1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Jimmy Nguyễn hết thời?

Là một trong những ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn rất sớm, thế nhưng sau 10 năm, Jimmy Nguyễn mới ra album tại Việt Nam. Có lẽ khoảng thời gian "thai nghén" cho một album dài như vậy đã bị chi phối do những "nguyên tắc nghệ thuật chân chính" như lời anh bộc bạch.

Cây đại thụ cũng phải bật khóc

Người ta nói: Mời anh hát rất khó vì anh đòi cát sê cao?

Tôi được mời thường xuyên và vẫn nhận lời đấy chứ. Chẳng qua có một số người tổ chức chương trình đòi ăn bát phở mà chỉ muốn trả tiền bằng bát nước lèo. Tôi có cả ban nhạc nữa. Họ làm sao sống? Nghệ thuật phải ra nghệ thuật. Họ không hiểu nguyên tắc nghệ thuật chân chính thì vui lòng đừng mời tôi.

Anh giải thích thế nào khi những chương trình lớn thường không có sự tham gia của anh?

Tôi mong một ngày nào đấy, người ta sẽ nhìn thấy nghệ thuật chân chính phải được nâng đỡ như thế nào. Bây giờ người ta chỉ biết tiền và tiền. Họ không nghĩ gì về khán giả. Nhiều người không thích tôi nên họ nói bừa là tôi không còn sức hút nữa.

Một ca sĩ như tôi, 14 năm không phát hành album nào tại Việt Nam, chưa bao giờ lên truyền hình, chỉ được hát không quá 20 bài nhưng có hơn 100 bài người ta biết đến tôi. Một số phòng trà lớn trong thành phố vẫn mời tôi hát 3, 4 lần/tháng, những tụ điểm sân khấu vẫn đông đảo người xem tôi biểu diễn.

Trước khi về Việt Nam, các chương trình ca nhạc ở hải ngoại cũng rất ít khi có sự góp mặt của anh. Tại sao? Có đúng như nhiều Việt Kiều về Việt Nam nói rằng: Nguyễn đã hết thời?

Tôi góp mặt ít vì thứ nhất, thời gian tôi có mặt tại Việt Nam nhiều hơn ở bên hải ngoại. Thứ 2, có những chương trình không phù hợp với tôi, tôi sẽ không tham gia. Tôi nghĩ, hết thời là không còn ai muốn nghe giọng hát của tôi, khi tôi không nhận được lời mời biểu diễn nào, thậm chí tôi không được mời phỏng vấn trên báo chí, còn chuyện tôi nhận lời hay từ chối lời mời lại là chuyện khác.

Chưa hết, các ca sĩ hải ngoại nói anh bị tẩy chay vì "chơi chiêu" mượn người làm fan. Khi anh hát trên sân khấu thì họ ra sức cổ vũ, thậm chí còn gào khóc?

Tôi không chơi chiêu, vì nếu chơi chiêu thì ít ra cái chiêu lipsinc (hát nhép), hoặc midi disc (nhạc đệm thu sẵn), tôi cũng nên "chơi" luôn mới phải. Còn việc fan ái mộ ra sao, như thế nào, tôi hoàn toàn không can thiệp và không kiểm soát được. Cũng may, tôi không "quà cáp" gì cho cuộc phỏng vấn này nếu không, chắc cũng có thể bị gọi là "chơi chiêu" nữa chứ không chừng.

Nhận xét về thị trường âm nhạc hiện nay, điều làm anh khó hiểu nhất là gì?

Là việc báo chí than oán quá nhiều về tình trạng ca từ và những sáng tác mới của lớp nghệ sĩ trẻ, nhưng lại không cho biết hoặc hướng dẫn thế nào là đúng. Thí dụ, nếu như cho rằng, ca từ hiện nay không lành mạnh hoặc không sâu sắc. Điển hình là tôi, đêm tôi ra làm thí dụ cũng được. Tôi nghĩ tôi cũng có thể được nhắc đến như một nhạc sĩ trẻ biết trau chuốt ca từ. Thế thì tuổi trẻ sẽ có dịp hiểu hơn hoặc có thể vì cạnh tranh với tôi, họ sẽ biết phải làm gì với ca từ của họ.

Nói về ca từ bài hát, anh đã có nhiều bài hát đi vào lòng người. Trong số đó, bài hát nào anh ưng nhất?

Tôi rất yêu những sáng tác của tôi về tình yêu tuổi trẻ, nhưng "Nhớ mẹ", "Quê hương tôi nhớ lắm", "Nỗi niềm kẻ ở miền xa" là 3 bài hát mà tôi không bao giờ quên được. Có lần, tôi được chú Trịnh Công Sơn mời đến nhà chơi vì chú có nghe nhiều người nói đến bài hát này trong chương trình duyên dáng Việt Nam, Một thoáng Sài Gòn...

Tôi hồi hộp lắm vì lúc trước, có một nhà báo phỏng vấn chú về tình trạng ca sĩ, nhạc sĩ trẻ bây giờ, chú đã biểu lộ sự buồn bã và thất vọng. Chú Sơn nói, chẳng có nhạc sĩ trẻ nào làm chú để ý. Tôi cầm đàn và hát cho chú Sơn nghe. Vừa hát xong bài thứ nhất, chú Sơn đã bật khóc, đến bài thứ 2, chú lại khóc và bài thứ 3 "Nỗi niềm kẻ ở miền xa", chú lấy khăn lau nước mắt.

Chú chỉ nói một câu mà suốt cuộc đời tôi không bao giờ quên: "Thằng này được lắm". Lúc bấy giờ nhạc sĩ Trần Tiến lên tiếng: "Nguyễn đã làm cây đại thụ khóc".

