1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Dịch giả - Anh là ai?

(Dân trí) - Văn học dịch lấn át thị trường văn học tại Việt Nam. Dịch giả cần là một người “đa-zi-năng”, vừa phải là một nhà ngôn ngữ học, một nhà văn hóa học, và quan trọng nhất, là một nhà tâm lý học.

Sách ngoại văn “phủ sóng diện rộng” trên các kệ sách của các nhà sách lớn. Đồng nghĩa với việc sách ngoại văn đang tràn ngập trên thị trường sách tại Việt Nam là việc các công ty phát hành sách, các nhà xuất bản (NXB) cần một lượng lớn dịch giả cộng tác thường xuyên hoặc không thường xuyên.

Dịch giả là ai?

“Dịch giả là ai?” - “là những người kiếm sống bằng khả năng ngoại ngữ” như cách định nghĩa của nhà văn, nhà báo, dịch giả Trang Hạ. Công việc dịch thuật vốn đòi hỏi nhiều yếu tố. Trước hết phải kể đến khả năng sử dụng ngoại ngữ thông thạo, khả năng sử dụng tiếng Việt chuẩn xác và linh hoạt, cùng với kiến thức nhiều mặt: xã hội, khoa học, lịch sử, văn hóa, con người… thời gian và tâm huyết. Có nhận định cho rằng, người dịch giả vừa phải là một nhà ngôn ngữ học, một nhà văn hóa học, và quan trọng nhất, là một nhà tâm lý học.

Với tất cả những yêu cầu đặc thù kể trên, trách nhiệm của dịch giả là rất lớn. Nếu dịch giả là một “nhà phù thủy” ngôn từ; nhạy cảm với bối cảnh nguyên tác và nắm rõ được “tâm ý” tác giả thì bản dịch không những đúng và tốt mà còn có thể “gia cố” thêm tình yêu của độc giả với tác phẩm. Ngược lại, nếu dịch giả là người thiếu vốn sống và sự tinh nhạy với văn hóa, không nắm bắt được tư tưởng của tác phẩm, không thể chuyển ngữ đúng, thì thật là một bản dịch gây thất vọng lớn cho người yêu sách.

Dịch giả - Anh là ai? - 1
Sách nước ngoài chiếm đa số, đồng nghĩa với việc có một số lượng không nhỏ người làm dịch thuật

Sự “trỗi dậy” của những dịch giả trẻ 

Trong một vài năm trở lại đây, phần nhiều sách được dịch do những dịch giả trẻ phụ trách. Điều này khá dễ hiểu, người trẻ tiếp cận với ngoại ngữ và các phương tiện hỗ trợ việc dịch dễ dàng hơn, năng động và nhiệt huyết hơn, có cái nhìn “thế hệ” gần với đối tượng độc giả trẻ hơn. Tuy nhiên, thường thì họ thiếu vốn sống và sự tinh nhạy với văn hóa nên chất lượng dịch của họ không phải một sớm một chiều mà “đạt chuẩn”.

Dịch giả Cao Việt Dũng thừa nhận: “Phải kể từ Tường lửa của Henning Mankell in cuối năm 2006 tôi mới bắt đầu hài lòng với chất lượng của các cuốn sách được in ra của mình, và bắt đầu được chăm lo cho chúng đến khâu cuối cùng. Tất cả, từ Hạt cơ bản trở về trước, tôi đều đang chỉnh sửa và tìm cách tái bản, coi như một cách trả nợ quá trình học việc của mình". 

Một dịch giả kể rằng bạn của anh cho rằng dịch là công việc dễ nhất vì nhuận bút dịch bằng tận 75% nhuận bút của tác giả viết, trong khi anh chẳng cần phải viết, chỉ ăn sẵn và làm mỗi một thao tác là ngồi chuyển ngữ, vậy là có tiền. “Tôi chỉ biết lắc đầu vì sự lầm tưởng hào nhoáng bề ngoài đó”, dịch giả này tâm sự.

Có thật là “ngồi mát ăn bát vàng”?

“Chẳng thể đủ sống nếu chỉ dịch sách” là lời khẳng định của mọi dịch giả. Vì lẽ thời gian bỏ ra thì nhiều, nhưng nhuận bút dịch được tính trên mỗi trang sách lại thấp (10-13 nghìn đồng cho một trang truyện tranh tùy theo mật độ chữ; còn với sách thì khoảng 50 nghìn đồng cho 350 chữ đã được dịch sang tiếng Việt). Dịch giả Phạm Viên Phương chia sẻ, họ “có thể kiếm được một khoản tiền mà chưa phải đóng thuế (dưới 4 triệu/tháng) trong khi phải đáp ứng rất nhiều đòi hỏi”. 

