Gặp “chuyên gia” làm thơ về cầu ngói Thanh Toàn

(Dân trí) - Đến làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) hỏi thăm cô Nguyễn Thị Kình, ai cũng bảo: “Dì nớ vẫn bán nước bên góc sông Như Ý, đoạn chân cầu ngói đó. Ngày mô dì cũng đọc thơ của dì làm cho mọi người nghe đó”.

Bán nước mưu sinh, làm thơ miễn phí

Có một đôi trai gái vào quán uống nước, cô Kình rất nhanh nhẹn đã “đãi” họ một bài thơ “giải khát”:

Quê em có khóm trúc vàng

Chiếc cầu gió mát Thanh Toàn gọi tên

Xin anh nhớ mãi đừng quên

Dòng sông Như Ý nối liền sông Hương

Xa nhau em nhớ, anh thương

Nhủ lòng hai chữ chung đường chờ nhau

Với lời nhắn nhủ nhẹ nhàng “chờ nhau”, cũng là một lời chúc phúc, cô đã lấy được cảm tình của đôi bạn trẻ.

Cô Nguyễn Thị Kình vốn là người phường An Đông nhưng năm 16 tuổi đã theo chồng về làng Thanh Thủy Chánh và gắn bó cho đến bây giờ. Cô có ba người con, đứa con út cũng đã 28 tuổi. Máu mủ ruột rà của cô ở đây, chừng đó cũng đủ khiến cho cô có mối thâm giao với mảnh đất quanh năm lồng lộng gió này. Cô Kình tâm sự: “Dì thích thơ văn từ nhỏ nên cũng hay sáng tác vài bài cho vui. Ngồi bán nước ở đây, nhìn ra thấy cầu, sông và cánh đồng nữa, đẹp quá… con thấy không…phải làm thơ thôi!”.

Gặp “chuyên gia” làm thơ về cầu ngói Thanh Toàn
Chị Nguyễn Thị Kình - "chuyên gia" làm thơ về cầu ngói Thanh Toàn là người bán hàng nước bên cây cầu ngói độc đáo xứ Huế

Cô làm thơ thường theo ngẫu hứng. Trước đây vì còn phải lo lắng cho con cái nhiều nên cô không có thời gian. Chỉ 2 năm trở lại đây, khi con cái đã ổn định thì cô mới bắt đầu sáng tác thường xuyên. Cô có một quyển sổ tập hợp những bài thơ của mình nhưng lại đứt quãng nhiều vì cô ít khi ghi lại. Cô nói rằng: “Dì cứ nhìn cảnh rồi làm. Lẩm nhẩm vài lần là thành bài rồi thuộc luôn. Ai thích nghe thì tới đây dì đọc cho nghe chứ viết ra làm gì…”. Rồi cô lại đọc: Quê anh có chiếc cầu xinh/ Chiếc cầu rất đẹp uốn mình bắc ngang/ Tên gọi cầu ngói Thanh Toàn/Về cầu gió mát ngắm bảo tàng cây xanh/ Em về cầu ngói quê anh/ Nếu em không biết anh xin đưa về.

Cầu ngói Thanh Toàn
Cầu ngói Thanh Toàn

Được biết, các khóa sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Khoa học và Đại học Sư phạm Huế thường về đây xin cô Kình hò cho nghe những điệu hò Huế, những câu đối đáp của trai gái ngày xưa.... Thanh Nga (sinh viên năm 3, ĐH Khoa học Huế) cho hay: “Bọn em học văn học dân gian nên khi tìm tư liệu, muốn cụ thể và đa dạng thì về những chỗ như thế này là hợp lý nhất. Các mệ, các dì ai cũng giỏi hò lắm, nhất là cô Kình”.

Còn yêu thì nói thẳng

Cô Kình tâm sự: “Bán nước ở đây cũng trầy trật lắm. Mình chỉ bán được mùa hè và dịp Festival thôi. Nhiều lần lãnh đạo tỉnh mời dì qua Bảo tàng nông cụ làm để giới thiệu văn hóa hò Huế, nhất là hò giã gạo nhưng dì từ chối. Vì bán quán nước thì dì được tự do làm thơ hơn. Thơ của dì cũng là để giới thiệu một chút “đặc sản” quê mình đó chứ mô”.

