Tuần lễ phim Hàn Quốc tại Việt Nam:
Giao lưu văn hoá hay chiến lược “xâm lăng ngọt ngào”?
(Dân trí) - “Gần như yêu”, “Mối tình đầu của chàng triệu phú”… là những bộ phim sẽ tham gia tuần lễ phim Hàn Quốc tại Việt Nam diễn ra từ ngày 8/12 đến ngày 17/12 tại Hà Nội và TPHCM. Đây là cơ hội để các fan phim Hàn ngắm nhìn thần tượng… miễn phí!
Sẽ có bảy bộ phim tham gia tuần lễ phim lần này: Thời gian nghiệt ngã, Gần như yêu, Mối tình đầu của chàng triệu phú, Xuân-hạ-thu-đông rồi lại xuân, Đường xa đầy gió, Vũ điệu ngây thơ và Tình yêu bất diệt.
Nội dung của cả bảy bộ phim đều xoay quanh tình yêu thương dưới nhiều góc độ, nhiều lăng kính: tình yêu lứa đôi lãng mạn, tình mẫu tử thiêng liêng, tình yêu cuộc sống bất diệt, tình yêu thương giữa con người với con người…
Dù những phim này đều không được đầu tư với kinh phí lớn hay đạt mức doanh thu kỷ lục nhưng đây là những đại diện tiêu biểu cho văn hoá và ý thực hệ của người Hàn Quốc hiện đại.
Trong số bảy bộ phim tham gia tuần phim Hàn Quốc tại Việt Nam, Xuân-Hạ-Thu-Đông rồi lại Xuân là bộ phim được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật bởi phim được đạo diễn kỳ cựu Kim Gi Duk “nhào nặn”.
Tuần lễ phim do Cục điện ảnh Việt Nam phối hợp với Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc (mới được thành lập vào tháng 11 vừa qua, đang đóng trụ sở tại 49 Nguyễn Du - Hà Nội) phối hợp tổ chức.
Ông Kim Sang Wook, giám đốc Trung tâm văn hoá Hàn Quốc cho biết: “Tuần lễ phim là chương trình hợp tác điện ảnh giữa hai đất nước, hy vọng, đây sẽ là cơ hội thúc đẩy giao lưu văn hoá giữa hai quốc gia, và điện ảnh sẽ là cầu nối”.
Tuy nhiên, khi nhắc đến Việt Nam, thì ông gói gọn: “Vừa qua, tại LHP Pusan tại Hàn Quốc, bộ phim Áo lụa Hà Đông của Việt Nam đã giành được nhiều giải thưởng cao. Người dân Hàn Quốc đã xem và rất thích. Người dân Hàn Quốc chúng tôi biết đến Việt Nam, biết đến áo dài và phở!”.
Còn sức ảnh hưởng của văn hoá Hàn Quốc đến giới trẻ Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung như thế nào có lẽ không cần bàn thêm nữa. Suốt một thời gian dài người ta gọi làn sóng văn hoá Hàn Quốc tràn ngập khắp giới trẻ châu Á là sự “xâm lăng ngọt ngào”.
Chính những thước phim lãng mạn, những câu chuyện tình yêu đẫm nước mắt nhưng đau đớn, hình ảnh những minh tinh “đẹp rạng ngời mà không chói loá” đã tạo nên một trào lưu dùng mỹ phẩm, thời trang, kiểu tóc Hàn Quốc, điện thoại Samsung lên giá “đắt như tôm tươi”, còn ngành du lịch Hàn Quốc thì bội thu!
“Thừa thắng xông lên”, người Hàn Quốc không ngừng mở rộng chiến lược “xâm lăng” về văn hoá trên khắp các lãnh thổ châu Á bằng con đường điện ảnh.
Khi được hỏi về sự lo ngại của một số quốc gia châu Á về làn sóng Hàn Quốc đổ bộ vào và chiếm lĩnh thị trường điện ảnh của nước bản địa, ông Kim Sang Wook trả lời: “Trước năm 1994, điện ảnh Hàn Quốc rất khó khăn. Chỉ đến năm 1996, chính phủ Hàn Quốc quyết định đầu tư để khôi phục và chấn hưng điện ảnh. Và như các bạn thấy đấy, 10 năm trở lại đây, Hàn Quốc trở thành một trong những cường quốc điện ảnh của châu Á”.
Ông Kim Sang Wook cũng khẳng định, sự phát triển của làn sóng Hàn Quốc tại châu Á là hoàn toàn tự nhiên: “Chúng tôi giới thiệu phim đến các nước bạn, và đón nhận như thế nào là tuỳ ở các bạn. Bản thân tôi không thích những bộ phim nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, những bộ phim đã làm nên làn sóng Hàn Quốc, vì thế, tôi sẽ không giới thiệu những bộ phim đó tại Việt Nam”.
Tuần lễ phim được diễn ra tại hai rạp, Trung tâm chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) và rạp Galaxy (TPHCM). Vé mời miễn phí, liên hệ tại các rạp chiếu.
Hào Hoa