Huy Lio kể chuyện bị giang hồ truy đuổi vì vay nặng lãi làm show cho trẻ em
(Dân trí) - Cho đến bây giờ, nam đạo diễn gốc Vĩnh Phúc vẫn không thể tin mình đã tự đẩy mình vào cảnh ngộ bị giang hồ truy đuổi chỉ vì giấc mơ nghệ thuật.
Đạo diễn Huy Lio là một gương mặt quen thuộc trong lĩnh vực đào tạo tài năng nghệ thuật nhí. Anh là đạo diễn của những bộ phim ngắn về chủ đề gia đình như: Chuyện của cha, Vị Tết… cùng nhiều chương trình mang ý nghĩa xã hội như: Vết chân tròn trên cát, Love Story Fashion Show, Love Women, Miss & Mister Future…
Họ thúc ép, đe dọa tôi liên tục…
Miss & Mister Future là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên đào tạo nhiều kỹ năng hữu ích dành cho trẻ em nhưng anh lại chọn làm ở Vĩnh Phúc. Đây có phải là một tính toán sai lầm dẫn đến những hệ lụy tệ hại mà anh đã phải trải qua?
Không phải duy nhất Miss & Mister Future, tất cả những chương trình tôi làm kể từ năm 2017 đều làm ở Vĩnh Phúc. Dù có nhiều lời khuyên rằng, tôi nên mang các ý tưởng của mình về Hà Nội hay Sài Gòn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn mang về Vĩnh Phúc. Bởi tôi nghĩ về tuổi trẻ của mình.
Tôi thương những đứa trẻ tỉnh lẻ có tài năng, có năng khiếu mà không được định hướng, đào tạo, không có điều kiện lẫn cơ hội để theo đuổi con đường nghệ thuật. Tôi muốn làm gì đó cho chúng, để con đường chúng đi không khó, không khổ như tôi.
Thêm nữa, tôi thực sự mong muốn người dân quê mình được thưởng thức trực tiếp nhiều hơn các chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí lành mạnh. Từ đó họ sẽ thêm hiểu biết, yêu và ủng hộ cho những người làm nghệ thuật nói riêng và các chương trình – dự án nghệ thuật nói chung hơn. Tôi nghĩ muốn xây ngôi nhà lớn thì mình phải tạo dựng một nền móng vững chắc.
Anh hoàn toàn có thể làm một chương trình ở quy mô vừa phải, phù hợp với nguồn lực tài chính của mình thay vì “chơi lớn” như với Miss & Mister Future…?
Đó là cách làm của những người có óc kinh doanh, liệu cơm gắp mắm, nguồn lực thế nào thì làm thế ấy. Nhưng tôi vừa điên vừa liều, chỉ cảm thấy rằng nhất định mình phải làm mà đã làm thì phải làm cho tới, hoành tráng và chuyên nghiệp ở mọi khâu.
Có bao nhiêu vốn liếng tiền bạc từ công việc đào tạo, tôi đổ cả vào các chương trình của mình. Song chỉ như muối bỏ bể. Chương trình quay hơn chục ngày, thí sinh ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam tụ họp về, cả ê-kíp sản xuất lên đến gần trăm con người, tôi buộc phải đi vay nặng lãi.
Khi ấy, tôi cũng mang theo kỳ vọng rằng chương trình này là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên được sản xuất để phát riêng trên Đài Truyền hình Vĩnh Phúc, vừa mới mẻ, vừa có ý nghĩa xã hội và vừa góp phấn quảng bá được cho du lịch… thì nhất định sẽ thu hút được nguồn tài trợ hay quảng cáo nhưng tôi đã tính sai.
Có thể cùng số tiền ấy, nhưng nếu đủ ngay từ đầu thì hiệu quả chương trình là 10, còn nếu chạy ăn từng bữa thì hiệu quả chỉ còn 3. Mọi thứ theo hiệu ứng “domino” mà đổ, không còn như những gì mình vạch ra nữa.
Đến gần đêm chung kết, mọi người vẫn khuyên tôi cắt cái nọ, giảm cái kia đi, chỉ quay ở hội trường khách sạn là đủ, song tôi không chấp nhận. Một phần đó là uy tín, đã thông báo làm ở Nhà hát Lớn của tỉnh, không thể khiến các phụ huynh và thí sinh cảm thấy bị lừa gạt hay thất vọng. Một phần trách nhiệm làm nghề không cho phép tôi. Tôi có thể không nhận một đồng thù lao nào nhưng không thể cắt giảm những gì ảnh hưởng tới chất lượng chương trình.
Và anh chấp nhận sự truy nợ của giang hồ?
Lúc đó tôi không chấp nhận cũng không có cách nào khác. Tôi chỉ hận mình vì cả cuộc đời, những lúc vất vả nhất cũng chưa bao giờ phải cầm cố cái gì. Thời đi học cũng chưa bao giờ xin mẹ thừa một nghìn đồng. Nhưng khi bước chân vào nghệ thuật, dồn tất cả tâm sức cho nó thì lại rơi vào hoàn cảnh như thế.
