Easola Thủy: Người đàn bà múa
Easola Thủy mang trong mình nửa dòng máu Việt, gốc Gia Lai, nơi một phần gia đình chị hiện vẫn chăm chỉ với những nương rẫy cà phê. Đó cũng là nơi để tố chất của một Tây Nguyên hoang dã với những điệu múa, điệu nhảy của cô bé thuở lên 9, 10 trong cánh rừng, triền đồi đã cất cánh cho chị ước mơ đến với nghệ thuật múa..
Và chị, trong tâm thế của một người sáng tạo sẵn sàng đi khắp thế giới để tìm chất liệu cho cảm hứng nghệ thuật của mình, thi thoảng, lại xuất hiện trên đường phố Hà Nội, hay ẩn mình trong một căn nhà nhỏ nào đó giữa lòng thành phố, giữa bộn bề ý tưởng và ngổn ngang máy móc điện tử để lại tự thực hiện âm thanh, âm nhạc, tiếng động cho các vở múa của mình...
Hễ chị xuất hiện ở đâu, ở đó xuất hiện ngay những ánh mắt tò mò ngưỡng mộ và thán phục. Và cũng có không ít những ánh mắt dõi theo từng bước chân chị, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một nữ nghệ sĩ mà dường như càng qua thời gian, trái ngược với quy luật tự nhiên, nhan sắc ấy càng mặn nồng, quyến rũ. Người phụ nữ ấy là Easola Thủy - nữ nghệ sĩ người Pháp gốc Việt, người được mệnh danh là "Người đàn bà múa"...
Bước vào tuổi dậy thì, Easola Thủy theo mẹ, một người phụ nữ gốc Pháp mà chị được thừa hưởng nhiều vẻ đẹp khác nhau, một chút Hungari, một chút Pháp, một chút Ba Lan, về Pháp khi mẹ chị bị bệnh. Những người biết Easola khi lần đầu tiên chị trở về Việt Nam sau nhiều năm xa quê hương ấy đều có chung nhận xét: "Đó là một thiên thần". Đấy là người ta mới chỉ nói về vẻ đẹp thời thiếu nữ. Sau này, vẻ đẹp ấy của chị đã được cộng hưởng với tài năng, tỏa sáng không biết đến không gian, thời gian.
Có thể nói, Easola Thủy là một con người có thiên bẩm cũng như con đường đến với nghệ thuật rất đặc biệt. Lần đầu tiên chị đến với nghệ thuật trong một quyết tâm cũng rất "đặc biệt" ấy là khi chị treo tóc mình trên đường phố Paris, tạo hình ảnh ấn tượng về "một sinh linh ở trên thế gian này, đến từ xứ sở xa xôi, hiện diện ngay giữa trung tâm Ánh Sáng". Sau một thời gian tạo hình ảnh nghệ sĩ đường phố độc đáo như thế, Easola được các trường nghệ thuật trải thảm đỏ chào đón và chị đã chọn Trường múa Hoàng gia Paris.
Con đường từ trường múa trở thành một thành viên của câu lạc bộ biên đạo múa thế giới của Easola đi khắp thế giới, từ châu Á, châu Phi... Kỷ niệm 200 năm nước Pháp, chị đã từng dẫn đầu một đội múa, múa trong 20 tiếng đồng hồ đi từ ngục Paxti đến Khải hoàn môn. Chị đã từng đưa bộ lạc người Pít mê lên sàn múa, và sau này, khiến vị tù trưởng của bộ lạc người lùn, đứng chỉ ngang thắt lưng của Easola mê đắm chị, chỉ ao ước được giữ chị lại làm vợ.
Nếu nhìn Easola bằng con mắt của một người đàn ông, hẳn sẽ không ít người cũng chung ao ước ấy. Nhưng nếu nhìn bằng con mắt của một người bình thường, không hướng về giới tính thì sao? Đó là sự khâm phục sức mạnh và ý chí làm nghệ thuật của một người không chỉ ỷ lại vào nhan sắc, và chính vì thế mà nhan sắc của chị càng sang trọng, lộng lẫy.
