Hoa hậu Ngọc Hân: “Tôi được nuông chiều, không ngoan hiền”
(Dân trí) - “Có thể mọi người cảm nhận là tôi ngoan hiền nhưng bản thân tôi không thích từ ngoan hiền. Đối với tôi “ngoan hiền” nó khuôn mẫu, cứng nhắc. Bản thân tôi không phải như vậy”, người đẹp thẳng thắn.
Ngọc Hân nghĩ sao khi người ta nói: “Ngoan hiền quá nên giờ vẫn chưa chịu lên xe hoa. “Hư” đi một tí cho dễ... lấy chồng?”
Chắc gì hư lấy được chồng? Đầy gái hư đã lấy được chồng đâu? Nhiều bạn nữ cá tính, quậy quậy càng không thích đi lấy chồng. Mọi người nghĩ ngoan hiền hay lấy chồng, sao mọi người không nghĩ là chắc gì tôi đã ngoan hiền?
Có thể mọi người cảm nhận là tôi ngoan hiền nhưng bản thân tôi không thích từ “ngoan hiền”. Đối với tôi “ngoan hiền” nó khuôn mẫu, cứng nhắc. Bản thân tôi không phải như vậy!
Từ bé tôi sống trong môi trường được bố mẹ khuyến khích làm điều gì mình thích. Tôi học vẽ, theo đuổi nghề mình yêu thích. Trong khi thời của tôi, chưa định hình rõ ràng về cái nghề thiết kế thời trang. Bố mẹ làm công chức, cũng không liên quan chút nào đến vẽ vời. Nhưng bố mẹ luôn ủng hộ con gái. Tôi thích tham gia người mẫu thì tham gia, thích học về thời trang thì bố mẹ cho đi học thời trang. Thậm chí bố mẹ cho tôi đi học tiếng Pháp bởi lúc ấy ước mơ của tôi là đi du học ở Pháp theo ngành thiết kế thời trang.
Tôi sống trong môi trường tự do, được làm theo ý thích từ bé. Mọi người cứ nghĩ tôi ngoan hiền, nhưng tôi nghĩ mình không phải tuýp ngoan hiền. Tôi khá cá tính, được nuông chiều các sở thích từ bé. Tôi thích gì làm nấy. Tôi cũng không ngại bày tỏ trước những sự việc hoặc thể hiện bức xúc trước những chướng tai gai mắt. Tôi không phải người ai nói cái gì cũng gật, hay bảo gì nghe đấy.
Hỏi thật, chị có sốt ruột chút nào khi người đẹp Thu Thảo, Tú Anh... lần lượt lên xe hoa?
Tôi không sốt ruột. Tôi đã viết bức tâm thư khá dài cho Tú Anh khi cô ấy đi lấy chồng. Trong đó có ý là: “Cuộc sống của em sẽ bước sang một trang mới với nhiều những thử thách mà ở đó em đã “dũng cảm” hơn chị rất nhiều rồi đấy!”
Đối với tôi, Tú Anh còn rất là trẻ, tinh nghịch, thế mà sẵn sàng cuộc sống làm vợ, làm mẹ. Tôi tự cảm thấy mình nhát hơn, chưa dám bước vào cuộc sống như thế.
Vì sao chị chưa dám bước vào cuộc sống hôn nhân?
Chính vì cá tính, có nhiều trải nghiệm, sự quan sát nhiều nên tôi có cảm giác sợ và ngại. Người ta nói, thà không biết, “điếc không sợ súng”. Nếu không biết, trải nghiệm ít thì có người sẵn sàng “nhảy vào”, còn khi đã trải nghiệm thì lại nghĩ khác.
Tôi chưa trải qua cuộc sống hôn nhân nhưng có quá nhiều những anh, chị, em xung quanh bị rơi vào hoàn cảnh bị phản bội, hôn nhân tan vỡ.
Tôi đã đồng hành cùng họ, cảm nhận nỗi buồn của họ, niềm đau của họ. Đôi khi, tôi tự cảm thấy sợ.
Tôi nhìn thấy nhiều mặt trái của hôn nhân gia đình, hay mặt trái của người đàn ông. Tôi còn chút lo lắng nên chưa dám bước vào cuộc sống hôn nhân.
Mặt trái của người đàn ông từ sự quan sát, trải nghiệm thực tế của Ngọc Hân như thế nào?
