Hoa hậu Thu Hoài: “Cảm giác lo sợ khi bị bạo hành vẫm ám ảnh tôi rõ mồn một”
(Dân trí) - “Cái cảm giác lo sợ và nỗi khủng hoảng của mình ngay tại thời điểm bị bạo hành vẫn rõ mồn một. Đó là lí do mà khi đoạn đầu trong cuốn sách “Đàn bà phố thị” của mình là tôi lại khóc”, Thu Hoài thú nhận.
Chị với bạn trai Việt kiều kém 10 tuổi đã có 3 năm gắn bó, trải qua nhiều thử thách, không còn gì ngăn trở… Tại sao vẫn chưa tổ chức đám cưới?
Thật sự là hai chúng tôi đã thống nhất với nhau, nếu đã suy nghĩ chín chắn về việc sẽ đi cùng nhau đến cuối con đường thì kiểu gì cũng phải tổ chức đám cưới. Đối với tôi, đám cười giờ sớm hay muộn cũng chỉ để thỏa mãn mặt hình thức thôi còn cái quan trọng là sống với nhau như thế nào để luôn cảm thấy hạnh phúc khi ở bên nhau. Với lại, công việc của cả hai cũng đang khá bận bịu và chúng tôi cũng đang bắt đầu gầy dựng những thứ mới cho tương lai nên không quá nôn nóng chuyện đám cưới.
Bản thân anh Trí (tên bạn trai hiện tại của Thu Hoài) cũng là người khá nguyên tắc. Anh ấy muốn mỗi bước ngoặt trong cuộc đời đều là những điều ý nghĩa và đáng nhớ. Và tôi tôn trọng quan điểm đó của anh. Bản thân tôi thấy việc đám cưới có muộn màng một chút cũng không thiệt thòi gì đối với cả hai. Tôi không có đòi hỏi điều gì ngoài tình yêu và hạnh phúc mà anh ấy mang lại.
Nhưng người ta thường bảo, cái gì để lâu quá cũng sẽ không hay. Chị nghĩ sao?
Tôi nghĩ, đã yêu nhau và đã cần nhau thì sự gắn kết không phải một ngày, một bữa. Như tôi từng chia sẻ, nếu sống với một người mà bạn luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc thì bạn không có lí do gì để luôn đòi hỏi một đám cưới. Còn nếu sống với nhau một thời gian mà cảm thấy tình cảm cứ dần phai nhạt rồi chán ghét nhau thì điều đó cũng vừa đủ để mình khỏi đưa ra một quyết định vội vã. Đầu tư nhiều thời gian, tình cảm, tâm huyết, hy vọng… để cuối cùng lại gặp phải một người không thuộc về mình.
Đến bây giờ, gia đình bạn trai có phản đối hoặc ra sức ngăn cản chuyện tình yêu của hai người?
Gia đình bạn trai lúc đầu phản đối rất mạnh mẽ nhưng dần rồi họ cũng buông dần. Tôi nghĩ, chắc vì họ thấy con mình quá quyết liệt với sự lựa chọn của mình. Anh Trí vốn dĩ sống từ nhỏ ở nước ngoài nên anh ấy luôn nghĩ rằng “Cuộc đời con hãy để con tự quyết định, chuyện trả hiếu cho ba mẹ không hẳn là phải cưới vợ theo ý của ba mẹ hoặc sống theo sự sắp đặt của ba mẹ”. Những suy nghĩ đó khiến tôi thấy anh thực sự là một người đàn ông chính chắn và trưởng thành do đó mới quyết định gắn kết với anh lâu dài.
Vậy còn các con của chị có đón nhận anh không?
Ngay từ đầu, 3 đứa con của tôi không đón nhận nhưng cũng không phản đối. Nhưng độ tuổi của 3 đứa đang kiểu nửa người lớn, nửa trẻ con nên có một chút hơi xem thường anh. Có thể do chúng thấy anh còn trẻ lại không rành tiếng Việt. May là 3 đứa nhà tôi cũng sử dụng tiếng Anh khá nên mỗi khi ở nhà anh thường trò chuyện với chúng bằng tiếng Anh.
Lâu dần, qua những va chạm trong gia đình… các con đã hiểu anh hơn. Thậm chí, nhiều lần tôi với anh cũng có tranh cãi về quan điểm nuôi dạy con chung với nhau. Đôi khi tôi rất thương anh là khi tôi giận lên cứ nói “Con tôi mặc kệ tôi”, anh bảo “Tại sao em lại nói con tôi – con bà, mình đang chung tay nuôi dạy con thì con không của riêng ai hết”. Những câu nói đó làm tôi rất cảm động và thấy anh rất tâm huyết với gia đình này. Nó khiến tôi cảm thấy phải có trách nhiệm để giúp anh bước vào cuộc sống của mẹ con tôi.