Năm 1993, sau chuyến trở về VN tìm chất liệu, Easola đã đưa 13 cụ già nông dân hát chèo ở 2 làng Thượng Liệt và An Khê, cái nôi cho chèo truyền thống Thái Bình lên sân khấu thế giới với Hạn hán và Cơn mưa I. Một loại hình nghệ thuật múa thoạt tiên tưởng nó là nghệ thuật Buttoh Dance (Nhật Bản), nhưng kỳ thực, trong sự khám phá nội tâm cá nhân, hoàn cảnh, quá khứ, nhân cách, văn hóa, giáo dục... của từng cá nhân.
Nó đã vượt thoát ra ngoài những quy củ nghệ thuật thường thấy, nó là "bài thơ vô tận" - trường phái mà Easola gọi tên nghệ thuật của mình, đã khắc họa văn hóa Việt ở một đẳng cấp bác học, hàn lâm từ chính những chất liệu dân gian - bình dân. Thế đấy, thế đấy, Khúc cầu nguyện, Cánh đồng âm nhạc, Hạn hán và Cơn mưa II... - mỗi tác phẩm là một sự mới mẻ và ngạc nhiên mà người đàn bà múa ấy mang lại cho công chúng nhiều nước trên thế giới.
Nhưng ít ai biết rằng bên ngoài một ngọn gió Easola cuốn đi như lốc trên sân khấu, khi chị là diễn viên, bên ngoài một nữ biên đạo nghiêm túc với cái nhìn tổng quát và tài năng đa dạng, tự mình tạo dựng một vở múa không chỉ ở ý tưởng mà còn có ở cả âm thanh, ánh sáng... Easola còn là một người... khó tính.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, người đến nay đã chụp hàng trăm kiểu ảnh về Easola kể: có nhiều khi chị không đồng ý cho mọi người chụp mình, thì nhất định không ai được vi phạm nguyên tắc ấy. Chị cũng là người đầu tiên mà sau khi chụp ảnh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đã đồng ý gửi lại toàn bộ phim cho chị - đó là lần nữ biên đạo tạm biệt những diễn viên của mình, "khóc như mưa" với những cụ già "răng đen, mắt toét" sau Hạn hán và Cơn mưa I.
Một lần, trong một chuyến theo chân Easola về Thái Bình tìm những người nông dân ấy, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đã phải bàng hoàng khi thấy chị vì tập quá sức bị ngất xỉu phải nằm truyền huyết thanh. Nhưng ngay sau khi tỉnh, chị liền rời giường lao vào sàn tập ngay lập tức. Ông đã liên tục bấm máy về Easola lúc ấy trong một cảm xúc chưa từng có.
Và có lẽ, cũng ít ai biết, bên trong cơ thể của người phụ nữ làm việc không ngơi nghỉ ấy, là rất nhiều sắt thép, di chứng của một tai nạn ô tô khi chị đang còn trẻ khiến mỗi lần trở trời trái gió chị đều rất đau đớn...
Kể chuyện về Easola Thủy, nhà văn Ngô Thảo "kết luận": "Đó thực sự là một người phụ nữ đẹp, chữ đẹp ở đây nên viết hoa, cả ở tâm hồn, con người và tài năng". Và theo tiết lộ của ông, một trong những điều mà người phụ nữ đẹp - người đàn bà múa ấy đến nay còn ấp ủ, là một cuốn tiểu thuyết chưa viết xong. Chắc hẳn, trong cuốn tiểu thuyết ấy, sẽ có rất nhiều bí mật hấp dẫn chúng ta, như chính tác giả đã luôn hấp dẫn chúng ta dõi theo bước chân trên mỗi chặng hành trình của chị...
Theo Đời Sống & Gia Đình