Nghề DJ ở Việt Nam
(Dân Trí) - Đến nay, mặc dù DJ (chữ viết tắt từ "Disc Jokey" - người chỉnh, mix nhạc) vẫn còn là một "nghề" khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng những gì mà các DJ mang lại cho đời sống âm nhạc trong nước - đã đang thu hút không ít sự chú ý của công chúng, nhất là giới trẻ.
"Chân dung" của DJ
Bước vào các vũ trường, thoạt nhìn cứ nghĩ DJ là một công việc hết sức đơn giản với hình ảnh một người đứng sau dàn mix, tai đeo headphone, luôn tay trên các bàn xoay đĩa, thân thể đu đưa, thỉnh thoảng miệng hét to những tiếng…. khó hiểu, xốc đám đông phía dưới hò reo và nhảy múa theo điệu nhạc. Tuy thế, không chỉ là các thao tác lựa chọn, ráp nối các bản nhạc có sẵn, một DJ chuyên nghiệp trước hết là người biết tạo ra một dòng nhạc kéo dài nhiều giờ, phải biết "giao lưu" tốt với khán giả cũng như nắm bắt tâm lý của họ để đổi bài, giữ không khí luôn sôi nổi và gia giảm âm lượng hợp lý.
Với các nước Âu Mỹ, nơi ngành công nghệ giải trí phát triển sớm, nghề DJ đã bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ trước và cho tới nay, DJ đã mang đầy đủ vóc dáng và yếu tố cần thiết của một nền công nghiệp âm nhạc: Từ việc ký kết hợp đồng sản xuất album với những hãng băng đĩa lớn đến việc sản sinh ra các chuyên ngành khác chế tạo thiết bị hỗ trợ cho nghề DJ, rồi còn làm liveshow và Festival âm nhạc hoành tráng tại các sân vận động. Bản thân DJ cũng được công nhận là những nghệ sĩ thực thụ, như giải Grammy hằng năm vẫn giành phần thưởng cho các DJ kiệt xuất hoặc những bản mix hay nhất.
Còn ở Việt Nam, các đây khoảng 7 - 8 năm, khi các vũ trường mọc lên như nấm sau mưa và nhạc máy bắt đầu thay thế nhạc sống thì khái niệm về công việc của một DJ mới hình thành. Lúc đó, DJ - nói một cách chính xác - chỉ đơn thuần là: người chọn nhạc. Vào thời điểm này, có một thanh niên du học ngành maketing tại Mỹ trở về Việt Nam nhưng lại tìm đến các vũ trường để hành nghề DJ.
Thoạt tiên, anh chàng DJ này phải đi tất cả các sàn nhảy trong thành phố để thể hiện khả năng của mình. Dần dần anh được chấp nhận và trở thành một trong những nhân vật "khởi thủy" của làng DJ Việt Nam. Đó chính là DJ Phát P. Cùng thời với Phát P là Chương, Long tóc dài… Đến nay, đang có một thế hệ DJ trẻ tài năng khác tiếp bước các "đàn anh" mà tiêu biểu là Nguyễn Đình Mỹ Quyên (được coi là DJ số một Việt Nam hiện nay) và Võ Hoàng Anh (giải nhất cuộc thi Tìm kiếm tài năng trẻ DJ Việt Nam lần thứ 2 năm 2004).
Khi nói về nghề, tất cả các DJ đều thừa nhận: dân phía Nam có phần "trội" hơn. Lý do đơn giản là họ đã được tiếp xúc với "trò chơi" này từ khá sớm. Hơn nữa, rất nhiều Việt Kiều về nước truyền nghề cho các đệ tử ở đây. Hiện các sàn nhảy đang rất ưa chuộng mix nhạc techno. Chính vì vậy mà hầu hết các DJ hiện nay đang đi theo hướng mix thể loại nhạc này. Nhưng theo một số DJ trẻ thì: nếu chơi như vậy, chưa thể hiện đẳng cấp của DJ. Nếu muốn giỏi thật sự, phải biết chơi cả hip-hop, dance hoặc một số loại nhạc khác.
Về đâu những "thầy phù thuỷ âm thanh"?
Mặc dù "nghề mix nhạc" này có thể mang lại cho mỗi DJ mức thu nhập cao (lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng), nhưng nếu đem so với chi phí mà DJ phải đầu tư cho công việc của mình thì cũng… chẳng thấm vào đâu. Bởi trung bình mỗi DJ phải có trong tay từ 3.000 - 4.000 đĩa CD để làm công cụ hành nghề, hơn thế, ngày ngày lại phải không ngừng tìm kiếm, cập nhật, bổ sung đĩa mới. Nếu dùng đĩa than thì giá tiền còn đắt hơn, dao động khoảng 15 - 20 USD/đĩa, với loại hàng "độc" thì có khi DJ phải trả 50 USD cho một bài nhạc mới là chuyện thường. Nhưng mặc lòng vậy, "khi đã trót đam mê thì sẽ theo nghiệp tới cùng", một DJ tâm sự.
Có một thực tế là hiện nay, DJ vẫn chưa có trong danh mục hành nghề quy định, và người hành nghề chưa được công nhận như một nghệ sĩ. Đây là một thiệt thòi cho họ, trong khi môi trường làm việc tại sàn nhảy khiến các DJ thường bị tăng khả năng suy giảm thính giác theo tuổi nghề. Trong một chuyến sang Việt Nam mới đây, Pual Oakenfold - DJ hàng đầu thế giới - đã nói về những DJ trẻ của nước ta: "Tôi thấy trình độ và kỹ năng của họ chẳng khác gì DJ ở các nước khác, nhất là trong khu vực. Đáng khâm phục hơn là những bạn trẻ này phải mix nhạc với nguồn nhạc vô cùng hạn chế, khiến họ cật lực hơn so với các đồng nghiệp Anh hoặc Bắc Mỹ".
Như vậy, cánh cửa cho nghề DJ đã mở, dù chưa rộng nhưng cũng đủ để cho DJ - những "thầy phù thủy âm thanh" thât sự tài năng và đam mê có thể tin tưởng, hy vọng vào tương lai. Bởi như dự đoán chỉ trong vòng vài năm nữa thôi, DJ sẽ là một "nghề" phổ biến và được biết đến rộng rãi ở nuớc ta.
Bảo Chương