, thông qua hoạt động Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Rảo bộ trên con đường “độc đạo” ở Lý Sơn, chúng tôi bỗng đứng khựng lại bởi lời ca “Ầu ơ...” vang vọng giữa đất đảo. Qua thông tin từ người dân địa phương, chúng tôi tìm gặp bà Đỗ Thị Hảo (68 tuổi, ngụ thôn Tây, xã An Vĩnh, Lý Sơn) bên chiếc võng mà bà đang ru cháu ngủ.

Tiếp chuyện chúng tôi, bà Hảo tâm sự: “Từ lúc sinh ra đến giờ, tôi rất thích hát ru. Đến giờ này, từng lời ca đã ăn sâu trong tâm trí tôi. Ngày xưa nhiều người hát lắm, chứ còn bây giờ, không mấy ai thuộc và hát như tôi nữa. Nếu không lưu truyền lại, tôi e là dễ bị lãng quên mất thôi”.

 

Mỗi lần ru cháu ngủ, bà Hảo luôn cất tiếng hát ru ấm áp giữa đất trời Lý Sơn.

Mỗi lần ru cháu ngủ, bà Hảo luôn cất tiếng hát ru ấm áp giữa đất trời Lý Sơn.

Sinh ra và lớn lên trên đất đảo Lý Sơn, những người phụ nữ luôn bất an mỗi khi cha, chồng và con vươn ra khơi xa. Đặc biệt, người Lý Sơn vâng lệnh vua đi bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa ruột thịt.

“Cứ mỗi lần có người thân đi ra Hoàng Sa và Trường Sa, lòng người ở lại luôn lo lắng, bồn chồn như cắt ruột vậy. Ngày xưa, nơi đây không có điện, người dân thắp sáng bằng đèn dầu hoặc ánh sáng của con đom đóm. Lúc trời vừa mờ tôi, không khí buồn não nề lắm. Mỗi lúc ru con ngủ, tôi chỉ biết hát và nhìn ra biển chờ người thân trở về”, bà bộc bạch.

Năm nay, bà Hảo đã bước sang tuổi cập kề 70, ấy vậy giọng bà hát ru vẫn còn khỏe. Từng lời ca rất mộc mạc, hòa cùng chất giọng đặc trưng của người Lý Sơn, kiến tạo nên lời ca thật ấm lòng người nghe. Đối với bà Hảo, lời hát ru như món ăn tinh thần được bà cất tiếng hát mỗi lúc ru cháu ngủ.

Trong giây phút tĩnh lặng, bà cất lời: “Ầu ơ…! Đến mùa tu hú kêu thanh. Cá chuồn đã mãn. Ầu ơ…! Chứ cá chuồn đã mãn sao anh chưa về. Ầu ơ…! Hoàng Sa đi có về không, chứ lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi...

Rồi bà truyền đạt kinh nghiệm: “Hát ru tuy dễ mà khó, bởi chất giọng của người hát ru đòi hỏi phải vừa trong vừa thanh, âm điệu phải rõ ràng để sự luyến láy chuyển từ uyển chuyển. Mỗi điệu ru đều có cung bậc thăng trầm, cảm xúc hòa cùng niềm vui và nỗi buồn theo tinh thần, như vậy câu hát mới có sức hút người nghe”.

Không chỉ hát những bài mà các bậc tiền bối để lại, bà Hảo còn có thể sáng tác và hát theo đúng cuộc sống hiện nay. Trên hết, bà luôn mong muốn con cháu học hát, để bà truyền lại lời hát ru Hoàng Sa – Trường Sa, đây là nét văn hóa độc đáo chỉ có ở Lý Sơn.

Bà Đỗ Thị Hảo được người dân Lý Sơn gán cho biệt danh “Người đàn bà hát ru Hoàng Sa”, đây là danh hiệu cao quý mà không phải ai có được. Với xu thế phát triển của thời đại mới, lời hát ru dân gian đang dần phai, riêng bà Hảo vẫn luôn miệt mài hát, mong con cháu giữ lại điệu ru về Hoàng Sa - Trường Sa.

Tâm sự cùng Dân trí, ông Phạm Hoàng Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn chia sẻ: “Quả thật lời hát ru dân gian đang dần mai một, đây cũng là mối bận tâm của địa phương. Nhưng biết làm sao đây, khi thế hệ trẻ bây giờ lại thích nghe nhạc thị trường. Trong thời gian tới, chúng tôi nghiên cứu tổ chức nhiều lớp dạy hát, hoặc có thể lồng vào chương trình dạy nhạc dân gian ở trường học. Giúp thế hệ trẻ học hát ru, chính là lưu giữ lại lịch sử, văn hóa liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu như bà Hảo đã làm lâu nay”.

Dương Hồng Vương

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm