Giản dị và ấm cúng Lễ tưởng niệm 4 năm ngày mất GS.TS Trần Văn Khê
(Dân trí) - Trong lễ kỷ niệm 4 năm ngày mất Giáo sư - Tiến sĩ (GS.TS) Trần Văn Khê, những người bạn vong niên của GS lúc sinh thời cùng với những học trò của ông cũng vô cùng xúc động khi nhắc nhớ lại những kỷ niệm đáng trân trọng với GS Khê.
Ngày 9/8, tại TPHCM học trò của GS.TS Trần Văn Khê – anh Hồ Nhựt Quang đã tổ chức lễ tưởng niệm 4 năm ngày mất của ông (24/7/1921-24/6/2015).
GS-TS Trần Văn Khê là cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam đã qua đời vào ngày 24/6/2015. Ông ra đi để lại sự tiếc thương vô hạn không chỉ cho người thân mà người dân cả nước, những ai từng mến mộ tài năng lẫn sự cống hiến của ông cho nền âm nhạc dân tộc đều cảm thấy tiếc nhớ.
Cuộc đời và sự nghiệp GS.TS Trần Văn Khê được tái hiện đơn giản nhưng đầy đủ qua hình ảnh của ông từ khi còn bé đến lúc qua đời.
Trích những câu nói ý nghĩa liên quan đến cuộc đời và nhân sinh quan của ông trong hồi ký.
Những món ăn dân dã nhưng mang đậm hình ảnh quê hương được dâng lên GS. Khê cũng là những món ăn khi sinh thời ông rất yêu thích.
Chương trình diễn ra trong không gian ấm cúng với sự tham dự của những người bạn vong niên của giáo sư, như: tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và chồng Trần Bá Thùy, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy- chủ nhiệm Hội quán các bà mẹ, thành viên 2 Câu lạc bộ (CLB) do GS.TS Trần Văn Khê đỡ đầu thành lập: CLB Tiếng hát quê hương và CLB nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ... cùng những học trò thân thương của GS lúc sinh thời.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng và ấm cúng. Nến được thay cho hương để dâng lên trước bàn thờ GS.TS Trần Văn Khê.
Đã 4 năm nhưng những tình cảm đã dành cho GS Khê vẫn còn mãi. Chị Na, người đã chăm sóc cho GS Khê trong những ngày cuối đời bật khóc khi đứng trước bàn thờ ông.
NTK áo dài Sĩ Hoàng cũng có mặt trong buổi tưởng niệm GS. Trần Văn Khê
Chia sẻ về việc tổ chức lễ kỷ niệm 4 năm ngày mất của thầy Khê, anh Hồ Nhựt Quang bày tỏ: “Tôi luôn tâm niệm Thầy vẫn sống mãi và những lời giáo huấn, sự dặn dò của Thầy về những hoài bảo cùng xây dựng và phát triển văn hóa- âm nhạc dân tộc luôn ở bên tai chúng tôi. Buổi tưởng niệm như hôm nay là để nhắc lại những kỷ niệm và làm sáng đẹp những giá trị văn hóa, cũng như khơi sáng tinh thần truyền lửa của GS. Khê”.
Anh Hồ Nhựt Quang chia sẻ mong muốn ngày giỗ của GS Trần Văn Khê không còn là việc cúng giỗ bình thường nữa mà phải trở thành ngày hội văn hóa, mời kết đoàn xây dựng tình yêu thương, chia sẻ học tập và xây dựng cuộc sống của chính mình cũng như chung tay xây dựng xã hội một cách văn minh, sống lại bản sắc văn hóa cao đẹp của dân tộc.
Trong chương trình, nhiều kỷ niệm về GS Khê lúc sinh thời được những người bạn vong niên, các thế hệ học trò chia sẻ với sự trân trọng và đầy tình cảm cùng sự yêu thương, kính trọng.
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương rơi nước mắt khi đọc bài thơ của GS Trần Văn Khê.
TS Nguyễn Nhã đã chia sẻ những điều đáng nhớ về những ngày GS Khê về nước. Ông còn chia sẻ thêm, trong năm nay, những người đã nhận di nguyện của GS.TS Trần Văn Khê sẽ cố gắng thực hiện đúng những gì mà GS Khê mong muốn.
Ngoài những chia sẻ, chương trình còn có những tiết mục biểu diễn do các thành viên trong CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam Bộ đã diễn lại nhiều tác phẩm lịch sử như Tiếng súng cô Giang, Khóc Võ Tánh, Câu hò dành tặng thầy Khê, điệu hò ru con của nghệ sĩ Cao Minh Hiền... hòa vào tiếng đàn sâu lắng của nghệ sĩ Hải Phượng và Nguyễn Thi, Hải Minh tạo sự xúc động lớn với người tham dự.
Tiết mục "Khóc Võ Tánh"
Nghệ sĩ cải lương Xuân Lan hát bài vọng cổ "Tiếng hò dành tặng thầy Khê".
Cuối chương trình, khách mời dâng hoa cúc tượng trưng tinh thần khí tiết yêu nước nồng nàn của GS Khê.
Những người yêu thích các môn nghệ thuật dân tộc đều dành sự kính yêu, trân trọng với GS Trần Văn Khê đã có mặt trong buổi lễ để gửi đến hương hồn GS những tiết mục biểu diễn ý nghĩa nhất.
Bài & ảnh: Băng Châu