Khát vọng "ra ngoài" của ca sĩ phòng trà
Được đánh giá không thua kém các ca sĩ "phía ngoài" về chất giọng, ngoại hình, gần đây lại được giới thiệu nhiều hơn trên thị trường âm nhạc với đủ loại album... thế nhưng vì sao họ - các ca sĩ phòng trà - ít có điều kiện "ra ngoài" mà thường chỉ "đi - về" chốn ấy?
Dấu hiệu đáng mừng từ album
Không hẹn mà gặp, từ đầu năm 2006 đến nay, rất nhiều album ca sĩ phòng trà được phát hành. Hoàng Lê Vy với vol 2 Dấu yêu không quay về (đang thực hiện album vol 3), Xuân Phú - Xin còn gọi tên nhau (sắp ra mắt album Thao thức), Quỳnh Lan - Hoàng Minh với Khúc hát đêm mưa (hiện đang chuẩn bị cho album Tình khúc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9), Triệu Hồng Ngọc - Mong một ngày, Uyên Thanh vừa giới thiệu cùng lúc 2 album: Giọt nước mắt muộn màng và Có một tình yêu (cùng của Sơn Nguyễn), Nguyên Thảo cũng vừa có album đầu tiên Suối & Cỏ...
Không màu mè về hình thức, ít VCD tặng kèm, có thể vì thế mà những album này không bắt mắt bằng các sản phẩm được đầu tư cao về hình thức trình bày lẫn kỹ thuật phòng thu của nhiều ca sĩ khác. Tuy nhiên, cái mà người nghe nhận thấy ở đa số các album này là sự "nghiêm túc" trong ca khúc (hầu hết ca khúc thuộc dòng nhạc trữ tình của một thời vang bóng, hoặc những sáng tác mới nhưng vẫn trong giai điệu nhẹ nhàng); dễ dàng cảm được tình yêu âm nhạc và những gì mà người thể hiện muốn gửi gắm.
Không chỉ đánh giá chất giọng từ album, qua thời gian gắn bó với các phòng trà, những ca sĩ này đều được nhìn nhận: "Có thực lực để đứng trên bất kỳ sân khấu nào", ca sĩ Ánh Tuyết - chủ phòng trà ATB khẳng định. Anh Tuấn, quản lý phòng trà M & Tôi, khi nói về các gương mặt trẻ hát ở phòng trà cũng cho rằng: "Giọng ca nào cũng có triển vọng, có thể tiến xa hơn".
Với những ca sĩ có thâm niên, album đối với họ như một vật kỷ niệm, hoặc có thể là nhịp cầu để giao lưu với khán giả "bên ngoài", chứ ít ai nghĩ hay mong được nổi tiếng ở độ tuổi đã hơn nửa đời người. Riêng các ca sĩ trẻ, giới thiệu album cũng đồng nghĩa với sự mở đầu một quá trình tiến vào "biển lớn".
Để ước mơ đến gần hiện thực...
Trừ một vài trường hợp chỉ thích "vào ra" ở phòng trà (vì bản tính hướng nội, không màng cạnh tranh...), hầu hết những người bước vào con đường ca hát không ai không mơ ước đến ngày cái tên của mình được tỏa sáng. Ca sĩ trẻ Hoàng Lê Vy, sau album vol 2 Dấu yêu không quay về với giọng hát đầy đặn hơn và có một số ca khúc được chú ý, đã không ngại thổ lộ: "Bây giờ, Vy đã tự tin hơn rất nhiều, và bắt đầu tham gia các chương trình Quà tặng trái tim, Sắc màu âm nhạc. Không riêng về phong cách mà ca khúc Vy hát cũng vậy - không già quá, không thuộc dạng ca từ dễ dãi, nên Vy đã nhận được nhiều tình cảm từ khán giả. Điều đó đã khích lệ Vy rất nhiều... Thị trường âm nhạc không ngừng biến động, do đó mình cần phải hoạt bát, năng động hơn".
Ca sĩ trẻ Nguyên Thảo cũng vậy, cô vừa "làm quen" với đông đảo khán giả bằng album Suối & cỏ; vì theo cô "cách phổ biến nhất để tiếp cận với mảng sôi động của đời sống âm nhạc là làm CD. Dù vậy, điều cơ bản vẫn là chất giọng, phải hát tốt trước đã, rồi mới giới thiệu mình khi có đủ điều kiện".
Có năng lực, được công nhận, có niềm đam mê cháy bỏng và khát khao về một ngày rạng rỡ, nhưng không phải ai trong số họ cũng may mắn để đạt được điều đó. Nhiều người cho rằng, nổi tiếng hay không còn phụ thuộc những yếu tố khách quan. Đề cập vấn đề này, ca sĩ Ánh Tuyết khá bức xúc: "Cùng với nỗ lực bản thân ca sĩ, những nhà tổ chức, những người biên tập chương trình cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công của một ca sĩ. Nếu họ biết phát hiện, có cái nhìn đúng đắn, có trách nhiệm với nghề nghiệp và nền âm nhạc nước nhà thì những tài năng thực sự sẽ có nhiều cơ hội hơn để đến với sân khấu lớn. Thị trường ca nhạc trở nên nhiễu loạn một phần do chính "bàn tay" của các vị này".
Quỳnh Lan - ca sĩ có thâm niên hát phòng trà cũng lên tiếng: "Nếu người tổ chức có tâm huyết, thực sự vì sự phát triển của đời sống âm nhạc thì những ca sĩ có tài năng không bao giờ bị vùi dập".
Theo Nguyên Vân
Thanh Niên