Chuyện dài "em-xi":
Nghề MC: Con đường không trải hoa hồng
(Dân trí) - Một ca sĩ ra sân khấu chỉ hát đúng bài đã được tập dượt. Nhưng một người dẫn chương trình hiếm khi được nói đúng 100% những gì trong kịch bản. Luôn luôn có những tình huống ngoài dự kiến, dù nhanh nhẹn thế nào, cũng vẫn có vài lần… “lỡ miệng”.
Đó chỉ là một trong rất nhiều chia sẻ về nghề nghiệp của những người dẫn chương trình.
MC Quỳnh Hoa: Nhiều người vẫn nói là MC là nhịp cầu nối giữa khán giả và người trên sân khấu, đó là cái hay của người dẫn chương trình. Mình càng khiêm tốn bao nhiêu, càng làm cho người nghệ sĩ trên sân khấu càng nỗi bật thì mình càng thành công.
Hầu hết MC không có ai học qua trường lớp nào cả, chưa ai học tới nơi tới chốn, tất cả đều là tự phát, tự học hỏi lẫn nhau. Đôi khi, có những người quá khắt khe, so đo với từng lời nói, từng lỗi nhỏ của MC. Thế thì tội cho MC lắm. Vì chung quy, MC cũng là người như bao người khác, mà con người không ai hoàn thiện, cũng có những lúc nói sai, quên lời.
MC Anh Quân: MC là người thay mặt khán giả để chia sẻ thông tin và suy nghĩ, vì vậy những thông tin đưa ra phải tuyệt đối chính xác. Điều này đòi hỏi MC phải thường xuyên cập nhật thông tin để có những nhận định sắc bén và chính xác.
Dù ở Việt Nam, dẫn chương trình chưa được xem là một nghề, nhưng cũng có thể coi đây là một công việc như bao công việc khác. Hy vọng với sự nỗ lực và cố gắng tự khẳng định, làm MC sẽ thực sự trở thành một công việc có sức hấp dẫn và thu hút giới trẻ.
Hồng Phượng: Không phải cứ xuất hiện trên sân khấu với hình thức đẹp, cầm kịch bản trong tay và “dập khuôn” theo kịch bản là bạn có thể trở thành MC. Trên hết, những điều đó là cả một sự khổ luyện, phấn đấu không ngừng để có được vị trí trong lòng khán giả bằng kiến thức, bằng phong cách, bằng sự gần gũi riêng.
Trong mọi chương trình, MC luôn là người bị “soi” đầu tiên. Chúng tôi phải đảm bảo không có sự sai sót, và cả gánh vác sự thành bại của chương trình.
MC Thanh Bạch: Một nghề đòi hỏi năng khiếu và kỹ năng chuyên nghiêp. Một nghề cao quí đáng trân trọng bởi sụ ảnh hưởng cũng như nhũng lợi ích mà nghề nghiệp này mang lại cho cộng đồng và xã hội.
Cùng các nghệ sĩ, người dẫn chương trình cũng là một chiến sĩ trên mặt trận văn hoá. MC cũng là một nghề chuyên nghiệp nhưng lại thiếu sự đầu tư chiến lược về giáo dục đào tạo ngành tạp kỹ trong đó có nghề Giới thiệu chương trinh, chưa được nâng lên thành cấp Quốc gia, đây quả là sự thiệt thòi đáng tiếc.
MC Quốc Bình: Chúng tôi luôn đón nhận những lời khen, chê của mọi người. Đặc biệt là những lời chê, nhưng mong rằng đó là những lời chê có tình xây dựng để chúng tôi hoàn thiện hơn. Chúng tôi cũng như mọi người, đôi khi cũng có những vấp váp, những nhầm lẫn bởi áp lực của chương trình như kết cấu, không khí hay sự liên tục của chương trình.
Nếu quý vị để ý, MC của nước ngoài khá thỏai mái trong cách dẫn, họ có thể nói sai, nói lại, đa dạng trong ngôn từ. Những điều đó giúp họ thăng hoa hơn và thành công hơn. Vẫn biết, nền văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi khác, nhưng MC chúng tôi chỉ mong rằng khán giả bớt khắt khe hơn với chúng tôi.
MC Anh Tuấn: Theo quan điểm của tôi, cái khó lớn nhất của nghề MC chính là khán giả, còn khó khăn nghiệp vụ thì mình có thể tự trau dồi và khắc phục. MC là người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ phía khán giả, nhưng mình thì không thể chiều lòng tất cả mọi người, làm dâu trăm họ mà.
Mặc khác, MC còn phải chịu sức ép từ rất nhiều phía khác. MC chính là bộ mặt cho toàn bộ ê-kíp thực hiện chương trình từ biên tập, đạo diễn… nên sức ép nhiều lắm. Mình không thể khiến công sức của cả một tập thể đổ sông, đổ biển.
MC Diễm Quỳnh: MC không phải là một nghề khó, nhưng không phải dễ. Nhìn vào mọi người sẽ không thấy hết được cái khó, chỉ thấy nó rất dễ dàng, nhẹ nhàng và thậm chí là sung sướng. Ít ai nhìn thấy được sự rèn luyện, phấn đấu cũng như áp lực mà người dẫn chương trình chúng tôi phải chịu.
Nhiều người nghĩ, làm MC là một công việc không cần sự nghiêm túc, nhưng hơn ai hết những người làm nghề như chúng tôi hiểu, MC cần sự nghiêm túc và phải luôn làm việc nghiêm túc.
MC Quỳnh Hương: Khán giả luôn luôn chờ đợi một chương trình thực sự sống động, sôi nổi, nhiều yếu tố bất ngờ. Như vậy, bắt buộc người dẫn chương trình phải hoạt động liên tục để lấp những khoảng trống, để tạo không khí, để khiến nhân vật phản hồi một cách tự nhiên nhất, chân thật nhất. Những yêu cầu đó không hề dễ dàng.
Tuy vậy, không phải khán giả nào cũng hiểu hết những nỗ lực ấy của chúng tôi. Đâu đó vẫn có những lời nhận xét khiến chúng tôi đau lòng, những lời trách cứ vô tình đủ làm nản chí những chàng/nàng Đông-ki-sốt nhiệt tình nhất.
Tuy vậy, suy cho cùng với người dẫn chương trình, khán giả luôn đóng vai trò tối quan trọng. Một ca sĩ có thể hát chỉ để thỏa tâm ý của riêng mình, còn một người dẫn chương trình, nếu không thể tạo sự đồng cảm nơi khán giả, thì còn biết làm gì?
Đó là những lời chia sẻ về nghề nghiệp của những MC thành đạt tại Việt Nam. Họ đến với nghề vì đam mê, vì nhiệt huyết với công việc và hơn hết họ luôn cố gắng hết mình để vượt qua mọi áp lực nhằm mang đến một chương trình trọn vẹn. Nghe họ nói mới cảm nhận hết cái đắng cay, cái khó đằng sau cái nghề tưởng chừng như dễ dàng và dễ nổi tiếng này.
Trung Thành