Điện ảnh Triều Tiên dưới góc nhìn của một đạo diễn người Úc
(Dân trí) - Triều Tiên không có những trò chơi trực tuyến, internet hay chương trình truyền hình thực tế. Trong nền văn hóa đó, truyền hình và phim ảnh là lựa chọn đầu tiên để giải trí.
Họ là những người Mỹ tóc vàng cao lớn, dễ dàng trở về nước như những anh hùng chiến tranh. Chỉ duy nhất anh em nhà Dresnok ở lại và chưa bao giờ đặt chân ra khỏi Triều Tiên. Họ là con trai của một người lính Mỹ tên Joe Dresnok, người đã đến đất nước bí ẩn nhất thế giới năm 1962 để mang cái nghiệp diễn viên chuyên đóng vai phản diện.Họ vào vai người Mỹ trong những bộ phim được sản xuất với hàng ngàn diễn viên cũng như đầy đủ các vũ khí, chiến hạm, máy bay cùng các hiệu ứng cháy nổ hoành tráng.
Giờ đây, con trai ông thừa hưởng nghề diễn của bố và cũng là người mà Anna Broinowski thấy sự tự mâu thuẫn trong khi cô thực hiện bộ phim tài liệu tại Triều Tiên. Nữ đạo diễn người Úc này cũng là công dân phương Tây đầu tiên được phép xâm nhập vào nền công nghiệp điện ảnh của Bắc Triều. Tất nhiên, không kể đến những bộ phim về nhà lãnh đạo Kim Jong Il được tuyên truyền rộng rãi ra quốc tế trước đây. Nhiệm vụ của cô là tuyển diễn viên đóng vai một thư ký người Mỹ độc ác trong một cảnh phim thực hiện trên sàn của chiếc Pueblo - một chiến hạm của hải quân Mỹ bị quân đội Triều Tiên bắn hạ và năm 1968.
“Trong một cửa tiệm bowling, tôi đã nhìn thấy những bức tranh của một phụ nữ tên Di treo trên tường, đang chơi bowling với một người Mỹ tóc vàng, mắt xanh, cao khoảng 1m9 trông có vẻ giống con trai của một lính Mỹ”, có chia sẻ với News.
Đạo diễn cũng là người chỉ huy
Trong khoảng thời gian ba tuần tại Triều Tiên thực hiện bộ phim tài liệu mang tên Aim High in Creation nói về những nguyên tắc của cố lãnh tụ Kim Jong Il qua cuốn Tuyên ngôn về Điện ảnh và Đạo diễn phát hành năm 1987, nữ đạo diễn Broinowski đã chứng kiến những hình ảnh kỳ lạ tại đất nước này.
Cuốn sách mới nhất của cô, The Director is the Commander (Đạo diễn là người chỉ huy), mô tả những trải nghiệm mà cô có khi được tặng một phiên bản của tờ tuyên ngôn (về điện ảnh và đạo diễn) trong sinh nhật của mình. Sau đó, cô đã tự hỏi rằng sẽ ra sao nếu làm một bộ phim hiện đại dựa trên những nguyên tắc cũ đó. Mất hàng năm trời để xin được visa vào Bình Nhưỡng và quyết định đó cũng dẫn đến sự đổ vỡ cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm của cô.
Thật hiếm hoi để có thể xâm nhập vào thế giới bí mật và kỳ lạ của nền công nghiệp điện ảnh Triều Tiên vốn bị chi phối bởi các nhà lãnh tụ, những người dành hết tình cảm của mình vào việc tích trữ hơn 20.000 bộ phim trong một kho lưu trữ tại Bình Nhưỡng.
Có một lần, Broinowski đã chạm trán Oliver Stone và Martin Scorsese phiên bản Bắc Triều trong một bữa trưa siêu thực: “Tôi không hề mong đợi rằng trong vòng 2 đến 3 giờ, mình đã được ngồi quanh một bàn yến tiệc trong một ngôi nhà cổ kiểu Thụy Sĩ. Tất cả chỉ là một phần trong bối cảnh của một bộ phim châu Âu mà họ đang thực hiện”
“Trong vòng khoảng 1 giờ, những nhà làm phim đã cùng nhau ăn đồ nướng, uống rượu Soju, tiệc tùng và nói những câu chuyện đùa, cùng tận hưởng thời gian vui vẻ”
Cô đã dành ra 3 tuần tiếp theo để tìm kiếm mọi khía cạnh của nền công nghiệp trong một đất nước kỳ lạ này. Cô cho biết rằn,g với những người có đủ đồ ăn và nơi ở để có thể tìm đến thú vui giải trí, điện ảnh là lựa chọn duy nhất với một vài bộ phim được yêu thích bởi đa số mọi người: The Sound of Music, Star Wars, Bend it like Beckham và Avatar.
“Bắc Triều không có những trò chơi trực tuyến, internet hay chương trình truyền hình thực tế. Mọi thứ như đóng băng từ thập niên 50. Trong nền văn hóa đó, truyền hình và phim ảnh là lựa chọn đầu tiên để giải trí. Mọi người đều đi tới rạp chiếu. Chính phủ thực hiện những bộ phim để chứng minh rằng đất nước họ là thiên đường và thực sự đáng sống”.
“Tất nhiên, họ làm rất nhiều những bộ phim tuyên truyền nhưng nhà làm phim nào cũng cố gắng truyền tải thứ gì đó nhân văn. Phim ảnh ở đó cũng có nhiều thể loại: từ phim hài lãng mạn tới những bộ phim quái vật, từ phim hành động trong quân đội tới phim về tình bạn”.
Tiếp cận đa chiều
“Nhiều người nghĩ rằng người dân Triều Tiên bị tẩy não. Tôi thì chỉ cố gắng để có thể hiểu họ hơn... nhất là những suy nghĩ không bị chi phối bởi chính phủ”
“Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn đa chiều hơn để hiểu về Triều Tiên. Ngoại giao văn hóa kết hợp với từ bỏ cấm vận là cách chúng ta có thể làm để mang Triều Tiên đến với thế giới”.