Hợp tác làm phim: Đã thấy sức bật?
Hiện, một số tác phẩm điện ảnh hợp tác tham dự các liên hoan phim không còn bị “phân biệtlượng của đối xử” giữa phim nhà nước, phim tư nhân hay phim có đối tác với nước ngoài như Trung Quốc, Pháp, Bỉ... Vấn đề quan trọng đối với người xem là chất một bộ phim.
Hợp tác... đa phương
Cách nay hơn 15 năm, những người làm điện ảnh Việt Nam chưa có cơ hội giao lưu, tiếp cận các nguồn điện ảnh khác nhau của nhiều quốc gia trên thế giới. Hoạt động hợp tác thường là hình thức hãng phim trong nước cung ứng dịch vụ với một hãng phim nước ngoài sau khi đã ký kết thỏa thuận các quy định được cho phép.
Không lâu, khi cánh cửa hội nhập với thế giới bắt đầu rộng mở, các hoạt động kinh tế, giao lưu văn hóa phát triển. Dần dà, qua nhiều hình thức hoạt động, các hãng phim tư nhân nở rộ. Ngoài con số khiêm tốn đầu phim do vài ba hãng phim nhà nước sản xuất, đã thấy xuất hiện thêm phim hợp tác trong, ngoài nước như Mùa len trâu, do hãng phim Giải Phóng (Việt Nam) cùng hãng phim Novak (Bỉ), 3B Production (Pháp) hợp tác sản xuất; phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông do hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam hợp tác với hãng phim Châu Giang (Trung Quốc).
Gần đây nhất, có thêm các phim Hà Nội, Hà Nội do hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam và hãng phim Dân tộc Vân Nam (Trung Quốc) cùng sản xuất; hãng Phước Sang hợp tác với hãng Bily Pictures bấm máy bộ phim kinh dị tên Mười; bộ phim truyền hình nhiều tập Mùi ngò gai do hãng ViFa (Việt Nam) hợp tác cùng tập đoàn CJ Media (Hàn Quốc) sản xuất đã phát sóng trên một số kênh truyền hình; hoặc phim DVD Những chiếc lá thời gian do hãng Senafilm (Việt Nam) sản xuất được hãng Green Lake Production LLC phát hành ở Mỹ.
"Dòng máu anh hùng" - một trong số những bộ phim hợp tác
được phần lớn khán giả Việt Nam vui vẻ đón nhận.
Hợp tác có lúc mang ý nghĩa... sống còn đối với một số hãng phim, kể cả hãng phim tư nhân khi đối mặt với làn sóng phim ngoại tràn ngập màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ. Để tự xoay xở, hãng phim Giải Phóng không ngần ngại đi đầu trong con đường hợp tác làm phim với nhiều đơn vị; hãng phim tư nhân Phước Sang liên kết hãng phim Việt và Công ty BHD sản xuất phim Áo lụa Hà Đông; hãng TFS (Đài Truyền hình TPHCM) cũng “tự bươn chải” vừa hoạt động sản xuất phim theo kế hoạch vừa hợp tác với nhiều hãng phim bên ngoài.
Những hoạt động hợp tác làm phim đa phương, “đủ màu sắc” này, cho thấy đã phần nào tìm được lối ra cho phim Việt, đặc biệt là khi Luật Điện ảnh Việt Nam đã ban hành và Việt Nam chính thức gia nhập WTO.
Thế nhưng, không phải con đường hợp tác làm phim lúc nào cũng êm đẹp. Bên cạnh yếu tố chủ quan của những nhà đầu tư làm phim vẫn có yếu tố khách quan của khán giả, của dư luận tiếp nhận.
Nhiều “hạt sạn” từ một bộ phim truyền hình mô phỏng nội dung đề tài nước ngoài đôi khi không phù hợp với thị hiếu khán giả trong nước, xa lạ với tình cảm khán giả, dễ bị họ dị ứng. Tính suy diễn, áp đặt chủ quan sự việc thiếu trải nghiệm, thiếu yếu tố văn hóa dân tộc ở một bộ phim do một đạo diễn Việt kiều thực hiện làm khán giả phản cảm hơn là thấu hiểu nhiệt tình làm phim hợp tác của ông.
