Hoài Linh “hoang mang xa xứ” với Dạ cổ hoài lang
(Dân trí) - Lần đầu tiên sau 15 năm “chinh đông, phạt bắc”, vở kịch “Dạ cổ hoài lang’ của tác giả Thanh Hoàng chính thức được công diễn ngay trên đất tổ cổ nhạc Bạc Liêu, nhân kỷ niệm 90 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang.
Nói theo nghệ sĩ Thanh Hoàng thì giống như một cuộc hành hương trở về nguồn cội: Dạ cổ hoài lang cuối cùng lại trở về đất tổ. Cuộc hành hương có vẻ hơi dài, nhưng lại mang đến nhiều bất ngờ thú vị. Khán giả Bạc Liêu lần đầu tiên được xem một vở kịch lấy cảm hứng từ niềm tự hào của họ đã tỏ ra bất ngờ, thích thú.
“Lần đầu tiên tôi được xem vở kịch xúc động như vậy. Nghệ sĩ nào diễn cũng hay. Tôi thích nhất đoạn cuối lúc cô cháu gái nhận ra lỗi của mình thì cũng là lúc ông Tư chết…”, Cô Hồ Thị Nhứt, một khán giả Bạc Liêu cho biết.
Dạ cổ hoài lang lần đầu tiên trình diễn trên sân khấu Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu…
Còn nghệ sĩ Hoài Linh, lần đầu tiên vào vai ông Tư lại may mắn được trình diễn ngay trên đất Bạc Liêu quê hương của bản Dạ cổ hoài lang cũng không tránh khỏi cảm xúc mừng lo lẫn lộn.
Anh cho biết “Mình rất vui và cảm thấy may mắn hơn nhiều nghệ sĩ đàn anh trước vì được diễn vai ông Tư ngay trên sân khấu Cao Văn Lầu trước khán giả Bạc Liêu. Nhưng ngược lại cũng rất lo và hồi hộp vì đây là vai diễn mà các nghệ sĩ đàn anh đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả, cộng với thời gian diễn tập quá ít (chỉ có duy nhất một buổi)”. Vì quá lo lắng nên trước giờ mở màn, Hoài Linh đã ghé thăm mộ bác sáu Lầu, để kịch bản lên bàn thờ của ông rồi cầu nguyện cho đêm diễn diễn được suôn sẻ.
...Thu hút đông đảo khán giả đến xem
Cả đạo diễn Công Ninh lẫn tác giả Thanh Hoàng đều lo lắng về thời gian diễn tập quá gấp rút của Hoài Linh. Tuy nhiên, vở diễn đã thành công ngoài mong đợi. Những tràng pháo tay không ngớt từ khán giả chính là niềm khích lệ to lớn đối với các diễn viên. Với Dạ cổ hoài lang đêm 1/10, Hoài Linh đã mang đến cho khán giả miền Tây một ông Tư rất riêng.
Lần đầu tiên vào vai ông Tư, Hoài Linh mang đến cho khán giả nhiều bất ngờ thú vị…
Nghệ sĩ Việt Anh (trong vai ông Năm), người luôn sát cánh với Dạ cổ hoài lang suốt 15 năm qua chia sẻ “ông Tư của Thành Lộc phảng phất nét lãng tử; ông Tư của Lê Vũ Cầu thì chân phương, mộc mạc; ông Tư của Thanh Hoàng thì thiên về lý tính; còn ông Tư của Hoài Linh thể hiện rõ cái hoang mang của một ông già nơi xứ người”.
Một ông già xa xứ, hoang mang, cô đơn, mang trong lòng nỗi niềm vọng cố hương tha thiết…
Mặc dù "chuyên trị" những vai ông già nhà quê, nhưng đây là lần đầu tiên Hoài Linh vào vai một ông già xa xứ mang trong lòng một nỗi niềm vọng cố hương tha thiết. Anh cho biết: "Do đã từng sống cạnh những người già xa xứ, từng trải qua cái cảm giác của một người con xa xứ nên thấu hiểu nỗi cô đơn, hoang mang của ông Tư. Tất cả những cảm xúc có được, mình mang vào vai diễn."
...Và cuối cùng chết trên đất khách.
Theo đạo diễn Công Ninh, Sau 15 năm công diễn, vở "Dạ cổ hoài lang" vẫn sáng đèn đều đặn hàng tháng trên sân khấu 5B. Khán giả đến xem đa phần là việt kiều. Dạ cổ hoài lang giờ chính là nỗi niềm của những người con xa xứ.
Huỳnh Hải - Quách Diễm