10 năm cho một album

Anh diễn tả âm nhạc của mình như thế nào? Chúng có gì khác so với nhạc của người khác?

Đơn giản thôi! Âm nhạc của tôi là "tôi", là những gì tôi cảm nhận trong cuộc sống. Còn ngoài ra, tôi không dám so sánh với bất cứ ai khác. Họ có cảm nhận riêng của họ. Vết buồn của đứa bé không có quà trong dịp Giáng Sinh cũng buồn không kém gì một gã độc thân không người yêu.

Nghe nói, anh chuẩn bị ra album?

Làm người nghệ sĩ đúng nghĩa thì "quái" lắm. Đúng là tôi  đã cho phát hành album "Làm sao" vào năm ngoái. Nhưng khi nghe đi nghe lại, tôi vẫn chưa hài lòng về âm thanh, phối âm, phối khí nên tôi bỏ hết làm lại. Bìa thì do chính tay tôi thiết kế.

Nhiều đồng nghiệp cho rằng, tôi quá chi tiết một cách vô ích, vì người nghe bây giờ không cầu kỳ, họ chỉ bỏ một ít tiền ra mua đĩa lậu là đủ rồi. Nhưng tôi thì khác. Theo tôi, khán giả bây giờ rất để ý đến hình thức, lời ca và tiếng hát. Tình cảm của khán giả dành cho tôi bấy lâu nay cũng làm tôi phân vân và lo lắng không kém.

Tôi e rằng sau 14 năm trong nghề ca hát, mà đây là cuốn album phát hành đầu tiên tại Việt Nam , nếu không làm chu đáo thì quả thực tôi sẽ khiến họ thất vọng. Vì thế, tôi muốn cố gắng hết khả năng của mình để các fan hiểu rằng, tôi rất trân trọng họ. Đối với tôi, họ là tất cả.

10 năm trước về nước biểu diễn đến giờ, anh mới chính thức phát hành album tại Việt Nam. Còn album thứ nhì, anh định bao lâu sẽ ra?

Tôi đã nói vì nghệ thuật chứ không phải vì thị trường, thậm chí cái bìa của tôi cũng khác người. Nếu như lần ra mắt album đầu tay này, được đông đảo khán giả đón nhận thì tinh thần tôi sẽ lên rất cao. Thêm vào đó, một khi tài chính tốt, tôi sẽ có cơ hội trình bày nhiều sáng tác mới và thể hiện nhiều khía cạnh nghệ thuật hơn nữa.

Còn nếu khán giả không chân tình ủng hộ, vẫn mua đĩa lậu, vẫn vô tư hợp tác với những người "bóp chết nghệ thuật" thì cũng có thể 10 năm sau, tôi mới ra được album nữa.

Hiện nay, đĩa lậu bày bán khá nhiều, anh có nghĩ với album này, anh sẽ thắng?

Điều đó không nói trước được. Nếu như mình ra album, và có đĩa lậu phát hành khắp nơi thì cũng là một cái thắng, vì nếu như đĩa không hay thì chẳng ai lấy làm đĩa lậu. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, có thể mình sẽ bị thua thiệt vì công sức và vốn liếng bỏ ra quá nhiều cho album này. Theo tôi, chỉ có fan mới là người có thể định đoạt được sự sống còn về mặt kinh tế của nghệ thuật.

Được biết, "Chuyện thời người thiếu nữ tên Trâm" là sáng tác mới nhất của anh. Nhưng tại sao không là "Chuyện tình", "Chuyện đời" mà lại là "Chuyện thời"?

"Thời" là khoảng khắc của thời gian hiện diện người thiếu nữ tên "Trâm". Cô là liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Thời đấy, không chỉ có cô mà còn có biết bao người đã chiến đấu và nằm xuống. Khi đọc cuốn nhật ký viết trong thời chiến tranh của cô, tôi thật sự cảm động.

Tôi chọn tình yêu

Các ca sĩ thời anh đều đã có gia đình, thế còn anh?

Thật không may, nàng Tiên gia đình chưa xuất hiện với tôi.

Sức khoẻ, tiền bạc, tình yêu... Nếu chỉ được chọn một anh sẽ chọn gì?

Tình yêu. Bởi vì muốn bắt chước Napoleon, bị đầy ra hoang đảo cũng vì tình yêu. Ở hoang đảo làm sao có sức khoẻ và tiền bạc, nhưng cho đến hôm nay, người ta vẫn nhắc đến tình yêu của ông ấy. Tôi cũng thế, tôi muốn tình yêu của tôi sẽ được nhắc lại, nhắc lại...

Nếu có nhiều cô gái cùng theo đuổi trong một lúc, cảm giác của anh sẽ như thế nào?

Chết vì sung sướng, nhưng sẽ đau khổ, bầm dập nếu còn sống. Báo phụ nữ vừa rồi cũng đưa tin về một người đàn ông Ấn Độ phải vào nằm nhà thương cũng vì ông ấy đã lấy đến 4 bà vợ (cười).

Anh là người như thế nào? Nghe nói anh khá nóng tính?

Hãy kết bạn với tôi rồi sẽ biết. Nóng tính? Chỉ thua lửa một chút thôi.

Anh có dự định về Việt Nam ở hẳn không?

Có chứ. Ngày họp báo ra mắt album, tôi sẽ tuyên bố ý định ấy.

Câu châm ngôn anh yêu thích nhất?

"Hãy cho tôi tình yêu để được yêu"!

 Theo Mỹ Thuật