“Mốt” lăng xê các tình ca cũ

Ban đầu là Quang Dũng với những nhạc phẩm tiền chiến trữ tình, kế đến là hiện tượng đua nhau hát những ca khúc Trịnh Công Sơn. Rồi khi Cục nghệ thuật biểu diễn bật đèn xanh cho nhiều nhạc phẩm của Đức Huy, Trịnh Nam Sơn... trào lưu hát lại những nhạc phẩm cũ đã thành mốt!

Có bốn lý do để thị trường nhạc Việt hâm nóng lại các nhạc phẩm cũ:

 

1. Nhạc phẩm cũ có chất lượng, giá trị được thừa nhận, có bề dầy sức sống qua thời gian. Những tựa bài hát hầu hết đều quen thuộc, nhắc đến là nhớ.

 

2. Hát lại nhạc phẩm cũ gợi đến sự hoài niệm của bộ bộ phận đông đảo lớp người nghe nhạc tuổi trung niên. Đây là đối tượng công chúng "khó tính", có sự chọn lọc song cũng là đối tượng dễ dàng móc hầu bao ra mua băng đĩa, vé ca nhạc.

 

3. Trong bối cảnh thị trường nhạc Việt đa phần nhạc phẩm mới vừa yếu lại vừa thiếu trầm trọng; nhạc ngoại bị hạn chế tối đa bởi công ước bản quyền Berne thì việc tìm hát những nhạc phẩm cũ được xem là sự lấp chỗ trống kịp thời, "cái khó ló cái khôn".

 

4. Cuối cùng là một quan niệm tự nhiên chủ nghĩa: hát nhạc phẩm cũ là "sang", là được công chúng thừa nhận ca sĩ không thuộc hàng thị trường (?!).

 

Mặc dù nhiều năm trước đây trên thị trường vẫn xuất hiện các album nhạc tiền chiến, nhạc một thời vang bóng như bộ album Những tình khúc vượt thời gian của Hãng Trẻ và trung tâm Kim Lợi (phát hành cả trong lẫn ngoài nước), song phải đến khi hiện tượng Quang Dũng nổi lên thì việc hát nhạc xưa mới được hâm nóng và tạo đà "hoài cổ" ào ạt. Quang Dũng có ngoại hình, có chất giọng trầm ấm, lợi thế sức trẻ nên đã thổi vào những nhạc phẩm xưa một làn gió mới (không hẳn là hay hơn hay dở hơn, đơn giản chỉ là mới hơn). Đối tượng khán giả tuổi từ 25 đến 30 (thường đã đi làm, có trình độ học thức) rất "kết" Quang Dũng. Anh trở thành ngôi sao thị trường chuyên trị nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh và đương nhiên trở thành "tấm gương" cho nhiều ca sĩ khác muốn vươn theo, mưu cầu sự thành công như Dũng.

 

Ở một hướng khác, trào lưu hát các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trỗi dậy là khá dễ hiểu vì bản thân các tác phẩm có sức sống cũng như có thể ví mỗi bài hát là một "thương hiệu" riêng, có trong tâm khảm mỗi người. Các album nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến của Quang Dũng có sức tiêu thụ 40.000 bản bán lai rai hết năm này sang năm khác.

 

Rồi Thanh Lam và Đàm Vĩnh Hưng cũng giới thiệu đĩa nhạc Trịnh với cách hát táo bạo mang bản năng riêng của mỗi người. Các ngôi sao thị trường như Mỹ Tâm, Thanh Thảo... đều có hát nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh Công Sơn tiếp tục được phổ biến rộng rãi trong trào lưu chung và dường như sẽ không bao giờ bị lãng quên. Có điều giờ đây việc ca sĩ này ca sĩ kia đua nhau hát theo cách của mình khiến cho nhạc Trịnh không còn "thuần chất" giản dị mà sâu lắng như nguyên bản.

 

Trong album sắp phát hành của Hồ Ngọc Hà, cô sẽ hát lại nhiều bản nhạc có tuổi đời gấp nhiều lần hơn cô. Việc tạo nên một hình ảnh cổ điển với những nhạc phẩm xưa là chiến lược mà công ty MusicFaces tham vọng tạo dựng cho Hà. Tất nhiên để đạt được điều này thì bắt buộc Hà phải có chất giọng phù hợp. MusicFaces tin rằng Hà sẽ thành công bởi đã thử thách cô qua lần biểu diễn trong chương trình Duyên dáng VN đầu năm 2005.

 

Xét ở mặt nào đó, việc hát lại các nhạc phẩm cũ, lừng danh là con dao hai lưỡi. Nó có thể giúp người ca sĩ thể hiện hôm nay được biết đến nhiều hơn từ lực tương tác của sức hút nhạc phẩm cũ. Song cũng có thể khiến người nghe thất vọng bởi khoảng cách chênh lệch về đẳng cấp giữa giá trị bài hát xưa và chất lượng chất giọng ca sĩ trẻ hôm nay.

 

Theo Trung Nghĩa

Tuổi Trẻ