Mỹ Tâm: "Tôi không lười yêu"

Một buổi chiều Hà Nội, nắng đã tắt nhưng thời tiết vẫn oi nồng. Trong quán cà phê yên tĩnh, ngồi bên cạnh tôi là một Mỹ Tâm nhỏ nhắn, giản dị và dễ gần.

Tôi hài lòng về công việc

Chào Tâm, trông chị có vẻ hơi gầy? Công việc thế nào, có quá bận rộn không?

Cũng không đến nỗi quá bận rộn. Thường ngày, tôi luyện giọng, tập vũ đạo và đi diễn. Nếu rảnh rỗi, tôi tranh thủ ngồi cùng mấy người bạn thân hoặc ngủ.

Chị hài lòng với công việc hiện tại chứ?

Tất nhiên, tôi hài lòng.

Nhưng để có được ngày hôm nay, chị đã phải trải qua một quãng thời gian cực khổ? Nghe nói một số ca sĩ giống như chị đã không thể kiên nhẫn theo học đến cùng?

Đúng vậy, thời gian mới vào nghề của tôi rất cực. Cùng một lúc tôi phải vừa học thanh nhạc ở Nhạc viện, vừa hoàn thành nốt những lớp học văn hoá cuối cấp. Một ngày của tôi là sáng học nhạc, chiều học văn hoá, buổi tối thì đi làm. Cuối ngày, tôi gần như mệt lử.

Cơ hội đi diễn của chị bắt đầu từ bao giờ?

Tôi bắt đầu đi diễn vào nửa năm sau lớp 11. Trước một số lời mời, tôi quyết định thử xem sao bởi lúc này tôi không muốn dựa vào gia đình nữa. Đó là thời điểm cực nhất của cuộc đời tôi. Lắm lúc tôi chỉ muốn bỏ hết cho xong nhưng sợ ba buồn, lại thôi. Tôi còn nhớ kỳ thi cuối cấp năm lớp 12, tôi đã quyết định nghỉ làm nửa năm để ôn luyện.

Vừa học, vừa diễn, chị phân thân hay sao?

 (cười) Một ngày, của tôi bắt đầu vào 7 giờ sáng và kết thúc vào 2 giờ sáng hôm sau. Tôi cũng phải cúp cua hoài. Rất may bạn bè thương tôi nên thỉnh thoảng điểm danh hộ. Mỗi lần đến kỳ thi, tôi thường thức trắng vài đêm, ôn rất tập trung. Những gì cần nhớ thì tôi lại nhớ rất lâu, thế nên tôi cũng không khó khăn lắm để vượt qua những kỳ thi đó.

Cuối năm lớp 12, tôi học ôn ở nhà một thầy giáo, vào lúc 5 giờ chiều, sau mỗi ngày học hành mệt mỏi. Có lúc, tôi gục đầu ngủ ngay trước mặt thầy. Thần tôi cũng hiểu nên thông cảm, ngồi chờ tôi... ngủ.

Phải biết nắm bắt cơ hội

Chị nghĩ thế nào về các ca sĩ trẻ bây giờ?

Rất triển vọng và nhiều cơ hội.

Tôi tưởng, khi chị vào nghề, cơ hội nhiều hơn bây giờ vì ngày đó, chưa bùng nổ quá nhiều ca sĩ nhạc nhẹ?

Đúng là ngày tôi vào nghề, cơ hội có nhiều hơn trước đó. Cực nhất là thời điểm khởi đầu của sân khấu chuyên nghiệp, thời của anh Lam Trường và chị Phương Thanh, thời mà nhạc nhẹ chỉ là một trào lưu, không chuyên nghiệp. Bây giờ, cơ hội đến với ca sĩ rất nhiều, bởi khán giả đã chấp nhận. Nhưng vấn đề là phải biết nắm lấy cơ hội.

Nhiều người cho rằng, một số ca sĩ trẻ bây giờ rất "ăn xổi ở thì", nổi lên nhờ công nghệ lăng xê là chính. Chị nghĩ sao?

Nếu một ca sĩ chỉ dựa vào công nghệ lăng xê và những sự hỗ trợ bên ngoài để nổi lên thì sẽ không thể nổi một cách bền bỉ và lâu dài như những người dựa vào nội lực và năng khiếu thực sự.

Vẫn cần có một gia đình

Giờ đây, xu thế của người phụ nữ hiện đại là thích độc lập: sống độc lập, chủ động về kinh tế, rành mạch về tình cảm. Chị có thấy thế hay không?

Theo tôi, tốt nhất là độc thân, đặc biệt là trong thời điểm này, khi người phụ nữ đã năng động hơn trước rất nhiều. Nhưng rồi, đi đâu thì cũng sẽ phải về lại với truyền thống, vẫn sẽ cần một gia đình, một người chồng và những đứa con. Tôi chắc là thế!

Nhưng có một số đông phụ nữ không nghĩ thế. Họ thích độc thân...

Thì cứ cho họ thoả mãn ý thích đó một thời gian đi. Sau đó, thể nào người ta cũng sẽ mơ về một gia đình thôi mà. Hãy để người ta được vui thoải mái, được thể hiện mình, được cống hiến như người ta muốn...

Có sợ độc lập quá, khi nghĩ lại thì tất cả đã muộn?

Một số người phụ nữ giỏi giang thường muốn tìm một người đàn ông tương xứng với mình, tìm không được nên chọn giải pháp sống độc thân. Nhưng chính họ sẽ thấy lúc nào là thời điểm để nghĩ lại mà không quá muộn.

Chị nghĩ sao về đàn ông Việt Nam hiện nay?

