Đường bộ hành: Nét đẹp văn hóa mới
(Dân trí) - Du khách nước ngoài khi được hỏi về ấn tượng đối với Việt Nam, đã không ngần ngại thốt lên: cà phê và xe máy.
Văn hóa vỉa hè và sự thống trị của xe máy
Chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Pháp, Việt Nam – nhất là TP.HCM – mang đậm nét văn hóa đường phố. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở hình ảnh những quán ăn, quán cà phê ở lề đường. Mỗi buổi sáng sớm, hình ảnh những người đàn ông ngồi nhâm nhi tách cà phê, tay cầm tờ báo,… đã trở nên hết sức quen thuộc. Thậm chí, nhiều người sống ở miền đất phương Nam này thừa nhận, ngồi trên một chiếc ghế nhựa, trên tay là ly cà phê đá, ngắm nhìn dòng người ngược xuôi trên đường là một thói quen khó bỏ.
Nhiều người chọn cung đường Hồ Bán Nguyệt làm nơi tập thể dục mỗi sáng. Tác giả: Võ Nguyên Phú
Bên cạnh văn hóa vỉa hè, sự thống trị của xe máy trong bản đồ giao thông cũng là một nét đặc trưng “rất Việt Nam”. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, đến hết quý 1/2013, số lượng xe máy ở Việt Nam đã lên đến hơn 37 triệu chiếc, trong khi quy hoạch đến năm 2020 số lượng xe máy ở Việt Nam sẽ là 36 triệu. Theo như con số thống kê trên, bình quân 1,5 người sẽ có 1 chiếc xe gắn máy. Tỷ lệ này khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiêu thụ xe máy cực kỳ hấp dẫn, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Sự ưa chuộng xe máy của đông đảo người dân khá dễ hiểu. Đường phố chật hẹp đông đúc khiến cho xe máy trở thành phương tiện lý tưởng, có thể dễ dàng vượt qua những con hẻm chưa đầy 1m, “luồn lách” khỏi dòng xe cộ chen chúc cho kịp giờ làm. Ở các thành phố lớn, nhịp sống hối hả càng khiến cho xe máy trở thành “đôi chân” thật sự, giúp công chức đến văn phòng kịp giờ làm, các bạn sinh viên kịp giờ lên lớp, các bà nội trợ đến đón con đúng giờ,…
Văn hóa vỉa hè và xe máy chính là những hình ảnh đặc trưng về Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài. Tuy nhiên, đó cũng là những nguyên nhân khiến cho tình hình an ninh trật tự và vệ sinh môi trường trở nên xấu đi. Bên cạnh nét đẹp về văn hóa, sự bành trướng của các gánh hàng rong, các xe buôn bán lề đường,… khiến cho người đi bộ không còn lối đi. Sự tiện dụng của xe máy khiến cho đa số người dân chọn xe máy làm phương tiện di chuyển chủ yếu, khiến cho lượng khí độc hải thải ra môi trường tăng nhanh đến mức báo động.
Sự cần thiết của những con đường bộ hành
Ở các nước phát triển, phương tiện di chuyển công cộng và các con đường bộ hành luôn được khuyến khích bởi những lợi ích thiết thực về sức khỏe cũng như môi trường. Các nước phương Tây kêu gọi người dân sử dụng các phương tiện công công, xe đạp hoặc đi bộ để hạn chế tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường và tăng cường sức khỏe.
Tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cung đường Hồ Bán Nguyệt mỗi buổi chiều luôn tấp nập những người dân đi dạo, đi tập thể dục. Từ trung tâm thương mại Crescent Mall, đi qua Cầu Ánh Sao đến công viên Cảnh Đồi rộng 7ha, cung đường Hồ Bán Nguyệt thực sự là một trong những con đường bộ hành đẹp và an toàn nhất TP.HCM. Với thiết kế có khoảng lùi 3m, cung đường Hồ Bán Nguyệt đáp ứng tốt những khoảng không gian cộng đồng, thuận tiện cho việc mua sắm, tận hưởng dịch vụ, cũng như tổ chức các hoạt động cộng đồng. Khi được hỏi về quy hoạch những con đường đi bộ trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, ông Nguyễn Bửu Hội – Phó Tổng Giám đốc công ty Phú Mỹ Hưng – cho biết: “Một khu đô thị xanh, thân thiện với môi trường là mục tiêu mà Phú Mỹ Hưng luôn hướng đến. Để hạn chế việc sử dụng các phương tiện cá nhân, góp phần bảo vệ môi trường, trong quy hoạch tại Phú Mỹ Hưng cũng đã bố trí các dịch vụ tiện ích như nhà hàng, siêu thị, … chỉ trong bán kính 800m hay 10 phút đi bộ. Chúng tôi nhận thấy rằng, những con đường bộ hành chính là giải pháp thiết thực để tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe cho người dân”.
Vào ngày 23/3 tới đây, công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng phối hợp cùng trung tâm UNESCO tổ chức Giờ Trái đất. Đây là chương trình nằm trong chuỗi chiến dịch “Green Talk – Tiếng nói xanh” nhằm kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường của mọi người. |
Đức Kiên