Bây giờ thì mấy bố con đã rất gần gũi nhau và tôi có cảm giác như tôi là gái còn son vậy vì không có gì phải lo hết, mọi thứ trong gia đình anh ấy đã lo hết.
Chị có chia sẻ, gia đình của chị từng là một gia đình khá có điều kiện. Nhưng biến cố ập đến khiến mọi thứ đã bị đảo lộn và cuộc đời chị buộc phải bước qua những “nốt trầm”. Biến cố đó là gì?
Ngày trước, gia đình tôi khá là giàu có nên tuổi thơ tôi được chăm sóc rất kỹ. Nhưng khi tôi lên 13 – 14 tuổi thì ba mẹ tôi xích mích với nhau. Tôi thường xuyên chứng kiến những lần ba đánh mẹ. Khi đó tôi còn bé nên chưa hiểu chuyện, mỗi lần ba đánh mẹ lại lao vào bênh mẹ và ghét ba. Sau này lớn lên tôi mới biết mẹ đã làm rất nhiều chuyện sai trái nên ba mới đánh. Mẹ đã cờ bạc, làm tiêu tan gia sản mà ba cố công gầy dựng, ai khuyên can cũng không nghe.
Tuy nhiên, vì từ nhỏ tôi đã được sống trong môi trường khá trưởng giả nên tính cách của tôi cũng hơi khác. Sau này, dù không nhất thiết phải dùng đồ hiệu, ăn phải ngon… nhưng cũng luôn theo đuổi một phong cách “quý sờ tộc” (cười). Nhiều khi bạn bè cùng trang lứa không hiểu chuyện, thấy mình như vậy thì cho rằng mình sang chảnh, không hòa đồng… nhưng kỳ thực không phải do mình cố tình làm như vậy.
Phải chăng vì từ bé đã chứng kiến cảnh bạo hành rồi đến khi lập gia đình cũng trải qua nhiều năm bị bạo hành nên tính cách của chị trở nên gan lì, trơ cứng… trước mọi thứ?
Không phải vậy đâu, tôi không phải là người giỏi chịu đòn. Sự bạo hành làm cho tôi thức tỉnh để biết không phải tình yêu nào cũng sẽ vĩnh cửu và không phải con người nào cũng sẽ mãi mãi như vậy. Và nó nhắc nhở mình phải cẩn thận trong giao tiếp cũng như cách nhìn nhận mọi thứ về cuộc đời.
Tôi cứng cỏi, mạnh mẽ… có thể là vì từ nhỏ tôi đã bươn chải một mình, phải đối diện với rất nhiều cạm bẫy và phải tìm cách vượt qua nó. Khi đã vượt qua được rồi lại thấy những thứ đó đối với mình bây giờ là miễn dịch, không còn sợ những biến cố sẽ xảy ra với mình nữa.
Cho đến bây giờ, những ám ảnh về chuyện bạo hành vẫn còn rõ trong chị không?
Nỗi ám ảnh đó vẫn còn rõ trong tôi. Cái cảm giác lo sợ và nỗi khủng hoảng của mình ngay tại thời điểm bị bạo hành vẫn rõ mồn một. Đó là lí do mà khi đoạn đầu trong cuốn sách “Đàn bà phố thị” của mình là tôi lại khóc. Không phải tôi không muốn quên nhưng thú thật nỗi đau đó rất dễ sợ.
Liệu có chăng chính chuyện bạo hành của chồng đối với chị đã ảnh hưởng ít nhiều đến giới tính của con trai đầu?
Không phải đâu, từ nhỏ con đã là một cậu bé rất nhẹ nhàng, không bao giờ chơi cái gì đó mạnh mẽ của con trai và không bao giờ gây gỗ với ai cả. Tôi nghĩ chắc có thể do môi trường từ nhỏ con đã ở với bà ngoại, mẹ, dì… con không ở với đàn ông nên không học được sự mạnh mẽ của người đàn ông.
Nhưng có một điều là con đã sinh ra như vậy thì con cứ sống cuộc đời của con như vậy. Tôi không bao giờ lăn tăn hoặc suy nghĩ nhiều về giới tính của con hết. Tôi luôn bên con, động viên, an ủi và cho con những lời tư vấn để con sống sao cho thật tốt.
Vậy khi bạn ấy đọc cuốn sách “Đàn bà phố thị” của chị, bạn ấy có nói gì không?
Khi đọc cuốn sách của mẹ, con có vẻ thương mẹ hơn và ngưỡng mộ mẹ hơn. Con cũng rất vui vì nhìn thấy mẹ làm được những việc mẹ từng mong muốn. Con có nói “Đọc cuốn sách của mẹ con mới thực sự hiểu được những gì mẹ đã phải trải qua bởi bình thường mẹ không bao giờ nói điều đó cho con hay. Con đã từng phản đối những điều mẹ làm cho con nhưng nay con đã hiểu vì sao mẹ đã làm như vậy”.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin
Hà Tùng Long