Theo tôi, đàn ông ngày nay không thay đổi gì nhiều. Phần lớn họ vẫn giữ quan điểm là cần mái ấm gia đình song song với sự nghiệp. Tôi thấy hình như số người thích lấy vợ trước rồi mới lo sự nghiệp nhiều hơn số có quan điểm ngược lại.

Trong giới nghệ sĩ của chị thì sao?

Nghệ sĩ mà, thích cống hiến nhiều hơn. Tạo dựng hình ảnh trong lòng khán giả là điều quan trọng. Sau đó mới nghĩ tới điều khác.

Cái giá như thế có đắt quá không?

Cũng không hẳn đó là cái giá. Bởi đến một độ tuổi nào đó, gia đình sẽ trở nên quan trọng nhất.

Có nhiều ca sĩ, người mẫu chọn người nước ngoài để kết hôn. Phải chăng đàn ông Việt Nam trong lòng họ có điều gì đó không ổn?

Tôi cho rằng, tình cảm phải đến từ hai phía. Tình yêu, sự tôn trọng và tin tưởng, thấu hiểu lẫn nhau chính là nền tảng của mối quan hệ vợ chồng. Rõ ràng là người ta cảm thấy an toàn, được bảo vệ, và đặc biệt là có sự hoà hợp, người ta mới tìm đến nhau. Nhưng tôi chắc là họ sẽ không thể hiểu sâu sắc về nhau như một đôi vợ chồng cùng dân tộc được do những rào cản về ngôn ngữ và văn hoá.

Đàn ông Việt Nam có phải hơi thực dụng và thiếu sự tha thứ?

Thực ra là tôi cũng không rành lắm. Cũng có thể là do cá tính của từng người. Đương nhiên những người đã từng sống ở nước ngoài về thường được mở mang hơn về nhiều mặt, họ dễ thấu hiểu và bớt để ý hơn, thoáng hơn khi nghĩ về phụ nữ. Mà phụ nữ Việt Nam thì phức tạp lắm, có nhiều đức tính trong cùng một con người. Khó chiều lắm... (cười).

Tôi không có quyền lựa chọn

Chị đã có ai cho riêng mình?

Lúc này thì chưa, dù tôi đang mong...

Có kén chọn quá không vậy?

Người ta kén tôi chứ tôi đâu kén ai. Người ta đang chọn tôi. Còn tôi không có quyền lựa chọn.

Chị nói như thể chị mắc chứng lười yêu vậy?

Ồ, không. Tôi không hề lười yêu. Nhưng lười hay chăm thì cũng chỉ yêu được một người thôi, làm sao yêu hơn được?

Chị quan niệm thế nào về cái gọi là hôn nhân?

Tôi rất thực tế. Khi quen một người, tôi luôn nghĩ là liệu có đi đến kết hôn hay không.

Những lúc như thế, chị có bày tỏ suy nghĩ của mình cho người ta biết không?

Phải dè dặt chứ, mình là con gái mà!

Khi có ai đó đặt vấn đề, chị có nghĩ rằng, người ta đến với mình là vì một điều gì khác ngoài tình yêu? Danh tiếng, sự nghiệp, tiền tài của chị chẳng hạn. Chị có sợ người ta sẽ lợi dụng mình?

Thực ra, tôi không quan trọng điều đó. Quan trọng nhất là tình cảm của tôi đối với người ta như thế nào. Nếu là tình yêu, tôi sẽ không ngại ngần mà ngã vào lòng người ta. Còn nếu không, thì dù thế nào chăng nữa cũng sẽ chẳng có kết cục gì.

Liệu có lúc nào đó, bất chợt gặp một người không quen biết, chị bỗng ước ao "giá như người đó là của mình" ?

Nghề của tôi, nếu vô cảm thì không thể thành công được. Trên sân khấu, có thể có lúc tôi mạnh mẽ, lúc nồng nàn, lúc dịu dàng, lúc lại cháy bỏng nhưng ở đời thường, tôi bình thường như bất kỳ ai. Tôi vẫn rung động khi nhìn thấy một người đàn ông hấp dẫn, đặc biệt là người có trí thức, có thể hàn huyên cùng nhau về bất cứ đề tài gì.

Hình như dạo này chị né tránh báo chí?

Tôi đã có quá nhiều áp lực. Tôi chỉ muốn mọi người nhìn về mình nhẹ nhàng hơn. Những gì thuộc riêng tư cá nhân, với tôi quý vô cùng.

Nhưng cũng phải nói thì người ta mới biết chứ?

Đúng vậy. Cũng như nhiều nghề khác, làm ca sĩ rất cực. Như mấy hôm trước, khi tôi diễn ở Hải Phòng, mồ hôi như tắm. Tóc tôi vắt được ra nước. Người ta bắn cả pháo vào mắt tôi, làm tôi rùng mình nghĩ hay đây là đêm diễn cuối cùng của mình?

Nghề của tôi cũng chỉ là một nghề bình thường, ca sĩ không thể là một mẫu người lý tưởng với những yêu cầu khắt khe được. Chúng tôi sẽ cố gắng, nhưng khi bị đau quá thì thật khó để tiếp tục cố gắng. Tôi muốn sống một cách hết sức bình thường.

Lựa chọn âm nhạc, có lúc nào chị cảm thấy ân hận?

Âm nhạc đem đến cho tôi những điều rất thú vị. Có những điều không giãi bày được cùng ai, tôi lại gửi vào âm nhạc. Vô hình mà hữu hình. Có lúc tôi cũng mệt mỏi, buồn, muốn quên nó đi, nhưng rồi tự nhiên một lúc tôi lại nhớ, lại muốn được hát kinh khủng.

Vậy đã bao giờ chị phải xin được hát?

Không đến mức phải xin, nhưng có lúc tôi muốn hát vô cùng. Đôi khi tôi như người khùng vậy đó (cười).

Chân thành cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Theo Phương Dung
Đàn Ông