1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

“Lời sám hối muộn màng”:

Gian hùng cứu mỹ nhân!

(Dân trí) - Trong series phim Cảnh sát hình sự phát sóng năm 2006, Lời sám hối muộn màng được đánh giá là phim cảm động hơn cả. Với nhiều tình huống éo le trong đó có lời sám hối của kẻ tử tù... đã khiến ngay cả các diễn viên lồng tiếng cũng phải rơi nước mắt.

Phim được bắt đầu khi tên tội phạm khét tiếng Phạm Bạch Đàn (Trung Hiếu đóng) bị bắt và kết án tử hình. Những ngày cuối cùng trong trại giam chờ xử bắn, Bạch Đàn lặng lẽ thu gom lại trong trí nhớ của hắn những mảnh vỡ lầm lạc, những hạnh phúc thương yêu, những ước mơ hoài bão trong đời…

 

Mẹ đẻ rơi hắn bên một gốc cây Bạch Đàn. Vậy là đứa trẻ mồ côi cha ấy đã lớn lên với cái tên Phạm Bạch Đàn. Thuở nhỏ, Bạch Đàn là đứa trẻ thông minh, lanh lợi và học giỏi. Lớn lên trên miền quê nghèo khó làm nghề đập đá quanh năm, hai mẹ con Bạch Đàn chăm chỉ kiếm sống. Thương mẹ, Đàn càng chịu khó học giỏi và ước mơ vào đại học. Tốt nghiệp cấp III, Bạch Đàn đỗ đại học với điểm số cao. Với hành trang nghèo nàn, Bạch Đàn hăm hở lên thành phố ăn học.

 

Môi trường đại học với kẻ tốt, người xấu lẫn lộn, với những trò xảo trá mà Bạch Đàn chưa bao giờ biết đến sau luỹ tre làng đã khiến Đàn ngỡ ngàng. Trong bữa tiệc sinh nhật, Đàn bị những người bạn xấu làm nhục vì tội… nghèo. Đàn tức giận xông vào đánh nhau với lũ bạn. Đàn bị đuổi học.

 

Buồn bã trở về quê, Đàn quyết tâm thi lại đại học năm sau. Nhưng đúng vào ngày Đàn nhận được kết quả đỗ đại học lần hai, chính quyền xã báo kèm một thông tin xấu- kết quả đã bị huỷ, với những sinh viên bị đuổi học phải chờ hai năm mới được thi lại.

 

Chán nản, cộng thêm gia cảnh túng thiếu, Đàn quyết định theo bạn bè lên bãi đào vàng làm thêm, dự định khi nào có chút ít tiền sẽ quay về học tiếp. Nhưng, chính quyết định ấy đã xô đẩy Phạm Bạch Đàn sang một ngã rẽ mới, sa ngã, lầm lạc và tuyệt vọng. Bãi đào vàng với những cuộc đụng độ, tranh giành đẫm máu, với những lọc lừa, xảo trá, Bạch Đàn thành quỷ dữ... Đúng lúc ấy, Đàn gặp được tình yêu.

 

Nhung (Đàm Hằng đóng) là một cô gái theo đạo thiên Chúa, bị bắt cóc từ nhỏ, được nhận làm con nuôi một gia đình giàu có trên thành phố. Trong một ngày mẹ nuôi đi vắng, Nhung bị bố nuôi cưỡng bức. Sợ hãi, tủi nhục, Nhung ra sông tự tử. Cô không chết mà dạt vào một làng ven sông. Ở đây, cô bị bán qua tay tất thảy những gã vạn chài, cuối cùng họ đẩy cô lên bãi đào vàng để lấy ít tiền đánh bạc. Nhung gặp Bạch Đàn khi trái tim đã khô cằn, lạnh giá, khi những khổ đau đã chai hằn, mệt mỏi. Nhưng chính tình yêu, sự mạnh mẽ, những giọt nước mắt khao khát hoàn lương của Bạch Đàn khiến trái tim Nhung rung cảm.

 

Khi hạnh phúc vừa nảy nở thì vụ án Phạm Bạch Đàn bị đưa ra ánh sáng pháp luật. Nhung chết trên con đường chạy trốn cùng Đàn. Tên tội phạm đầu thú và bị kết án tử hình. Những giọt nước mắt cuối cùng, những lời sám hối muộn màng khép lại bộ phim trong tiếng mõ chùa linh thiêng siêu thoát. 

 

Lời sám hối muộn màng chọn bối cảnh ở nhiều tỉnh thành khác nhau: Hà Nội, Hà Tây, Hoà Bình… chủ yếu là những vùng rừng núi hiểm trở. Thời gian quay phim rơi đúng vào ba tháng mùa đông rét mướt, mưa gió cuối năm 2005. Trên vùng núi đá, thời tiết càng khắc nghiệt hơn, có hôm nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Nhưng phục trang của diễn viên lại vào mùa… hè! Diễn viên nào cũng phong phanh áo vải, phất phơ đi lại trong gió rét.

 

Trước mỗi cảnh quay, các diễn viên gọi nhau chạy một vòng, vừa chạy vừa la hét, cười đùa cho thân nhiệt nóng lên. Kịch bản có một số trường đoạn đánh nhau, các diễn viên trong vai những tay đào vàng tập chung bên bờ suối, dù chạy nhảy một lúc nhưng người vẫn rét run, đạo diễn hô “diễn!” một cái, lập tức các “tay đào vàng” mặt gầm ghè, miệng chửi bới, tay… cởi phăng áo (!) lao vào nhau đánh đấm. Đạo diễn hô “cắt”, không ai bảo ai, người nào người nấy nhanh chóng tìm một cái áo rét mặc vào người.

 

Vừa mặc xong, đạo diễn hô “quay lại một đúp nữa!”. Ôi thôi, “những tay đào vàng nghệ sỹ” lại cởi áo ra rồi lao vào nhau mà chân tay thì rét cóng. Gió núi lạnh thấu xương, đoàn làm phim luôn phải đốt một đống lửa to gần kề bối cảnh, để các diễn viên quay xong, khoác vội áo rét vào người, ngồi sưởi.

 

Cũng vì hầu như ngày nào cũng phải đánh nhau, đào vàng, đãi vàng, nên buổi đêm về, ai cũng bẩn, lấm lem từ đầu đến chân. Nhà khách tỉnh Hoà Bình cho đoàn làm phim mượn thì liên tục mất nước. Anh em trong đoàn ùa xuống bể nước tập thể (như thời ở ký túc xá) hò hét, tắm gội trong thời tiết lạnh buốt. Giường của nhà khách không có đệm, vậy là cứ chen vào ngủ đông người cho ấm.

 

Suốt hơn ba tháng trời quay phim trong rừng núi, đoàn làm phim hăm hở trở về “thế là lại được về thành phố!”. Hỏi chuyện các diễn viên, quay phim, ánh sáng, đạo diễn… ai cũng trả lời “Đi làm phim xa, vất vả nhưng mà vui!”.

 

Phim Lời sám hối muộn màng được chuyển thể từ tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù của nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú, đạo diễn Vũ Minh Trí, với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên: Trung Hiếu, Đàm Hằng, Công Lý, Phan Anh… Phim dài 11 tập, sẽ lên sóng trong năm 2006.

 

Thu Hương