Duy Mạnh: Ông hoàng không ngai của nhão nhạc!

Sở hữu một chất giọng nhão độc nhất vô nhị nhưng Duy Mạnh có lo lắng khi nhiều phiên bản giống mình liên tục ra đời?

Lên "ngôi" chưa đến 2 năm, ông hoàng nhão nhạc Duy Mạnh đã trải bao biến cố và thăng trầm. Những kẻ đi sau nhưng làm nhạc giống như Duy Mạnh liên tục khuynh đảo thị trường bằng những bài hát còn nhão hơn cả tiền bối! Từ những ca sĩ vốn dĩ thích dòng nhạc này như Lưu Chí Vỹ, Gia Huy, Hoàng Châu... đến những ca sĩ được coi là nghiêm túc như Phan Đinh Tùng, Tuấn Hưng cũng nhập cuộc nhão nhạc. Dù bản thân Duy Mạnh đã tạm lắng dịu so với thời điểm năm 2005 nhưng hiện tượng nhão nhạc do anh khai phá vẫn đang mạnh lên từng giờ.

Sau hai năm danh tiếng lẫy lừng giữa dòng nhạc thị trường, Duy Mạnh đã thõa mãn?

Tôi chỉ nghĩ mình đạt được đến một mức độ thành công nào đó thôi, ai ngờ hơn cả sự mong đợi. Thật sự tôi rất choáng ngợp nhưng nghĩ lại nó cũng làm tôi hài lòng.

Có người gọi nhạc thị trường là nhão nhạc, Duy Mạnh có bị sốc không?

Nó rất choáng ngợp nhưng rất may là đến 30 tuổi tôi mới bị choáng như thế này. Tuổi 30 phần nào cho tôi sự chín chắn trong suy nghĩ và kiến thức. Nếu tôi thành công lúc còn nhỏ tuổi quá chắc sẽ đi đập phá cho thõa mãn những ngày gian khổ. Ở tuổi này tôi cũng có đi chơi nhưng để tiếp bạn bè và cho mình thêm kinh nghiệm sống.

Nhiều bầu sô than rằng Duy Mạnh hét giá cao quá, điều này có nằm trong sự tính toán của một người đã ngoài 30 tuổi không?

Chuyện giá cao không phải mình tôi mà ca sĩ nào cũng cao. Cứ nhìn vào lượng khán giả vài nghìn người, mình không lấy tiền cao thì... vào túi bầu sô hết! Mình làm cách nào bầu sô có lời mà mình cũng đủ kinh phí trang trải. Nghề hát này ngắn lắm, lại phải đầu tư nhiều cho công việc. Nếu không ai biết Duy Mạnh là ai thì tôi có thể làm album hời hợt? Bây giờ có tên có tuổi rồi, tôi phải làm chu đáo, cẩn thận hơn và đầu tư nhiều hơn. Bắt buộc cát-xê tôi phải cao thì mới đứng vững lâu được.

Nói cát-xê tôi cao đến 30 triệu đồng nhưng thực chất không phải lúc nào cũng lấy được đủ số tiền ấy. Đến nơi thấy vắng khách tôi chấp nhận lấy 5-7 triệu đồng, có khi hát không lấy tiền! Ca sĩ nào cũng đòi khăng khăng như thế chẳng bầu sô nào mời. Ai cũng có quyền đòi giá cát-xê cao, trăm triệu đồng cũng được nhưng người ta trả 2 triệu đồng cũng hát là chuyện bình thường. Điều tôi quan tâm nhất, đó là dẹp được nạn đĩa lậu. Đĩa lậu bán 1 triệu bản thì đĩa thật chỉ bán 1/1.000 con số đó. Chỉ cần giảm được đĩa lậu thì ca sĩ sẽ đầu tư nhiều hơn vào đĩa, chất lượng âm nhạc sẽ tăng ngay.

Duy Mạnh nghe qua đĩa có dấu ấn riêng nhưng có vẻ như Duy Mạnh vẫn chưa quen đứng trên sân khấu?

Thời gian đầu tôi bước lên sân khấu thấy ngại thật, bây giờ thì không. Mỗi người có một sở trường. Có ca sĩ nhảy múa rất đẹp nhưng không biết giao lưu với khán giả, còn tôi có thể vừa hát vừa nói lưu loát, vừa giao lưu rất tự nhiên. Còn tại sao nghe đĩa hay hơn nghe hát thật, đó là chuyện của cả thế giới này như thế. Hát trong phòng thu với dàn máy cả trăm ngàn đô phải khác xa hát với sân khấu máy móc vài ngàn đô. Đi tỉnh còn tệ hơn khi dàn âm thanh thuê có 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng, làm sao mà hay được? Muốn biết hay, chỉ có cách vào căn phòng nhỏ hát với một piano.

