Đức Hiệp và những giọt nước mắt…

(Dân trí) - Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo Kim Động- Hưng Yên. Cái nghèo đã ngấm vào máu, lặn vào trong những giấc mơ và chan đầy nước mắt của anh em tôi. Cái nghèo trở thành động lực để tôi phấn đấu, lao động không mệt mỏi.

Thơ ấu nhọc nhằn

 

Nhà tôi nghèo. Mặt trời bắt đầu rạng là bắt đầu một ngày lao động vất vả của cả gia đình. Đôi vai của mẹ tôi đã gầy lại thêm gầy. Đôi vai ấy đã làm quặn thắt trái tim tôi, làm cay xè đôi mắt tôi trong những đêm khó ngủ. Đôi vai ấy đã gánh biết bao khốn khổ, nhọc nhằn cho cha con tôi…

 

Cha tôi thời trẻ từng là một chiến sỹ cách mạng, tình nguyện đi B, vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Hòa bình lập lại, ông trở về với ba- lô con cóc trên vai vẻn vẹn hai bộ quần áo, nhưng ông bảo chiếc ba-lô ấy chất đầy kỷ niệm, chất đầy ký ức những trận chiến anh dũng, chất đầy niềm kiêu hãnh của một người lính… Ông được bổ nhiệm vào ban văn hoá xã, rồi lên trưởng công an xã, lên chủ nhiệm hợp tác xã. Mọi công việc của làng xã, cha tôi tham gia nhiệt tình hăng hái. Mùa mưa, mùa bão, ông luôn là người đầu tiên lao ra cứu lúa, xem đê, rồi đi quanh làng xem có nhà nào thiệt hại gì không…

 

Trong một vụ tranh chấp đất đai giữa làng tôi và làng bên, cha tôi bị bọn thanh niên làng bên bắt giữ và đánh đập dã man. Tôi phải đóng giả ăn mày chạy sang làng bên xem cha thế nào, tìm cách cứu cha. Cha tôi được đưa đến bệnh viện, ông bị đánh đến thương tật, mất 45% sức khoẻ. Và khi phẫu thuật, các bác sỹ mới phát hiện ra, cha tôi còn bảy viên đạn găm trong người từ thời chiến… Mẹ tôi khóc hết nước mắt, cha tôi mất hoàn toàn khả năng lao động.

 

Ba anh em tôi bảo ban nhau làm việc chăm chỉ hơn giúp mẹ. Tôi là anh cả, gánh vác tất cả những công việc đồng áng (Tôi là một nông dân giỏi!). Ngày nào tôi cũng quần quật từ 3h sáng đến 12h trưa với công việc nhà nông. 

 

Lớp 9, tôi đã đi tu, vào nương nhờ cửa phật. Nhiều người bảo tôi có duyên với Phật. Suốt 3 năm trong chùa, tôi chăm chỉ tụng kinh gõ mõ và nghĩ cuộc đời mình sẽ theo Phật mãi mãi… Một đêm, khi tôi đang cầu kinh thì cả ban thờ bốc cháy. Sư thầy bảo “Thôi, con về đi, con đã hết duyên với Phật rồi”. 

 

Tôi về nhà. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi, là mẹ tôi đang ghánh nước tưới cho vườn đu đủ giữa trời nắng chang chang. Đôi vai gầy oằn xuống. Tôi khóc. Nhưng mẹ bảo “Nhà nghèo đến mấy, con cũng phải tiếp tục đi học, phải học Đại học con ạ. Con là anh, phải gương mẫu để hai em noi theo!”.

 

Lập nghiệp khó khăn

 

Tôi còn nhớ ngày mình đỗ vào khoa Diễn viên- ĐH Sân khấu Điện ảnh. Tôi quê mùa khủng khiếp! Mẹ tôi thì hạnh phúc khôn tả. Em trai thứ hai vào bộ đội để nhà đỡ một miệng ăn. Tôi làm đủ mọi nghề kiếm tiền ăn học. Từ bốc vác đến xe ôm. Đêm đêm nằm còng queo ở ký túc xá chỉ dám ăn bát mì tôm, cái bánh mì cho đỡ đói. Tôi lúc nào cũng gầy yếu. Tạng người tôi nó thế, không béo được. Nhiều người nghĩ tôi nghiện, nhiều người bảo tôi pê -đê vì cái dáng người… cò hương của tôi. 

 

Tháng 12 năm 1999, tôi xin về Nhà hát Tuổi Trẻ, được chấp nhận thử việc không lương. Những ngày ở nhà hát Tuổi Trẻ, đến bây giờ, vẫn là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Đó là những năm tháng tôi đã làm việc hết mình. Chưa bao giờ tôi bỏ một buổi diễn nào của nhà hát (cát xê 100.000 nghìn/1 đêm) để đi diễn ngoài với cát xê vài triệu. “Sự cố” xảy ra vào cuối năm 2004, đầu năm 2005, thời điểm đó, tôi quá khó khăn.

 

Vợ tôi sinh ở Móng Cái. Tuần nào tôi cũng phải bắt xe từ Hà Nội về Móng Cái ba, bốn lần. Tôi viết thư tay xin nghỉ… Không ngờ, mọi chuyện người ta lại “nhào nặn” trở nên to tát đến vậy. Tôi sẽ kiên trì xin trở lại Nhà hát Tuổi Trẻ, đó là mong ước lớn nhất của tôi bây giờ, hy vọng “đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại”. 

 

Bây giờ, vợ chồng tôi vẫn thuê nhà ở (nhà rẻ thôi). Con gái gửi ông bà nội. Hàng tháng, tôi về qua nhà gửi tiền mẹ (rồi có thể ra bến xe mượn tạm thằng bạn 100.000 nghìn ngược lên Hà Nội). Hai cậu em tôi giờ cũng đều vào Đại học, một em học Nhạc viện Hà Nội, một em học Đại học Văn Hoá. Số tiền chi dùng cho cả nhà thật sự khiến tôi phải lao động cật lực. Tôi vừa mở một công ty nhỏ chuyên tổ chức biểu diễn… Cũng tàm tạm.

 

Hiện tại của tôi là những ngày làm việc chăm chỉ và mong ước được trở về Nhà hát Tuổi Trẻ, vì tôi biết, đó là một môi trường tốt để phấn đấu.

 

Đức Hiệp

 

Hiền Hương (ghi)