Lắng lòng với tản văn “Sài Gòn, chữ vội trên vai”
(Dân trí) - Một Sài Gòn luôn vội vã, tất bật,... Nhưng nếu lắng lòng lại, sống chậm lại, chúng ta sẽ cảm nhận được một Sài Gòn đầy thi vị, nhẹ nhàng qua góc nhìn với những câu chuyện nho nhỏ được chuyển tải qua tản văn “Sài Gòn, chữ vội trên vai”.
Quyển sách Sài Gòn chữ vội trên vai của tác giả Vũ Minh Đức vừa được ra mắt vào trung tuần tháng 7 là một tản văn khá nhẹ nhàng, nhưng từng mẫu chuyện, từng câu chữ cũng đã phần nào chạm đến được cảm xúc của những người đã và đang sống, đang được thở hơi thở của Sài Gòn.
Với 30 tản văn viết về Sài Gòn và những câu chuyện đời thường. 30 tản văn như 30 thông điệp gởi đến bạn đọc cho 30 ngày của một tháng, tác giả chỉ mong muốn mọi người hãy sống chậm lại một chút giữa Sài Gòn vội vã này để cảm nhận cuộc sống quanh mình đẹp hơn, để cùng nhau sống tử tế và ý nghĩa hơn.
Những câu chuyện đời thường nhưng lấp lánh và tỏa hương
Những tiếng rao quen tai trôi giữa Sài Gòn của người bán chiếu, bán hàng rong, mài kéo,… trong “Sài Gòn, những tiếng rao”: Mỗi tiếng rao - một thân phận. Một anh thanh niên nghèo cần mẫn, một chị nhà quê lanh lảnh gánh bưng, một bà mệ già đi bán rong nuôi con cháu, một bác lớn tuổi tri thức lỡ thời mang cặp kính dày cộm vào vai bác mài dao. Nằm nghe những tiếng rao đổ vào hồn ta không biết bao nhiêu cảm xúc. Có cả vui buồn, có cả đục trong, mưa nắng.
“Sài Gòn khi nào rảnh” là lời chia sẻ hết sức bình thường nhưng đầy tinh tế khiến không ít người phải nhìn nhận: Chẳng có bao giờ rảnh đâu. Càng lúc sẽ càng bận hơn. Bận vì những công việc hàng ngày - một lẽ - nhưng cũng không ít những lần không rảnh vì lười, vì chưa đủ kiên định, chưa đủ đam mê đeo đuổi đến cùng và cả chưa đủ yêu thương chính mình nữa. Hãy cứ bắt đầu xắn tay làm sớm nhất những gì mình muốn đi bạn - một thứ thôi - trong cái mớ ham hố đã từng làm bạn chộn rộn đó - để làm đầy dần cái túi mơ ước của mình và có thêm nhiều cái để chơi trong cuộc đời thú vị này
Câu chuyện “Bà cụ têm trầu” để người đọc sẽ tự hỏi lòng mình: có bao nhiêu người còn nhớ lá trầu miếng cau trên mâm cúng? Và những phong tục ấy liệu có mai một theo thời gian
Sài Gòn với sự quan sát của một trái tim nhân hậu và tử tế
Người đọc sẽ nhận ra những quan sát của tác giả luôn quyện trong cái nhân hậu, cái tử tế của con người với con người - như trong “Mưa cho gần nhau hơn”: Mưa cho bà Sáu gọi bà Mười í ới: “Mưa tới, mưa tới rồi, mang đồ phơi dzô Mười ơi...”. Ngày thường, trong con hẻm con con ấy, việc ai nấy chạy. Không dưng, mưa làm người ta lo cho nhau, gọi nhau. Gần xịu. Mưa - người nhà nghèo có dịp cho người giàu lỡ đường trú mưa ngoài hiên. Ngày thường có mấy khi họ ngó vào cái nhà xoàng xoàng ấy. Mái hiên nhà nghèo giờ bỗng thành cái ô thật to, bao dung che cho người giàu. Ngộ gì đâu.
Xen lẫn trong những tản văn, chúng ta tìm thấy những câu chuyện về tình cha con thật cảm động của tác giả dành cho 2 cô con gái yêu của mình như trong “Mưa cho gần nhau hơn”, “Áo lá tuổi teen”: Mưa cho con gái cưng ngồi sau lưng Ba như sát vào hơn, hai tay bấu chặt lấy người Ba. Không xoay mặt lại nhưng Ba cảm nhận rõ lắm con đang nghiêng mặt một bên, áp cái ná núng nính vào lưng Ba nè. Thi thoảng con xoay qua xoay lại, dụi mặt vào lưng Ba hệt như một con mèo con vậy đó. Sấm chớp đùng đùng làm con giật mình, ôm ba chặt hơn. Con - bé xíu. Ba nghiễm nhiên thành ông khổng lồ - oai ghê. Cha con mình đã gần, chợt gần hơn - như những người bạn lơn tơn trong mưa chiều.
Đó là bài học về lòng tử tế, về tính nhân hậu trong “Sài Gòn, những hạt cơm rơi”, “Sài Gòn, thương cả người dưng”, “Sài Gòn, tử tế ngày vui”:… Lỡ như bà của con, mẹ của con, hay là hai đứa con chạy xe ngoài đường - cũng sẽ có lúc chao đảo như vậy - mà bị người ngoài mắng thì Ba đau lòng lắm. Phụ nữ tay lái không vững đâu con, nên khi gặp như vậy, thay vì nổi nóng hay nói một câu không hay, Ba tự nhủ - Bà mình đó, mẹ mình đó, các chị mình đó, vợ mình đó, mấy đứa con mình thôi mà, gắt gỏng nặng lời làm gì. Vậy để mình tử tế hơn con ạ. Dù là người dưng.
Sài Gòn... Cảm nhận bằng trái tim - người - Sài - Gòn
Nhịp sống Sài Gòn cuồn cuộn trôi, ai cũng gánh chữ vội trên vai. Trong vô vàn những vội vã hối hả ấy, sống sao để mỗi ngày của mình ý nghĩa hơn. Tản văn với chữ “vội” được lấy làm tên của quyển sách “Sài Gòn, Chữ vội trên vai” được tác giả viết: "Vội một chút để làm được nhiều thứ hơn trong cuộc sống này; để mọi thứ cho gia đình, cho con được hơn mình ngày trước".
Nhưng cũng lắm kiểu vội cho người ta phải nghĩ lại, nhiều lúc tiếc mãi không thôi: “Vội buông một câu làm ai buồn, có lấy lại được đâu. Tổn thương nhau mất rồi. Vội đánh con một cái làm con đau. Giá như thay bằng những câu nói nhỏ nhẹ, ân cần có hơn không - Tự hỏi lòng”.
Nói như nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan trong lời giới thiệu quyển sách: “Đọc đi, đọc “Sài Gòn chữ vội trên vai” của Minh Đức đi để thấy còn quá nhiều bài học mà chúng ta chưa thuộc lần nào.”
Băng Châu