Bạn đọc viết:
Hotboy nổi loạn: Không nhạt nhưng vẫn còn sạn
(Dân trí) - Bắt đầu ra rạp từ ngày 14/10, <i>Hotboy nổi loạn</i> của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thực sự đã nhận được cảm tình của nhiều khán giả. Bộ phim được làm theo xu hướng ta vẫn gọi nôm na là “phim thị trường”, nhưng không hề nhạt nhẽo.
Không nhạt
Trước hết, cần phải khẳng định ngay, đây là bộ phim làm theo xu hướng ta vẫn gọi nôm na là “phim thị trường”, nhưng không hề nhạt. Nó có thể khiến người ta cười thật thoải mái, nhưng đằng sau tiếng cười, ta không thể không suy ngẫm về những điều mà người làm phim muốn gửi gắm tới khán giả. Để làm được điều đó, theo chúng tôi, có sự góp sức của một số yếu tố thành công về cả nội dung lẫn nghệ thuật.
Thứ nhất, dễ thấy, việc lựa chọn diễn viên thủ vai trong phim khá tinh tế và thực sự phát huy hiệu quả tối đa. Diễn viên đẹp, từ đó, tạo hình nhân vật cũng gây ấn tượng. Mỗi nhân vật trong phim, từ các nhân vật chính như Lam, Khôi, cho tới các nhân vật chỉ xuất hiện đôi phút như bà bán vịt con, bà chủ quán đồng nát, cũng tạo cho người xem những ấn tượng nhất định. Phong cách diễn thoải mái, tự nhiên, diễn tả thành công những sắc thái tâm lý nhân vật của các diễn viên là điều người xem có thể cảm nhận.
Hotboy nổi loạn đề cập tới chủ đề đồng tính nam
Thứ ba, kỹ xảo làm phim đã được vận dụng phù hợp, tạo hiệu quả thẩm mỹ đáng kể trong việc xử lý hình ảnh để phù hợp với ý tưởng đạo diễn. Nhiều khán giả sẽ nhớ mãi hình ảnh chú vịt con từ từ chọc thủng lớp vỏ trứng ngóc cổ ra ngoài. Cùng với đó là những góc máy cận cảnh lột tả những vui sướng, đau khổ và dằn vặt của các nhân vật rất kỹ càng và sâu sắc.
Thứ tư, sự lô-gíc trong chi tiết phim cũng được đạo diễn hết sức quan tâm. Chẳng hạn, cô gái điếm Phước Hạnh xuất thân trong một gia đình làm nghề nuôi vịt ở miền Tây. Sau dịch cúm gia cầm, đàn vịt nuôi chết hết, nợ nần chồng chất khó khăn, Hạnh tìm đường vào Sài Gòn tính kế sinh nhai. Chi tiết này được gắn chặt với những am hiểu của cô về vịt khi nói với thằng Cười, cô dặn anh cho quả trứng vịt vào nước, nếu nó đứng yên thì là hỏng, còn nếu nó quay vòng vòng thì sẽ nở được. Hay như vịt đực thì kêu “khạp, khạp, khạp”, vịt cái thì kêu “kháp, kháp, kháp”,… Nếu không tìm hiểu và chủ động trong việc gắn kết, người xem khó thấy được sự công phu của đạo điễn phim.
Và điểm thành công đáng nói nữa của bộ phim chính là nó đã nêu được những triết lý sống rất đáng suy ngẫm. Rốt cuộc, thằng Cười có thật khờ khạo và ngớ ngẩn không, hay chính anh là người đã biết thương mến và trân trọng cuộc sống này hơn tất thảy những người bình thường vốn được coi là tỉnh táo, khôn ngoan hơn khác. Rốt cuộc, một cô gái làm điếm về thể xác nhưng hoàn toàn có quyền lựa chọn để không làm điếm về tâm hồn, không bán rẻ linh hồn và vẫn biết trân trọng những giá trị chân, thiện ở đời như Phước Hạnh. Rốt cuộc rồi, những ai không biết tự dừng lại ở những cạm bẫy ngày một kéo họ lún sâu thêm vào tội lỗi, thì cái giá phải trả sẽ là sự mất mát những gì họ khát khao, thèm muốn và yêu thương nhất trong cuộc đời.
Và một điều cũng rất đáng suy nghĩ nữa, đúng là không ai có quyền lựa chọn bố mẹ cũng như giới tính cho mình khi sinh ra, nhưng ai cũng có quyền chọn một cách sống đúng với những thang bậc giá trị theo quan niệm của mình. Lòng tự trọng sẽ mãi thuộc về bạn, chỉ trừ khi chính bạn đưa nó cho người khác tùy tiện sử dụng. Có thể nói, tất cả những triết lý đó khiến Hotboy nổi loạn tạo được một dư vị không dễ quên trong lòng người xem. Nó tạo một độ lắng cần thiết, khác nhiều với những bộ phim đã rất dễ dãi khi đặt mục tiêu giải trí làm đích đến đầu tiên và cũng là cuối cùng.
Vẫn còn những hạt sạn
Dù được đánh giá là khá thành công khi khai thác đề tài tương đối nhạy cảm - đồng tính nam, nhưng trên một số phương diện, Hotboy nổi loạn vẫn còn những hạt sạn không đáng có.
Một cảnh trong phim
Một hạt sạn nữa của bộ phim chính là sự thiếu kết nối giữa tuyến nhân vật cũng như sự phát triển câu chuyện cuộc đời của hai nhân vật chính với các tuyến nhân vật phụ và cuộc đời của họ, khiến người xem có cảm giác phim là sự ngổn ngang những ý tưởng được lắp ghép. Người ta có thể bỏ đi toàn bộ phần cuộc đời của thằng Cười và cô gái điếm mà vẫn không làm ảnh hưởng tới nội dung câu chuyện mà bộ phim có ý định kể cho khán giả.
Một bộ phim phải từ một tác phẩm nghệ thuật mang tính trọn vẹn, tổng thể, dù cách kể của mỗi đạo diễn không giống nhau, nhưng mối liên hệ giữa các tình tiết trong câu chuyện đó phải thể hiện được sự thống nhất khi hội tụ lại trong lòng người xem.
Có thể, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng có một ý tưởng nào đó khi chọn cách kể này, song, dù như thế chăng nữa, thì việc phần đông người xem chưa hiểu được ý đồ đạo diễn cũng cần được quan tâm, nhất là với những nhà làm phim thực sự cầu thị và mong muốn hướng về công chúng.
Dương Kim Thoa