Lê Minh Sơn tôn vinh... đàn ông
(Dân trí) - “Những CD trước của tôi, hình ảnh người đàn bà được khắc hoạ, được tôn vinh thì ở Giếng làng, hình ảnh người đàn ông, tính cách người đàn ông được in đậm nét” - nhạc sĩ Lê Minh Sơn tiết lộ…
Được biết, CD “Giếng làng” ra đời từ mong muốn chia sẻ của anh trước thảm cảnh của người dân miền Trung sau cơn bão Chanchu?
Đúng thế! Nước ta năm nào cũng “được” bão nên dân tình khổ quá, khổ nhất là khúc ruột miền Trung. Có chứng kiến cảnh người dân ngập lụt trong nước, những mái nhà rách nát, những con đường bị “chém” ngang dọc mới cảm hết nỗi khổ của họ. Và tôi đã viết bài Sau bão với tất cả sự đồng cảm, chia sẻ của bản thân.
Ban đầu tôi định mời 4 diva thể hiện ca khúc này và phát hành thành CD riêng. Số tiền thu được sẽ ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Nhưng cuối cùng dự án phải hoãn lại vì tôi không xin được tài trợ.
Tại sao anh lấy tên cho CD là “Giếng làng”?
Đây là bài hát tôi rất tâm đắc. Trong một lần về quê, tôi nhìn thấy cái giếng làng khô cạn, mốc meo, bốc mùi lên mà chưa ai lấp lại. Người dân giờ không ai dùng nước giếng nữa, họ đã có nước máy khoan tiện lợi rồi. Cảm xúc về cái giếng làng như thế và tôi đã viết Giếng làng. Hơn nữa quê hương là đề tài bất tận của tôi. Tôi thích viết nhạc quê và tự nhận mình là “thằng nhà quê!”
Anh có thể nói về điểm nhấn của 7 ca khúc trong CD Giếng làng này?
Đây là 7 ca khúc tôi viết về đề tài xã hội. Những CD trước của tôi, hình ảnh người đàn bà được khắc hoạ, được tôn vinh thì ở Giếng làng, hình ảnh người đàn ông, tính cách người đàn ông được in đậm nét. Đó là những suy nghĩ, những cảm nhận, những khó khăn, sự từng trải, vươn lên của người đàn ông đầy bản lĩnh.
Đây là CD do tôi tự sáng tác, tự hát. Ngoài Thanh Lam, Thuỳ Chi cùng tốp nữ Nhạc viện Hà Nội thể hiện ca khúc Sau bão còn các ca khúc khác tôi không “mượn” ca sĩ nào hát cả.
Trước đây anh luôn bị hút hồn trước sắc đẹp của người đàn bà và hình ảnh người đàn bà luôn là đề tài nóng bỏng trong các sáng tác của anh. Giờ anh lại quay ngoắt sang “tung hô” đàn ông, phải chăng vì sợ hình ảnh đàn ông bị… lép vế hay anh có lý do nào khác?
Đơn giản thôi, tôi làm CD này chỉ để viết về mình, về cảm nhận của mình.
Liệu có ý chăng khi Thanh Lam vẫn được gọi là “người đàn bà hát” và giờ anh muốn được là “người đàn ông hát”?
Trời ơi, sao hỏi câu “ác” thế! Thực ra một nhạc sĩ hát cũng có nhiều cái hay lắm chứ. Có thể về giọng không được nhưng ca sĩ nhưng ở người sáng tác có cái hồn vì anh ta đang hát về “đứa con tinh thần” của mình. Tôi muốn thể hiện những đứa con tinh thần của mình thật mộc mạc, thuần chất.
Xuyên suốt trong CD là tiếng ghita - tiếng ghita dẫn dắt qua nhiều cung bậc của cảm xúc của một người đàn ông khi ngọt ngào, sâu lắng với Làng tôi nghèo, Sông khi bùng nổ, dữ dội với Ru mẹ, Gà trống nuôi con. Với Gà trống nuôi con hẳn anh “đã thấm” cảnh vợ đi du học Pháp hai năm, anh phải ở nhà chăm con?
Tôi nghĩ cuộc sống ai cũng có nỗi khổ riêng, sự vất vả riêng. Tôi có một cái may mắn là buồn vui, đau khổ hay sung sướng đều dốc vào tác phẩm của mình.
Hình như trong thời gian “Gà trống nuôi con”, anh có sáng tác kha khá ca khúc dành cho thiếu nhi?
Tôi viết được một tập 15 ca khúc về đề tài hát ru, tình cha con, tình mẹ con và người mẹ nghĩ về con, người bố nghĩ về con, người con nghĩ về bố mẹ.
Hỏi một câu, ngoài lề âm nhạc: anh nghĩ gì khi người ta nói Lê Minh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí rất ngông nghênh, chảnh choẹ?
Tại sao người ta sống thật lại bảo người ta điên khùng, ngông nghênh? Tôi sống thế nào tôi nói thế ấy.
Còn trả lời rất ít và ngắn nữa?
Bởi tôi quan niệm tất cả những gì của người nhạc sĩ, đối với người nhạc sĩ thì nên nói ít thôi. Hãy thể hiện bằng tác phẩm của mình!
Xin cảm ơn nhạc sĩ Lê Minh Sơn!
H.Nguyệt