Mặt trái của người đàn ông sau khi lập gia đình theo tôi được biết: Phần lớn đàn ông Việt Nam gia trưởng. Họ cũng ít sự quan tâm, đỡ đần người phụ nữ trong gia đình. Câu chuyện thường thấy ở các gia đình Việt Nam là: chồng đi làm, vợ cũng đi làm. Nhưng khi về đến nhà, thì người phụ nữ lúc nào cũng tất bật. Khi ở công sở, cuối giờ chiều người vợ đã nghĩ tối nay ăn gì, rồi chạy tạt qua chợ, rồi đón con về tắm rửa, lại chuẩn bị cơm nước. Trong khi các anh, hết giờ làm, về đến nhà chỉ nghỉ ngơi, thể thao, tắm rửa rồi ngồi xem tivi, hút thuốc, đọc báo đợi vợ dọn mâm cơm lên.
Tôi có chị bạn chia sẻ rằng, ở với nhau bao năm mà hình như chồng chị cứ nghĩ con cái tự lớn, tự thông minh. Chị lo toàn chu toàn gia đình, chăm sóc con cái. Rồi một ngày, chị phát hiện chồng phản bội mình.
Tôi nói với chị ấy rằng, chị sai lầm khi quá chủ quan. Chỉ vùi đầu vào chăm bẵm lo lắng cho gia đình, con cái mà... quên bản thân.
Tiện đây, tôi cũng chia sẻ về việc mọi người hay nói đến đức hi sinh của người phụ nữ Việt Nam. Tôi không thích “đức hi sinh” ấy. Tôi có cơ hội đi nước ngoài, được ở trong những gia đình có lối sống văn minh phương Tây. Tôi thấy, vợ có công việc của vợ, chồng có công việc của chồng. Ở bên ngoài chồng có là giáo sư, thạc sĩ thì khi về nhà họ sẵn sàng xắn tay vào bếp nội trợi, thay bỉm, chăm sóc con cái. Thậm chí, người phụ nữ ở nhà còn nhàn nhã hơn.
Tôi nghĩ thế mới là đúng. Phụ nữ được quan niệm là phái yếu. Rõ ràng họ có sức khỏe kém hơn nam giới. Họ phải trải qua những lần sinh nở vất vả, mỗi lần sinh nở là yếu đi mà công việc lại càng nhiều lên. Một con đã yếu, hai con lại càng yếu hơn, già xấu. Vì thế, họ rất cần người đàn ông san sẻ công việc, chăm sóc.
Tôi thấy cuộc sống hôn nhân với những cô gái Việt Nam không hạnh phúc như mọi người nghĩ mà đầy tính... trách nhiệm. Có nhiều định kiến khiến nhiều cô gái sống không vì hạnh phúc bản thân. Nào thì đến tuổi thì phải lập gia đình. Tôi nghĩ định kiến đó nên thay đổi.
Gần đây ca sĩ Uyên Linh có chia sẻ trên face book và tôi cực kỳ tâm đắc với chia sẻ của chị ấy. Chị ấy tư duy văn minh. Chẳng có gì là “phải lấy chồng ở đây cả” và mẹ chị ấy rất ủng hộ quan điểm ấy.
Chị ấy nói, chỉ lên xe hoa với người mà mình rất yêu, cảm thấy sống thiếu người đó không vui và phải có thời gian tìm hiểu kỹ. Đừng vì quan điểm của gia đình, xã hội mà bắt buộc phải lên xe hoa.
Tôi cũng luôn muốn có cơ hội để nhắc các bạn gái trẻ đừng vội lập gia đình nếu như chưa thực sự yêu, chưa thực sự hiểu nhau...
Đến tuổi này mà vẫn chưa quyết định tiến đến hôn nhân, chị có nghĩ mình là người lận đận trong tình duyên?
Tôi không nghĩ đấy là sự lận đận. Tôi nghĩ rằng, đấy là việc mình tìm hiểu và chưa thành công. Có cuốn sách rất hay, có câu thế này: “không có gì là thất bại, tất cả chỉ là thử thách”. Tôi không cho đó là lận đận, mà đó là thử thách, sự trải nghiệm của mình. Khi mình có nhiều trải nghiệm, tôi tin rằng mình sẽ bớt đi những va vấp trong cuộc sống sau này!
Xin cảm ơn Ngọc Hân về những chia sẻ thẳng thắn!
Nguyễn Hằng