Đường vào cổng làng Thanh Thủy Chánh nơi có cây cầu ngói Thanh Toàn và chị Kình làm thơ cầu ngói
Đường vào cổng làng Thanh Thủy Chánh nơi có cây cầu ngói Thanh Toàn và chị Kình làm thơ cầu ngói

Ai đó từng nói “người làm thơ luôn trẻ”, thì ở người phụ nữ này dù đã 53 tuổi nhưng vẫn rất sung sức khi sáng tác và không ngừng quảng bá hình ảnh cầu ngói Thanh Toàn và con người xứ Huế. Cốt cách dịu dàng, mơ mộng, thủy chung nhưng cũng rất cá tính và vui vẻ, không suy tính thiệt hơn được thể hiện qua những bài thơ cô làm:

Bước xuống Thanh Toàn bóng ngả chiều

Tiếng chim cuốc cuốc gọi hoang liêu

Nhìn Như Ý xuôi xuôi dòng nước

Thấy Thanh Toàn ôi thật quá yêu

Yêu là thế, mơ mộng là thế nhưng cô vẫn rất tỉnh táo để đưa ra những thực trạng còn tồn tại ở đây. Ngày ngày bán nước, nhìn thấy và cũng nghe nhiều người than thở về việc nhiều người vô ý thức cứ ngủ trên cầu vừa làm mất mĩ quan, vừa làm cho khách du lịch tới không có chỗ ngồi, cô làm ngay một bài:

Đường về cầu ngói quê tôi

Hôm nay trời nắng, mồ hôi chảy dài

Chiếc cầu có một không hai

Người nghiêng, kẻ ngả, nằm dài thẳng lưng

Xa đường bước đến nghỉ chân

Nhìn qua, ngó lại bâng khuâng trong lòng

Nhiều người vẫn vô ý nằm ngủ vạ vật trên cầu gây mất mỹ quan và không có chỗ cho du khách 
Nhiều người vẫn vô ý nằm ngủ vạ vật trên cầu gây mất mỹ quan và không có chỗ cho du khách 

Hay như việc đề cập đến con đường dẫn về cầu ngói xuống cấp, toàn ổ gà ổ voi khiến cho nhọc lòng khách đến, chẳng vừa lòng khách đi, cô cũng than thở:

Đường về cầu ngói Thanh Toàn

Bữa nay xuống cấp rõ ràng, không sai

Đường hư chẳng biết hỏi ai

Hỏi tôi, tôi biết ai sai trả lời?

Phải yêu lắm, quý lắm và gắn bó lắm thì cô mới có được mong mỏi rất chân thành và bức thiết: Mong sao quý cấp quan tâm/ Mặt hoa da phấn để bầm… tiếc thay! Cô còn chia sẻ: “Dì làm thơ rồi hay ngồi đọc và kể chuyện ngày xưa cho khách nên nhiều khi chồng dì cũng nhắc nhở “bán nước thì lo bán nước thôi chứ thơ văn gì, mất thời gian”. Thế nhưng mình lỡ nặng nợ với thơ rồi, bỏ làm răng được…”.

Những hàng cây rợp bóng mát xanh rất thanh bình dẫn về cầu ngói Thanh Toàn
Những hàng cây rợp bóng mát xanh rất thanh bình dẫn về cầu ngói Thanh Toàn

Chia tay “chuyên gia”, chúng tôi trở về mà hành trang nặng trĩu. Nặng cả tấm chân tình của cô, nặng cả hình ảnh đẹp về cầu ngói trong thơ cô và trong mắt những du khách một lần ghé tới nơi này. Tiễn khách bằng nụ cười dài, chúng tôi biết sẽ còn gặp lại chị Kình - người phụ nữ thầm lặng đã “góp vốn” gầy dựng nên cầu ngói Thanh Toàn.vào những lần ghé thăm ngẫu hứng sắp tới.
 

Cầu ngói Thanh Toàn cách thành phố Huế 8km về phía Đông Nam, thuộc làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, Huyện Hương Thủy. Cầu được xây dựng vào năm 1776 do bà Trần Thị Đạo (người làng Thanh Thủy Chánh, vợ của vị quan đầu triều thủ phủ xứ Thuận Hóa) bỏ tiền ra để giúp dân có chỗ nghỉ chân. Cầu có kết cấu bằng gỗ, kiểu thượng gia hạ kiều (trên nhà, dưới cầu), dài 43 thước mộc (18,75m), rộng 14 thước mộc (5,82m) và chia làm bảy gian, hai bên thành cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi dựa lưng. Đây là di tích cấp quốc gia được nhà nước công nhận năm 1990. Hàng năm, nơi đây thường diễn ra hội chợ quê và trò chơi đánh bài chòi vào các dịp lễ Tết, lễ tưởng nhớ bà Trần Thị Đạo, lễ hội Festival Huế.

 
 


Ngọc Bích - Đại Dương