Lo gần, lo xa
Nhìn đi, nhìn lại, các nhà làm phim vẫn lo gần, lo xa chuyện làm phim “không đùa với… nhà đầu tư”. Làm phim là chuyện bỏ ra bạc tỷ. Đi tìm lối ra cho điện ảnh Việt Nam không chỉ đơn thuần là sản xuất mà còn phải tìm đầu ra từ lĩnh vực phát hành phim trong và ngoài nước như lời ông Trần Khải Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Megastar thường nhấn mạnh.
Một số hãng phim đã nghĩ đến bước hợp tác phát hành kế tiếp ngay từ khâu đầu tiên như việc hãng Chánh Phương bán bản quyền phim Dòng máu anh hùng cho Weinstein, một hãng phát hành uy tín của Mỹ; hãng Senafilm có kế hoạch làm phim, in dĩa DVD phim Những chiếc lá thời gian và hợp tác với hãng Green Lake Production; hãng ViFa vẫn “trông cậy” vào đối tác CJ Media sẽ phát hành phim Mùi ngò gai tại “xứ sở kim chi”; hãng phim Phước Sang khá tự tin khi giao phần phát hành phim Mười ở nước ngoài cho đối tác giàu kinh nghiệm, hãng Bily Pictures (Hàn Quốc) lo liệu…
Hợp tác làm phim và học hỏi kinh nghiệm hợp tác với các hãng phim trong và ngoài nước liệu có đủ sức bật, tạo sự chuyển biến mới cho điện ảnh Việt Nam? Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2006, ông Gregory Frazier, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mỹ cho biết, nhiều nhà làm phim Mỹ cũng quan tâm đến thị trường điện ảnh Việt Nam.
Chứng minh lời nhận xét này, tháng 5 vừa qua, các nhà điện ảnh Mỹ được mệnh danh là “đại gia” như Tom Pollock, Susannah Grant, Curtis Hanson, William Horberg… đã đến Hà Nội và TPHCM tham dự Tuần lễ phim Mỹ tại Việt Nam. Mục đích thứ hai là họ khảo sát, tìm hiểu tình hình điện ảnh Việt Nam qua những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc tại các hãng phim Việt Nam...
Trong buổi tiếp xúc giữa đoàn điện ảnh Mỹ với hãng phim Giải Phóng, ông William Horberg (nhà sản xuất phim Người Mỹ trầm lặng) cho rằng xu hướng hợp tác giữa các nhà làm phim Mỹ và Việt Nam có thể bước nhanh hơn nếu sớm có kịch bản đề tài, nội dung về Việt Nam, thể hiện không gian Việt Nam hoặc phim có những bối cảnh được chọn quay ở Việt Nam.
Hội nhập đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác làm phim cho ngành điện ảnh, truyền hình Việt Nam. Cố nhiên, bên cạnh thời cơ vẫn còn nhiều thách thức. Với chính sách tạo điều kiện hợp tác giữa các hãng phim nhà nước và hãng phim tư nhân, mở rộng hoạt động hợp tác giữa điện ảnh trong nước và điện ảnh ngoài nước đã tạo được sự khởi sắc cho điện ảnh Việt Nam đầu thế kỷ 21.
Một triển vọng “nền kinh tế không khói” như kinh nghiệm thành công của điện ảnh truyền hình Hàn Quốc cũng đang đặt ra trong việc hợp tác làm phim. Tuy nhiên, vấn đề còn nằm ở tầm nhìn sâu sắc và bản lĩnh vững vàng của các nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà hoạt động văn hóa điện ảnh, truyền hình nước nhà.
Theo Kim Ửng
Sài Gòn Giải Phóng