Biết tôi làm nghệ thuật, sợ nhất là điều tiếng, giang hồ gây áp lực lên tôi mỗi ngày. Dù tôi xin họ cho tôi làm xong chương trình rồi giải quyết nhưng họ không đồng ý. Họ thúc ép, đe dọa tôi liên tục và đã có lúc tôi đối mặt với cái chết. Nhưng thực sự, lúc ấy tôi không còn màng tới sống chết nữa. Tôi chỉ lo cho sự an nguy của các cháu nhỏ và chương trình không thể diễn ra.
Những ngày cuối cùng trước đêm chung kết là khoảng thời gian kinh hoàng. Mỗi ngày tôi chỉ ngủ được 3-4 tiếng, bề ngoài vẫn cười nói với phụ huynh và thí sinh, bên trong vừa lo chạy chương trình vừa lo xoay tiền trả nợ. Ngày đầu tiên quay tôi vẫn 55, 56 kg, đến đêm chung kết tôi chỉ còn bốn mấy cân, hốc hác tới nỗi tôi phải yêu cầu ê-kíp cắt hết những cảnh có mặt tôi vì không muốn hình ảnh của mình xấu xí.
Rất may là có một cô biết tới những chương trình của tôi đã đứng ra bảo lãnh giúp. Cô dàn xếp cho tôi với lý do tôi vay tiền để làm nghệ thuật chân chính, tin tưởng rằng tôi sẽ không quỵt nợ. Nhờ đó mọi việc đã êm xuôi.
Tôi không dám trách những người tạo ra áp lực để đòi nợ mình, vì đó là công việc của họ. Tất cả là lựa chọn của tôi. Có thể cái giá theo đuổi đam mê của tôi hơi mắc nhưng nếu cho lựa chọn lại thì tôi vẫn làm điều ấy.
Tôi nghĩ mình là người vô trách nhiệm với vợ con
11 năm theo đuổi nghệ thuật, người phụ nữ của anh có bao giờ yêu cầu anh dừng lại?
Có thể cô ấy không ủng hộ nhưng cũng chưa bao giờ phản đối tôi. 11 năm qua, cô ấy chưa từng kêu ca, bắt tôi phải dừng lại con đường nghệ thuật của mình. Tôi cứ đi biền biệt, một mình cô ấy phải đơn độc gánh vác gia đình. Thời con gái vì bố mất sớm nên cô ấy phải lo cho hai em, lấy chồng cũng không được nhờ chồng mà phải lo cho ba con nhỏ. Có lẽ cô ấy khổ quen rồi nên cứ lặng lẽ chấp nhận như thế.
Trong công việc tôi dốc lòng dốc sức bao nhiêu thì trong gia đình tôi nghĩ mình thiếu trách nhiệm với vợ con bấy nhiêu. Chẳng có lý do gì biện minh được cho việc cùng với người phụ nữ tạo ra những đứa con rồi để cô ấy tự lo toan một mình. Có lần tôi cảm thấy bản thân bất lực quá, tôi đề nghị vợ: “Hay chúng ta dừng lại đi.” Cô ấy bảo: “Trừ khi anh cảm thấy không cần em nữa”.
Ngay cả khi anh bị giang hồ truy đuổi và phải gánh một khoản nợ lớn vì đam mê nghệ thuật, vợ anh cũng không ý kiến gì sao?
Việc bị giang hồ truy nợ chỉ duy nhất có trợ lý của tôi biết. Tôi không muốn nói cho vợ, vì không muốn cô ấy phải lo lắng và buồn thêm nữa. Cô ấy chỉ biết là tôi làm ăn không tốt và có nợ, những khoản nợ của người thân trong gia đình. Cô ấy buồn nhưng cũng không phản đối. Cô ấy bảo sướng khổ thế nào, lấy nhau rồi thì em chấp nhận. Tôi có thể theo được con đường này đến bây giờ là phải cảm ơn người phụ nữ của mình.
Nếu các con của anh có thiên hướng nghệ thuật, anh có cho chúng đi theo con đường mà anh đang đi?
Tôi chưa bao giờ ân hận hay oán trách cái nghiệp nghệ thuật mà mình đang mang. Dù có bao nhiêu vấp ngã hay thất bại, tôi vẫn yêu nó như máu thịt. Bởi thế mà tôi rất thích con của mình cũng có chung một tình yêu với mình. Dù tổ nghiệp chưa thương tôi hoặc do tôi chưa đủ tài năng, tôi vẫn tin rằng khi làm điều gì đó bằng cả trái tim và trách nhiệm, mình nhất định sẽ gặt hái thành quả. Tôi cứ gieo hạt, mùa thu hoạch rồi sẽ đến.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long