Khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc
(Dân trí) - Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2007 vừa được khai mạc tại trường đại học Mỹ Thuật Hà Nội với sự góp mắt của 54 tác giả đến từ mọi miền tổ quốc cùng các tác phẩm tranh tượng, sắp đặt, trình diễn…
Festival lần này được coi như một “tấm gương” phản chiếu những khái niệm mới, tư tưởng mới về nghệ thuật đương đại của những nghệ sỹ trẻ Việt Nam, được thể hiện qua chính những tác phẩm của họ.
Mỹ thuật đương đại là con đường tất yếu của mỹ thuật Việt Nam nếu muốn tham gia vào dòng chảy chung của mỹ thuật thế giới. Trong đời sống mỹ thuật Việt Nam hiện nay, khái niệm về nghệ thuật đương đại vẫn còn là một khái niệm khá… mông lung với rất nhiều hoạ sỹ chứ không chỉ với khán giả.
Nhưng chắc chắn rằng, nghệ thuật đương đại với những hình thức thể hiện như performance (trình diễn), installation (sắp đặt), video-art… đã cung cấp cho các nghệ sỹ cách thể hiện những ý tưởng của mình với các chất liệu, cách suy nghĩ khác hẳn những gì mà “mỹ thuật hàn lâm” với cọ, giá vẽ truyền thống đã định hình từ bấy lâu nay.
Dưới đây là một số tác phẩm được trưng bày trong triển lãm Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc:
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với hoạ sỹ Trần Lương, người quản lý của cuộc triển lãm lần này.
Có thể nói ngay, phương pháp trình bày, thể hiện tác phẩm sắp đặt với các vật liệu công nghiệp có sẵn (ready-made) hay có từ thiên nhiên ở một đất nước nhiệt đới như Việt Nam luôn luôn dễ dàng với các nghệ sỹ trẻ. Do đó, rất dễ hiểu khi các nghệ sỹ trẻ lựa chọn cách thể hiện này cho các tác phẩm của mình.
Mặt khác, còn một lí do khá tế nhị, đó là kinh phí. Nếu như với các tác phẩm nghệ thuật hàn lâm, các nghệ sỹ có thể bán tác phẩm của mình để đầu tư lại cho sáng tác, nhưng với các tác nghệ thuật đương đại thì không thể.
Với đặc trưng public, hoà đồng với khán giả, sau thời gian trưng bày, triển lãm, các tác phẩm nghệ thuật đương đại không thể kinh doanh, chính vì thế installation… ít phải đầu tư nhất so với các cách thể hiện khác.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, sắp đặt là cách dễ nhất để xoá bỏ những hạn chế khả năng thể hiện, trình độ tư duy của các nghệ sỹ trẻ khi tiếp cận nghệ thuật đương đại, nhất là các tác phẩm gây cảm giác mông lung khó hiểu đối với người xem?
Đây là một cách nhìn rất phổ thông khi đánh giá các tác phẩm nghệ thuật đương đại chứ không riêng gì các tác phẩm sắp đặt, điều đó có thể thấy ngay cả trong giới chuyên môn chứ không chỉ khán giả.
Bao giờ cũng vậy, khi một khái niệm mới ra đời đều có rất nhiều người “vỗ tay hoà nhập” mà không hiểu rõ những gì xảy ra trong nội tại hay thực sự say mê. Chính vì thế, sự xuất hiện những dòng chảy “rác” bên cạnh dòng chảy chính thống của nghệ thuật đương đại là điều hết sức bình thường.
Điều này ngay từ đầu đã gây rất nhiều cuộc tranh luận trong giới chuyên môn chứ chưa lan ra đến các diễn đàn nghệ thuật trên báo chí. Nhưng sau một thời gian thực nghiệm và nghiên cứu, chính những người chỉ trích cũng đã hiểu rõ hơn những tác phẩm sắp đặt và chấp nhận nó như một phương pháp thể hiện mới của các nghệ sỹ.
Và vì thế, các tác phẩm sắp đặt cũng như các tác phẩm nghệ thuật đương đại sẽ có những vị trí tương xứng hơn trong nền nghệ thuật nước ta?
Đúng vậy, chỉ trong vài năm nữa thôi, thời gian sẽ đào thải hết những các tác phẩm nghệ thuật đương đại chạy theo trào lưu. Khi đó, chỉ những ai làm việc thực sự, đầu tư tìm tòi suy nghĩ thì sẽ có được những tác phẩm được khán giả quan tâm...
Một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Sing-ga-po đã có những khu vực giành riêng cho thể loại nghệ thuật này, trong khi đó, đối với các nghệ sỹ Việt nam, đó vẫn chỉ là những ước mơ. Bởi đa số các tác phẩm nghệ thuật đương đại sau khi triển lãm đều có chung “số phận” là các nhà khoa, hiếm có tác phẩm đến được với công chúng.
Xin cảm ơn anh! |
Việt Hưng