1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Gặp lại Ái Vân

Cuối năm, chị lại về nước. Để hát. Để có dịp chăm sóc người cha già trong căn nhà mà chị mới mua ở TPHCM. Để gặp lại "xưa cũ" Hà Nội và tưởng chừng như mình chưa từng đi xa trở về...

Cuộc trò chuyện chiều cuối năm giữa chị và vài người từng biết và mến mộ chị, không có gì đặc biệt nhưng cũng đủ làm mắt chị ngân ngấn. 

 

 “Chị đẹp hơn cả tưởng tượng…” - Tôi thầm thốt lên khi nhìn thấy Ái Vân. Đối diện là GS Trần Thanh Minh, nguyên hiệu trưởng Đại học Đà Lạt - thời Ái Vân nổi nhất, bên phải là một người học trò của ông. Chắc chắn, cả hai người đàn ông đó đều là fan hâm mộ Ái Vân - ngày xưa và cả bây giờ.

 

“Đuôi tóc vểnh, “highlight”. Gương mặt như thể không hề bị những “cú đấm của thời gian”. Gò má trắng mịn điểm chút phấn màu cam, cặp mắt to mở lớn, mũi như dân “không thuần chủng”, môi có “nụ”, nói cười trông càng duyên...”

 

“Thời đó, Ái Vân diện quần kaki trắng, áo satanh nõn chuối đi xe Peugeot 104 màu cá vàng -  thật là sáng cả một góc trời, khiến cho hai hè phố dõi theo, mơ mộng…”

 

Đó là những câu “tả” của nhà báo Dương Phương Vinh trong bài báo có tựa đề “ Hậu vận của hồng nhan” viết hồi năm ngoái khi Ái Vân về nước biểu diễn nhân kỷ niệm 20 năm Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương. Vẫn là về theo lời mời của “anh Bình” -  nghệ sĩ Trần Bình - một trong những người hùng của đời chị.

 

Bốn người chúng tôi - thêm cả cậu phóng viên nhiếp ảnh - khó tin rằng, người phụ nữ trước mặt mình năm nay đã vào tuổi tri thiên mệnh và từng bước qua bao nhiêu trầm luân của một kiếp người…

 

Dân ca

 

Người học trò của GS Trần Thanh Minh bật máy tính mở lại bài hát ngày xưa Ái Vân thường hát. Giọng hát trong vắt một thuở vang lên…

 

Tôi nhớ chị hát bài này năm 1970 hay 1971 gì đó. Hồi đó, có nhiều ca sĩ hát bài này nhưng tôi vẫn nhớ mỗi lần nghe qua đài, không cần nghe giới thiệu tôi cũng nhận ra đó là giọng ca của chị. Nghe nhiều, thấy chị có một chất giọng rất riêng khi hát dân ca; khó có thể diễn tả một cách rõ ràng là cái chất riêng nó là cái gì nhưng chỉ cảm nhận là chất giọng của chị ngày đó có chất nhựa, có một độ rung thật đặc biệt. Nếu bây giờ hát lại, không biết độ rung đó có còn không.

 

Bài hát đó gần 40 năm nay rồi… (Giọng ca sĩ Ái Vân run run). Mỗi lần nghe lại như thế này lại có có cảm giác nhớ ghê gớm một gì đó đã ăn sâu vào trong máu thịt.

 

Nhớ những làn điệu dân ca đã từng ngấm vào mình. Nhớ lại cái thời điểm mà mình đã hát những bài hát này - đó là những ngày gian khổ, nhưng mình không cảm thấy cái khổ đó, vẫn mong có những ngày khác, vẫn nhìn về tương lại, vẫn thấy lạc quan.

 

Và bây giờ ngẫm lại thì thấy sự lạc quan, niềm tin đó của mình là không sai bởi cuộc sống bây giờ đang đi lên, đổi khác rất nhiều.

 

Ở bên đó, có lúc nào bên đó chị hát lại những bài dân ca hồi xưa vẫn hát và bà con Việt Kiều có nhu cầu nghe không?

 

Có chứ. Vân đã “trình làng” bên đó bằng bài “Em đi Chùa Hương”, “Tát nước đầu đình”…Thành ra bà con bên hải ngoại có ấn tượng là Vân chỉ hát dân ca bắc Bộ, cứ trông đợi Vân mặc áo tứ thân hát và buổi diễn nào người ta cũng yêu cầu bài “Em đi chùa Hương”.

 

Còn ngày xưa mình hát dân ca Nam bộ nhiều hơn. Các điệu lý  không dám nói là biết hết nhưng biết nhiều lắm. Mỗi lần hát dân ca, lại nhớ má nhiều hơn. Má quê ngoại ở Long Thành, Bà Rịa rồi lại làm việc ở Uỷ ban kháng chiến Nam bộ. Vì sống trong không khí đặc sệt chất Nam bộ như vậy nên cả mấy chị em đã gọi bậc sinh thành là Ba Má theo kiểu miền Nam.

 

Trong gia đình chị, như Ái Xuân hát dân ca Nam bộ nhiều hơn?

 

Vì Ái Xuân ca cải lương mùi mẫn hơn, giọng khoẻ hơn.