Đôi khi đối với những tác phẩm best-seller, đơn vị phát hành yêu cầu người dịch phải dịch trong thời gian ngắn nhất khiến dịch giả phải làm việc đêm ngày để hoàn thành phần việc của mình, kịp cho những khâu tiếp theo trước khi cuốn sách được xuất bản. “Thời gian bỏ ra cho việc dịch quá lớn, ngốn hết quỹ thời gian dành cho các việc khác. Đôi lúc tôi cảm thấy mình như đang sống trên một ốc đảo vậy”, dịch giả Thu Giang tâm sự. 

Không chỉ thiếu vốn sống, vốn văn hoá... mỗi dịch giả thường có những hạn chế và khó khăn riêng. “Thật khó để nói đâu là khó khăn lớn nhất, nhưng việc được giao một tác phẩm không gây được hứng thú cho mình thì khó mà có thể dịch tốt được. Ví như một tác phẩm khó dịch, nhưng mình yêu thích, còn hơn một tác phẩm thuộc thể loại mà mình biết trước sẽ chẳng bao giờ đọc”, dịch giả Hương Giang chia sẻ.

Không ít dịch giả đã gặp chuyện dở khóc dở cười khi dịch một tác phẩm nói về những đề tài nhạy cảm hoặc đòi hỏi chuyên môn cao. Khi đó họ phải tìm đến những nhà chuyên môn, thậm chí đọc cả... “truyện ngoài luồng” để nghiên cứu cách dùng từ ngữ, cách diễn đạt, phải tham khảo ý kiến của rất nhiều người quen biết sao cho tác phẩm dịch ra không bị gượng ép và ngô nghê. Tuy nhiên đã có chuyện một dịch giả “ngượng đỏ mặt” khi tác phẩm gốc đầy tính nghệ thuật khi dịch xong đã bị nhận xét rằng “không khác gì chuyện khiêu dâm”.


Dịch giả - Anh là ai? - 2
Trang Hạ là một trong số những dịch giả khá thành công

Trong giới dịch giả, chuyện những dịch giả trẻ mới vào nghề, nhận sách dịch từ một trung gian đang cộng tác trong các NXB nhưng bị “ăn chặn” 2/3 tiền nhuận bút là chuyện chẳng hiếm hoi gì. Những người trung gian đó mới thực sự là kẻ “ngồi mát ăn bát vàng” còn với những dịch giả mới vào nghề, họ chẳng thể làm gì khác là “ngậm bồ hòn làm ngọt” để tiếp tục được sống với đam mê của mình.

Nên hay không thành lập Hiệp hội dịch thuật?

"Ở nước ta việc dịch đang còn tự phát, chẳng có lí luận, tự mày mò, mạnh ai nấy làm. Cũng như nhiều ngành nghề khác, ở ta chưa có đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp, việc dịch còn là việc làm tay trái. Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng dịch sách yếu kém hiện nay. Do đó, tôi nghĩ cần phải thành lập thêm Hội dịch thuật Việt Nam để quy tụ dịch giả. Bên cạnh đó còn phải mở trường lớp dạy dịch thuật, đào tạo dịch giả có bài bản", dịch giả Đào Tuấn Anh phát biểu.

Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được sự đồng tình từ phía nhà văn, nhà báo, dịch giả Trang Hạ: “Tôi cho là nên thành lập, nếu ta đang ở nước ngoài với thị trường văn hoá khắc nghiệt nhưng sòng phẳng. Còn ở Việt Nam thì xin đừng, vui gì tròng thêm lên cổ một ách?”.

Làm công việc dịch thuật, tức là được đọc, và được học, luôn luôn. Đó là lợi ích lớn nhất mà các dịch giả thu lại được sau khi đánh đổi quỹ thời gian vốn đã hạn hẹp và chất xám của mình. Chừng nào quyền lợi của dịch giả được đảm bảo, thì chừng đó những tác phẩm dịch hay, có giá trị sẽ càng nhiều thêm. Bởi khi đó, dịch giả có thể toàn tâm toàn ý đầu tư thời gian và chất xám của mình, cộng với nhiệt huyết yêu nghề, yêu sách vào công việc dịch. 


Bình Yên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm