Ngô Mỹ Uyên và những lời đồn thổi
Gặp Ngô Mỹ Uyên tại căn biệt thự trên đường Hàn Thuyên (TPHCM), bỏ ngoài tai những lời đồn thổi, cô đã đồng ý thổ lộ những điều riêng tư nhất, trong đó không thiếu những thông tin giật gân. Với Uyên, cuộc sống phải rõ ràng, cho dù có là người nổi tiếng hay không.
Phụ nữ ít ai thích công bố tuổi thật của mình trong khi chị thì ngược lại. Phải chăng chị không sợ thời gian và chấp nhận đương đầu với thực tế?
Tôi sinh năm 1974, nói không sợ thời gian hay xem thường sự già nua là không thật lòng. Tôi nghĩ đó là quan niệm thôi. Theo quán tính, xã hội VN thường cho rằng tuổi đời của những nghề liên quan đến nghệ thuật chỉ vỏn vẹn trên dưới 10 năm, đó là trong giai đoạn xuân sắc nhất, qua thời điểm đó, có cố gắng cũng chỉ để níu kéo.
Trong khi ở nước ngoài, làm nghệ thuật có thể cống hiến trọn đời. Quan trọng là mình đã làm được gì chứ không phải e ngại chuyện "hết thời". Sharon Stone, Củng Lợi, Dương Tử Quỳnh được Hollywood biết đến ở tuổi 40 chứ có sớm đâu? Tôi nghĩ khả năng, trình độ quan trọng hơn tuổi tác. Tuổi trẻ và nhan sắc cần thật đấy nhưng không quyết định sự thành bại hay tài năng.
Không xuất thân từ gia đình nghệ thuật và chị phải nỗ lực rất nhiều để có được thành công như hôm nay. Vậy theo chị, điều gì quan trọng nhất để theo đuổi con đường nghệ thuật?
Gia đình tôi là dân Sài Gòn. Tôi còn hai em gái đang du học ngành thương mại quốc tế ở San Francisco (Mỹ). Từ bé, tôi cứ nằng nặc đòi bố mẹ cho học đủ thứ từ đàn piano đến thể dục dụng cụ, khiêu vũ. 7 tuổi, tôi đã gia nhập ca đoàn nhà thờ. Bố tôi không vui khi thấy con gái thích theo đuổi nghề diễn vì ông muốn tôi học hành đàng hoàng, có tấm bằng bác sĩ, kỹ sư vẫn tốt hơn. Nhờ chiều cao vượt trội mà năm 14 tuổi, tôi được làm trợ giảng nghề khiêu vũ cho bác ruột. Lúc đó tôi vừa học, vừa làm, có tiền chi tiêu mà không phải xin bố mẹ.
Vào bậc trung học ở trường Nguyễn Thị Minh Khai, tôi là học sinh chuyên ngoại ngữ, luôn giữ vị trí lớp trưởng. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi đã biết rằng ngoại ngữ sẽ rất quan tọng trong tương lai. Từ năm 1992 đến 1996, tôi theo học ngành Quản trị Kinh doanh tại ĐH Mở bán công. Năm 1994, tôi đoạt giải Á hậu điện ảnh và được đạo diễn Lê Dân mời vào vai chính trong phim Áo trắng sân trường, đóng chung với Lê Công Tuấn Anh.
Để theo đuổi nghệ thuật, tôi nghĩ ngoài đam mê phải có năng khiếu và kiến thức. Một nghệ sĩ được học hành, đào tạo sẽ khác xa với những người không học hành, làm theo kiểu mắt thấy tai nghe.
Nhưng chị đến với điện ảnh rõ ràng là bằng nhan sắc và danh hiệu chứ chưa qua một trường lớp diễn xuất nào?
Đúng là không được học diễn xuất nên tôi đã phải cố gắng rất nhiều để thể hiện tính cách nhân vật. Đến giờ, tôi mãi biết ơn nghệ sĩ Thế Anh, người thày đầu tiên dạy cho tôi biết diễn trước ống kính. Ngoài ra, những người bạn như Lê Công Tuấn Anh và đạo diễn Lê Dân đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Tôi mang ơn họ. Chính vì thế mà sau này để làm được MC hay ảo thuật, tôi phải sang tận Mỹ để học.
Có không ít lời đàm tiếu về sự giàu có đột ngột của chị. Chị nói gì về chuyện này?
Năm 1992, tôi đoạt giải nhất Người mẫu thời trang, tôi bắt đầu tham gia nghề người mẫu. Thời điểm đó, tôi còn bị gọi là call girl cao cấp nhất VN vì là "chân dài" duy nhất nói được tiếng Anh mà lại có danh hiệu. Nhưng nói thật là khi ra nước ngoài, nhìn lại tôi cứ cười mãi. Đại gia ở xứ mình chỉ là hạng "tép riu" nếu so với cỡ mấy tỉ phú giàu lửa Ả Rập hay những chàng quý tộc Anh, Italy, Pháp.
Được đi nhiều, va chạm nhiều, thâm nhập thế giới người mẫu ở London, Paris, Milan, tôi từng suýt ngã vì những lời đề nghị khiếm nhã nhưng rõ ràng, sòng phẳng đổi chác tình tiền mà cái séc có giá trị bằng đô la Mỹ với dãy số 0 phía sau. May mắn là tôi không buông thả.
Trước khi ra nước ngoài du học, tôi đã kiếm được rất nhiều tiền từ những show quảng cáo. Ngày xưa, có lúc tôi thức cả mấy đêm, không còn thời gian để ngủ vì quay quảng cáo. Khoảng từ năm 1994 đến 1997, có đêm trên TV chiếu đến 4 clip quảng cáo do tôi đóng. Tiền kiếm được, tôi đưa mẹ giữ, đầu tư bất động sản nên giờ mọi người thấy tôi nhiều tiền thì có gì lạ đâu?
Còn chuyện Mỹ Uyên đang yêu một triệu phú người Mỹ mà chẳng bao giờ cưới vì ông không dám ly dị vợ, sợ "sứt mẻ" tài sản sau khi chia tay?
Có chuyện đó sao? (cười). Ông Bradley O'Leary chỉ là manager của tôi thôi. Quan hệ giữa tôi và ông ấy chỉ đơn thuần là công việc. Là người đặc biệt yêu quý VN nên ông đã viết hai quyển sách nói về VN giới thiệu với độc giả Mỹ. Ông ấy cũng nhắn tin ủng hộ người nghèo với số tiền lên đến 100 nghìn USD. Ông Bradley có 6 con gái với 6 người vợ nhưng đều đã ly dị. Nếu tôi có quan hệ tình cảm với ông ấy chắc cũng không thể làm việc quang minh chính đại được. Người Mỹ rất rõ ràng, làm việc là làm việc, chơi là chơi, yêu ra yêu, không nhập nhằng. Mọi thứ đều phải rõ ràng, không ai lợi dụng ai.
Tôi đang có bạn trai người Italy. Chúng tôi quen nhau khi sang Milan dự tuần lễ thời trang. Anh ấy kinh doanh địa ốc, lĩnh vực mà tôi đam mê. Chúng tôi cũng chưa dự tính gì cho tương lai vì tôi phải làm việc để 3 năm nữa khi em gái ra trường mới tính chuyện chồng con. Bạn trai tôi đã 42 tuổi, có một con gái và đã ly dị vợ. Nhìn chung, tôi thích đàn ông tài năng hơn là vóc dáng bề ngoài.
Theo Thanh Niên Tuần San