 

Hồi đóng bộ phim “Chị Nhung” là lồng tiếng hay là tiếng thật của mình?

 

Tiếng thật. Ngày xưa nói tiếng Nam có “lời” lắm vì hay được sử dụng.

 

Nếu được quyền chọn lựa, không có độc giả, không có khán giả yêu cầu, chị sẽ chọn gì?

 

Dân ca. Thực ra, trong ý thức thì bao giờ cũng thích hát nhạc nhẹ hơn. Nhưng cái mà nó bộc phát, tự phát ra như từ trong máu vậy là dân ca. Khi hát dân ca, cảm thấy mình trẻ lại. Dân ca cứ như là đã ngấm vào mình vậy. Từ khi còn bé hát dân ca rất tự nhiên, như là khí trời vậy.

 

Hà Nội

 

Cảm giác của chị thế nào khi mỗi lần về Hà Nội, gặp lại những người của thế hệ sinh năm 60, 70 trở về trước và họ đối đãi như thể chị chưa từng đi xa và trở về?

 

Thường thì mình có hai cảm giác: Một là về Hà Nội với những gì thân thương nhất, một cách rất tự nhiên. Như là mình chưa từng đi xa. Khi gặp lại người Hà Nội, cảnh vật Hà Nội, lối sống Hà Nội, gặp bạn bè thân, mình thấy thời gian và không gian hình như không có tác động gì cả.

 

Thứ hai là khi gặp lại những con phố và lớp trẻ và nhìn thấy sự thay đổi nhiều quá - tất nhiên là  những thay đổi cần phải có, thì mình cảm thấy: Ồ mình là người Hà Nội xưa rồi, mình là người cũ rồi, và thấy bỡ ngỡ.

 

Nhưng là sự bỡ ngỡ thoáng qua thôi. Thế rồi khi gặp lại những người Hà Nội hoặc những người có một chút gì đó liên qua đến Hà Nội thì lại thấy mọi thứ không có gì thay đổi, rất đỗi bình thường. Gặp lại bạn cũ thì vẫn tán dóc, vẫn nhắc lại thời xưa. Không hề nghĩ gì mình đã trải qua mấy chục năm, mình ở đâu, mình thuộc lứa tuổi nào mình đã đi xa, mình đã là gì…

 

GS Trần Thanh Minh: Có bao giờ Vân quay trở lại những quán café cũ không?

 

Không, thưở xưa đâu có biết uống café. Vân chỉ đi ăn bánh tôm Hồ Tây, ăn bún ốc ở Phù Đổng Thiên Vương, ăn sen dừa ở Bà Triệu, Lý Thường Kiệt. Nhưng mọi thứ bây giờ cũng thay đổi nhiều quá.

 

GS Trần Thanh Minh: Đầu năm 2008, Vân có thể về Đà Lạt để dự kỷ niệm 30 năm Đại học Đà lạt không?

 

Cũng có thể. Vân đã từng gắn bó với Đà Lạt và Nha Trang nhiều. Vân vẫn nhớ chiếc xe ô tô màu vàng đã đón mình từ sân bay đến với giảng đường Đà Lạt…

 

(Hồi đó, khi còn là hiệu trưởng Đại học Đà Lạt, chính GS Trần Thanh Minh là người mời những nghệ sĩ lớn như Ái Vân đến với sinh viên Đà Lạt. Và khi đó, nhiều học trò của ông đã được tận mắt chứng kiến ca sĩ Ái Vân, người mà mình từng ngưỡng mộ hát tại trường).

 

Vinh quang

 

GS Trần Thanh Minh: Hồi Vân nhận bằng và cúp ở Dresden (Đức) (với hai bài hát: Bài ca xây dựng (Hoàng Vân) và Mặt trời chưa bao giờ mọc như thế - Bài hát Đức) thì mình đang ở Nga. Một hôm ngồi ăn cơm ở nhà một vợ chồng ông GS, ông ta  bảo: Nước anh có một cô gái đẹp quá, tên là Ái Vân… Vân còn giữ được những lá thư của khán giả lúc đó không?

 

Ba năm sau, Vân vẫn còn nhận được hàng ngàn lá thư của khán giả bên Đức gửi chúc mừng sinh nhật thế mà rồi không giữ được.

 

Chị có lưu lại những bài hát và những bài báo về giải thưởng gọi là đỉnh cao hồi đó của mình không?

 

Hồi Vân đoạt giải thì báo chí cũng quan tâm nhưng hồi đó không có ý thức để giữ nên cho mượn báo rồi rồi thất lạc. Vả lại, do hoàn cảnh di chuyển nhiều quá nên chỉ còn giữ lại cái bằng và vài bài báo, cái Cúp.

 

Vân cũng còn không giữ lại được cả băng ghi bài hát mình hát được giải. Nghe nói Đài truyền hình đã mua bản quyền để phát lại nhưng cũng không giữ được. Mình cũng đã từng nghĩ đến chuyện liên lạc với cung văn hoá ở Dresden xem thử còn lưu giữ cái gì không nhưng nước Đức cũng đã thay đổi. Cũng không biết phải bắt đầu từ đâu để tìm lại…

 

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm