Giám đốc trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại VN:

“Không thể gọi đó là làn sóng tự vẫn!”

(Dân trí) - Vụ tự tử của <a href="http://www11.dantri.com.vn/giaitri/2007/5/181251.vip">nam diễn viên Yuh Jae Go</a> như “giọt nước làm tràn ly” gây chấn động dư luận về “làn sóng” tự vẫn của nghệ sỹ Hàn Quốc. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Kim Sang Uk - Giám đốc trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam về vấn đề này.

Trước khi sang Việt Nam, ông Kim Sang Uk từng có thời gian dài làm việc trong lĩnh vực điện ảnh của Hàn Quốc.

 

Ông có nghe được những thông tin về “nạn” tự tử của các nghệ sỹ Hàn Quốc trong thời gian gần đây?

 

Tôi có nghe, và tôi cảm thấy rất đau buồn về những thông tin đó. Tuy đang sống và làm việc tại Việt Nam, nhưng tôi có thể cảm nhận được sự đau buồn của giới nghệ sỹ Hàn Quốc trước những vụ tự tử của đồng nghiệp. Không ai mong muốn như thế cả!

 

Theo ông, lý do của những vụ tự sát có phải vì sức ép quá lớn từ sự nổi tiếng?

 

Ở Hàn Quốc các nghệ sỹ thường nổi tiếng từ khi còn rất trẻ. Khi đã đi qua thời đỉnh cao, nhiều người bị rơi vào trạng thái hụt hẫng. Họ không biết phải tiếp tục làm gì để lấy lại phong độ. Họ trở nên thất vọng về chính mình và bị mất phương hướng trên con đường sự nghiệp. Nhiều nghệ sỹ khác thì cảm thấy mình không đủ năng lực để vươn tới đỉnh cao...

 

Nói chung, theo tôi lý do chính của các vụ tự tử đều đến từ công việc và sức ép của sự nổi tiếng.

 

Có người lại cho rằng, việc nền điện ảnh Hàn Quốc có quá nhiều ngôi sao, và có thể trở thành ngôi sao chỉ sau một bộ phim dài tập. Điều này đã khiến các nghệ sỹ cảm thấy mệt mỏi vì sự cạnh tranh?

 

Tôi cho rằng, lý do đó cũng nằm trong “đề tài” công việc như tôi đã nói ở trên. Tôi không nắm được rõ ràng tất cả mọi lý do dẫn đến việc tự tử của các nghệ sỹ, vì mỗi người có những suy nghĩ khác nhau. Nhưng làm việc trong một nền công nghiệp điện ảnh đang phát triển và lớn mạnh như Hàn Quốc, những sức ép lớn là không thể tránh khỏi.

 

Khi các nghệ sỹ đã bị cuốn vào guồng quay của cỗ máy công nghiệp điện ảnh, họ phải đủ bản lĩnh, nếu không sẽ rơi vào trạng thái thất vọng và mất phương hướng.

 

Ông có nghĩ rằng, chính phủ Hàn Quốc cũng như các nhà quản lý văn hóa Hàn Quốc nên có kế hoạch để ngăn chặn những “cái chết được báo trước” của giới nghệ sỹ Hàn Quốc?

 

Có đấy! Tôi có nghe nói về việc các nhà quản lý văn hóa Hàn Quốc lên kế hoạch để ngăn chặn những vụ tự vẫn đáng tiếc như một số trường hợp trong thời gian qua. Nhưng kế hoạch cụ thể ra sao thì tôi chưa nắm được. Theo tôi, bản thân các nghệ sỹ cũng phải hết sức cố gắng. Bởi suy cho cùng, tôi nghĩ, không ai muốn chết như thế cả! 

 

Và tôi cũng xin có ý kiến. Số nghệ sỹ tự vẫn so với tổng số nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh Hàn Quốc chỉ là con số nhỏ. Vì vậy, không thể gọi đó là “vấn nạn”, hay “làn sóng”.

 

Cảm ơn ông vì buổi trò chuyện!

 

Hiền Hương