Một cuộc lưu diễn trong mơ

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) chính thức sang Mỹ biểu diễn từ ngày 21/10/2011. Vậy là phải trải qua hơn nửa thế kỷ phấn đấu, phải qua ngưỡng tuổi “tri thiên mệnh”, giao hưởng ta mới đủ tự tin bước sang trang mới trên lộ trình hội nhập thế giới.

Việc lần đầu tiên VNSO lưu diễn tại Mỹ quả là một ước mơ mà nhiều thế hệ nghệ sĩ của dàn nhạc chưa dám nghĩ tới. Để đi đến lộ trình này, VNSO đã từng bước khẳng định mình từ những cuộc lưu diễn trong khu vực (Thái Lan 2003), trong châu lục (Trung Quốc 2000 và Nhật Bản 2004 – 2008).

 

Việc VNSO được trình tấu tại Nhà hát Carnegie Hall (New York) – một trong số những nhà hát lớn nhất thế giới và chỉ cho phép những dàn nhạc có đẳng cấp nhất định mới được biểu diễn – là một niềm hạnh phúc lớn. Nhân dịp này, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng NSƯT Nguyễn Trí Dũng – Phó GĐ phụ trách VNSO sang lưu diễn ở Mỹ.

 

Xin anh cho biết cảm xúc về sự kiện này?

 

Có thể nói đây là một chuyến lưu diễn rất đặc biệt. Cả đoàn gần một trăm người sau chuyến bay dài đến New York và chỉ sau nửa ngày nghỉ ngơi đã bước ngay vào Nhà hát Carnegie Hall, bắt đầu chương trình biểu diễn (ảnh). Nhà hát có khoảng 2.500 chỗ ngồi. Có rất nhiều người Việt - nhất là sinh viên - đã đến để chứng kiến giờ phút trọng đại này. Khi Quốc ca Việt Nam được cử lên, nhiều người đã rưng rưng nước mắt. Có lẽ đây là lần đầu tiên họ đứng chào lá cờ tổ quốc trên nền nhạc giao hưởng do chính dàn nhạc giao hưởng của ta cử hành.

 

Anh em nghệ sĩ có lẽ cũng vì tâm lý dân tộc, vì “màu cờ sắc áo” cũng chơi hay hơn, thăng hoa hơn ngoài ra còn bởi khán phòng của nhà hát có độ vang quá tuyệt vời. Người nghe càng sung sướng khi concerto “Thăng Long” viết cho violon và dàn nhạc của cố nhạc sĩ Đàm Linh vang lên giữa đất Mỹ. Nghệ sĩ độc tấu violon Lê Hoài Nam đã chơi rất hay.
 
Một cuộc lưu diễn trong mơ  - 1

 

Dàn nhạc dây chơi “Trống cơm” và “Lý hoài nam” do NSƯT Ngô Hoàng Quân chuyển soạn rất tuyệt vời. Nhiều khán giả Mỹ rất hân hoan khi lần đầu tiên được nghe những giai điệu dân ca VN vang lên bởi dàn nhạc giao hưởng. Đó là chưa kể họ rất ngạc nhiên khi dàn nhạc chơi một bản rất “khó chơi” là "Giao hưởng số 8" của A.Dvorak và một bản nhạc của một nhạc sĩ Mỹ S.Barber.

 

Vậy còn ở Boston, thành phố lớn nhất và cũng là thủ phủ của tiểu bang Massachusetts thì sao?

 

Ngay sau khi biểu diễn xong ở New York, đoàn lên đường đi Boston ngay. Nhà hát ở đây tuy ít chỗ ngồi hơn, nhưng đây cũng là một nhà hát nổi tiếng. Boston có dàn nhạc giao hưởng rất đẳng cấp. Đây cũng là một cuộc biểu diễn rất thành công.

 

Theo dư luận Mỹ và bà con ta bên đó thì cuộc lưu diễn được đánh giá ra sao?

 

Nhiều người rất cảm động. Họ nói họ đã mong chờ ngày này hàng thập kỷ qua. Các đoàn ca nhạc của mình sang đó cũng nhiều rồi, nhưng đây là lần đầu tiên VNSO đến Mỹ, đánh dấu sự nâng cao đẳng cấp và vị thế văn hoá của ta trên thế giới. Bất kỳ dàn nhạc nào mà đã trình tấu qua Nhà hát Carnegie Hall là coi như được cấp giấy thông hành biểu diễn ở mọi nhà hát lớn trên toàn cầu. Nhiều nghệ sĩ của dàn nhạc Philharmonic New York đã từng sang ta biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội chẳng những hiện diện như những khán giả, mà còn ủng hộ, giúp đỡ chúng tôi
rất nhiều.

 

Để có cuộc lưu diễn này, VNSO đã nhận được sự ủng hộ thế nào từ phía các cơ quan nhà nước, mà cụ thể là Bộ VHTTDL?

 

Phải nói là rất tuyệt vời. Việc cấp kinh phí để đưa cả một dàn nhạc giao hưởng sang Mỹ lưu diễn là một việc không dễ, nếu lãnh đạo bộ không thay đổi tư duy chiến lược văn hoá một cách mạnh mẽ. Ý định của lãnh đạo đã được Cục Hợp tác quốc tế, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Tài chính kế toán triển khai hiệu quả. Điều may mắn là Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn đồng thời là GĐ Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật Ngô Hoàng Quân vốn là GĐ của VNSO.

 

Năm ngoái, anh đã có chuyến tiền trạm để tham mưu cho bộ về việc này. Bởi vậy, cuộc lưu diễn là chương trình giao lưu văn hoá cấp nhà nước. Các vị lãnh đạo ở sứ quán ta ở Washington D.C, ở tổng lãnh sự San Francisco hay phái đoàn VN tại Liên Hợp Quốc đều có mặt và giúp đỡ đoàn rất hữu hiệu. Họ coi đó là một mốc lịch sử trong thành tựu giới thiệu văn hoá VN ra thế giới. Hy vọng từ sau mốc lịch sử này, những cuộc lưu diễn của VNSO sang Mỹ sẽ trở thành thường xuyên.

 

Xin cảm ơn NSƯT Nguyễn Trí Dũng.

 

Theo Nguyễn Thụy Kha
 Lao Động