1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Hội Kiều học Việt Nam ra đời: Quy tụ người Việt Nam yêu Truyện Kiều

Những người nghiên cứu, giảng dạy và yêu quý Truyện Kiều vừa được phép chính thức thành lập Hội Kiều học Việt Nam theo Quyết định số 1400/QĐ-BNV do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh ký ngày 14/7/2011.

Quyết định ghi rõ: “Hội Kiều học Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động theo Điều lệ của Hội Kiều học Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan về lĩnh vực Hội hoạt động”. Hội được thành lập trên cơ sở Ban vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam hoạt động từ năm 2010, Trưởng ban là TS Phan Tử Phùng.

 

Hội Kiều học Việt Nam có mục đích nghiên cứu và công bố các giá trị, tinh hoa văn học nghệ thuật và văn hóa xã hội kết tinh trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du qua đó tôn vinh, phát huy và bảo vệ di sản văn hóa quý giá bậc nhất của dân tộc.
 
Hội Kiều học Việt Nam ra đời: Quy tụ người Việt Nam yêu Truyện Kiều   - 1


 

Hội có trách nhiệm phổ cập rộng rãi trong công chúng những hiểu biết về Truyện Kiều của các nhà nghiên cứu để công chúng nâng cao độ cảm thụ cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của Truyện Kiều. Ra đời từ nửa cuối thế kỷ XVIII, Truyện Kiều là một truyện thơ bất hủ được Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm, là tác phẩm khẳng định tiếng Việt hoàn toàn xứng đáng trở thành ngôn ngữ của thi ca.

 

Tác phẩm này cũng đưa đại thi hào Nguyễn Du trở thành danh nhân văn hóa thế giới được Liên Hiệp Quốc công nhận. Truyện Kiều chứa đựng những tinh hoa tư tưởng, mang đậm dấu ấn thiên tài văn hóa Nguyễn Du, có năng lực giải thoát sự bế tắc nên phù hợp tâm lý người đọc mọi thời đại.

 

Theo N.Thi

Công An TPHCM