1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Gala Cười 2005: Sống lại SV'96?

Gala Cười 2005 sẽ khai màn vào hôm nay (23/7) bằng một sêri "Sinh viên cười" dự kiến kéo dài trong một tháng, với sự tham gia của 8 trường ĐH tại Hà Nội. Sẽ sống lại SV'96?

Kể từ SV'2000 - gắng gượng không thành công sau SV'96, trên sóng truyền hình hầu như không còn sân chơi nào đặc thù cho SV. Gala Cười SV lần này vì vậy được hy vọng sẽ góp phần làm sống lại phần nào không khí sôi động của SV'96 thông qua những tiểu phẩm hài mà họ mang đến, dù ở quy mô nhỏ hơn. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải trò chuyện:

 

Đây có phải là một cách để khắc phục tình trạng "nhẵn mặt" diễn viên hài chuyên nghiệp?

 

Một phần là vậy, khi diễn viên hài của ta quanh đi quẩn lại chỉ được bấy nhiêu. Song trên hết, hy vọng của chúng tôi là tìm kiếm từ các bạn trẻ một cái nhìn riêng có ở họ, thông qua những chuyện kể từ giảng đường mà họ là người hiểu hơn ai hết. Đây cũng là một mảnh đất mà hài lâu nay còn ít chạm đến.

 

Không ít chương trình do các cây hài chuyên nghiệp "gánh" mà còn bị kêu, trong khi đây chỉ là hài nghiệp dư?

 

Quả thực đó cũng từng là nghi ngại lớn nhất của chúng tôi. Vào cuộc lại càng cảm nhận rõ những khó khăn để có thể "chuyên nghiệp hoá" nó. Chẳng hạn như với diễn viên chuyên nghiệp, chúng tôi chỉ cần tập trong khoảng 3 - 4 buổi, nhưng đây, có khi phải tập từ 1 - 2 tuần, lại còn phải tập sau giờ các bạn lên lớp. Kịch bản nhiều khi chỉ là những phác thảo, ý tưởng thô ráp và phải dụng công chỉnh sửa.

 

Tuy nhiên, qua những số mà chúng tôi đã ghi hình được - dù chất lượng không hẳn đồng đều, cũng đã có một số tiểu phẩm xem được. Thậm chí, không thua kém bao nhiêu so với diễn viên chuyên nghiệp. Chẳng hạn như "Hồi sinh" của ĐH Kinh tế quốc dân - một cái nhìn thẳng và mạnh vào những mặt trái, tệ nạn trong thế giới giảng đường như: Sống thử, đua xe, thuốc lắc...

 

Vì sao không có sự tham dự của SV TPHCM và các vùng miền?

 

Cũng vì những kỳ công nói trên, mà tạm thời chỉ có thể làm một vệt thử nghiệm ở Hà Nội để rút kinh nghiệm. Nếu "thắng", có thể sẽ mở rộng quy mô cuộc chơi.

 

Chương trình có tính chất thi thố như SV'96 không?

 

-Mỗi chương trình sẽ gồm 3 tiểu phẩm (15 phút/tiểu phẩm) của 3 trường. Sau mỗi chương trình, sẽ có 4 "diễn viên" được bầu chọn. Một học bổng tiếng Anh trị giá 5 triệu đồng sẽ được trao cho người xuất sắc nhất trong số này. Gala Cười SV sẽ gồm 4 số, vậy sẽ có 4 học bổng được trao.

 

Và sau đó, các cây hài chuyên nghiệp sẽ vào cuộc?

 

Đúng vậy. Và nét mới của Gala Cười lần này là ngoài các tiểu phẩm, còn có các hài kịch ngắn (khoảng 45 phút) do các nhà hát tham dự, được dàn dựng bài bản hơn. So với tiểu phẩm, các hài kịch ngắn này - theo tôi - dễ có những khoảng lặng cần thiết để khán giả có thời gian suy ngẫm sâu hơn.

 

Đã có giải pháp nào cho việc bí kịch bản?

 

Cộng tác thường xuyên với chúng tôi hiện nay chỉ có 3 tác giả. Nhuận bút cho kịch bản hiện nay lại chưa giàu tính khích lệ (chỉ 2,5 triệu/chương trình 35 phút). Khai thác kịch bản "ngoại" thì e đụng phải Công ước Berne. Vì vậy, tiếp theo đây, rất có thể "Gặp nhau cuối tuần" sẽ phải được thay thế bằng giải pháp mua bản quyền một chương trình nào đó của nước ngoài.

 

Với một show game âm nhạc thì dễ, nhưng với một chương trình hài thì chưa chừng. Friends đã phải ngừng phát sóng vì khán giả... không cười?

 

Vì tiếng cười cần một đời sống riêng của nó, ví như sự đồng điệu về văn hoá, lối sống... Charlie Chaplin là hài tình huống, Mr. Been là hài hình thể, Friends là hài ứng xử... Khán giả mình, tôi nghĩ là dễ cười với hài tình huống và lời ăn tiếng nói hơn.

Theo Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm