1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Mâm cỗ cúng trong Tết ông Công - ông Táo

(Dân trí) - Theo truyền thuyết của người Việt xưa cho rằng: Trong mỗi gia đình đều có thần Táo Quân trông nom cuộc sống và gia đình họ.

Táo Quân theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thần Táo Quân bao gồm 3 vị định đoạt và giữ gìn phẩm hạnh và phúc đức cho gia đình là 2 Táo ông và 1 Táo bà. Vì vậy cứ đến 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm người Việt tổ chức tết tiễn ông Công - ông Táo về trời để báo cáo Ngọc Hoàng về công việc của Hạ giới sau một năm. Đây là nét đẹp văn hoá độc đáo của người Việt ta và tạo không khí đầm ấm, hân hoan cho dịp Tết cổ truyền nhộn nhịp, tưng bừng khởi sắc từ ngày 23 tháng Chạp âm lịch ngày tiễn ông Công - ông Táo về trời.


ảnh Hữu Nghị

ảnh Hữu Nghị

Vì là vị "Vua Bếp" quanh năm ở trong nhà rất gần gũi và thân mật với từng gia đình, cho nên người ta tổ chức làm Tết tiễn đưa ông Công - ông Táo về chầu trời với nghi thức thành kính và trân trọng.

Lễ vật cúng gồm 3 chiếc mũ ông Công; hai mũ Táo ông và một mũ Táo bà, mũ dành cho Táo ông thì có hai cánh chuồn, mũ dành cho Táo bà thì không có cánh chuồn, màu sắc của mũ hay hia (hài) của Táo Công thay đổi theo ngũ hành, cùng với các đồ vàng mã sẽ được đốt sau khi lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, cùng với các bài vị cũ, sau đó dâng tiến một bài vị mới cho Táo Công. Ngoài ra để các Táo Công có phương tiện về chầu Ngọc Hoàng, người miền Bắc thường cúng 3 con cá chép sống, cúng xong thả xuống ao hồ ( phóng sinh) để cầu cho may mắn với mong muốn cá chép sẽ hoá rồng khi đưa ông Táo về trời.

Mâm cỗ cúng trong tết ông Công - ông Táo cũng không cần thiết phải cầu kỳ, nhưng rất cần sự chu đáo, trọng thể và trang trọng thể hiện lòng thành kính và sự biết ơn vị thần đã trông nom và giúp đỡ gia đình. Thường thì các mâm cỗ cúng trong dịp này có các món ăn rất truyền thống và cơ bản như hoa, gạo, muối, thịt luộc, canh măng, miến, thịt gà, xôi chè, hoa quả... Không thể thiếu là cá chép sống, tiền giấy, vàng mã. Sau tết tiễn ông Công - ông Táo về trời các gia đình tiến hành dọn dẹp và sắp xếp nhà cửa lau chùi bàn thờ, sửa bát hương chuẩn bị bàn thờ tổ tiên để đón tết, mọi gia đình có thời gian một tuần để chuẩn bị cho tết cổ truyền từ sau ngày 23 tháng Chạp cho đến 30 tết.

Mâm cỗ cúng trong Tết ông Công - ông Táo - 2

Lễ cúng tiễn đưa Táo Quân về trời thường được tổ chức cúng xong trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Nhưng hiện nay do công việc bận rộn nên có gia đình đã tổ chức cúng tiễn Táo Quân vào tối 22 tháng Chạp hoặc sáng sớm ngày 23 tháng Chạp.

Đức Nguyễn