Duy Mạnh có thấy lo lắng khi ngày càng nhiều bài hát giông giống các sáng tác của anh?

Bài hát na ná như tôi, tôi... không biết. Có thể vô tình họ ảnh hưởng, không thành vấn đề! Nhưng có những cái họ bắt chươc hẳn thành ra lố bịch. Tôi nghe trên mạng có bài Kiếp lai rai, tôi thật sự không hiểu họ làm để làm gì? Bài nào về Kiếp... tôi đều chọn những vấn đề bị xã hội - nhà nước lên án và cần bài trừ. Lai ra cũng là một thú vui của con người, không thể gọi là Kiếp được. Tôi viết bài hát Phải chăng tôi yêu hai người, có diễn đàn nói tôi viết sốc, không đàng hoàng. Thật ra trong cuộc sống có những trường hợp như thế lắm chứ.

Ví dụ những người nghệ sĩ hay có máu đa tình. Những lúc đa tình làm họ phiêu hơn, lãng mạn hơn nhưng rất đẹp vì được bao bọc trong tâm hồn. Trừ khi nào sự đa tình đó vượt qua tâm hồn thành xác thịt, không còn trong sáng nữa thì mới đáng lên án. Một bài hát xuất phát từ tâm trạng thật của tôi, từ một phút xao lòng chứ chẳng phải tôi muốn sốc. Tôi thấy có nhiều bài hát tựa rất sốc nhưng bên trong chẳng có gì, được diễn tả không duyên dáng.

Tôi không sợ bị sao chép vì điều đó thể hiện có nhiều người thích mình, hâm mộ mình. Ngày xưa, giọng hát rất đàn ông của Tuấn Ngọc đã mở ra một trào lưu bắt chước Tuấn Ngọc và đến bây giờ cũng vậy. Nhưng sau đó những người bị cho là giống Tuấn Ngọc có cái riêng của mình và phát triển thành phong cách riêng. Tôi thấy rất hay!

Theo anh, những sáng tác mang âm hưởng nhạc Hoa hay giống nhạc Hoa của VN có tồn tại lâu không?

Tôi thấy âm nhạc Việt Nam vẫn đang đi loạng choạng và búa xua. Chúng ta cứ lên án bắt chước nhạc Hoa mà chưa nhìn thấy nhạc Hoa nó đã đủ tầm đại diện cho cả châu Á. Cũng giống như nhạc Mỹ, nhạc Anh hay Pháp đại diện cho cả châu lục hoặc khu vực. Không chỉ Việt Nam mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc cũng viết giống nhạc Hoa! Ngay cả dân ca Việt Nam cũng có nhiều làn đêịu giống nhạc dân gian Trung Quốc. Nhiều người cũng quan niệm rằng cứ cái gì dùng nhiều gọi là phổ thông là bình dân và rẻ tiền còn cái gì ít người xài gọi là độc đáo, mắc tiền. Ai cũng phải chọn những gì thích hợp. Âm nhạc cũng là món ăn tinh thần, không thể bắt người ta thích theo ý mình.

Đời sống âm nhạc phát triển theo cuộc sống. Cuộc sống thời bao cấp ngày xưa khác xa với cuộc sống ngày nay. Ngày nay có nhiều chuyện giật gân, chuyện lạ, chuyện động trời nên bài hát cũng có những lúc phải sốc. Lúc đầu nghe bài hát Người đàn ông tham lam  tôi nghe rất ghét vì thấy nó trơ trẽn quá. Nhưng khi nhìn xung quanh mình, vài người bạn của tôi cũng tham lam như thế thì tôi cho rằng bài hát đó đáng có để lên án những người đàn ông trăng hoa bừa bãi!

Anh sáng tác những bài hát xã hội có phải với ý định gây chú ý?

Tôi thấy chúng ta có nhiều mâu thẫn. Những bài hát yêu đương phát trên mọi phương tiện rất nhiều còn những bài về tệ nạn lại không thấy. Như bài Kiếp đỏ đen, đoạt giải Làn sóng xanh nhưng khi trao giải lại không cho trực tiếp bài đó trên truyền hình. Bài hoàn toàn mang tính giáo dục chứ có gì xấu xa đâu! Bài Lời sám hối tôi viết rất chắc lọc, những tiếng lóng tôi đã bỏ đi để bài hát dễ hiểu và dễ nghe hơn nhưng vẫn có người chê nó thế này thế nọ. Vì vậy tôi rất hy vọng bài Lời sám hối của tôi, nếu có dịp trở lại, sẽ được tham gia vào cuộc bình chọn V-clip 45 của Đài truyền hình Bình Dương.

 Theo Vietnamnet