Đẹp Fashion show và sân khấu sạch

Thời buổi xã hội hóa, nhà nhà cũng làm nghệ thuật, khán giả nào dù bảo thủ đến mấy rồi cũng phải hiểu không có nhà tài trợ lớn ắt không có chương trình lớn.

Công chúng đã quá quen với những show ca nhạc truyền hình hay các game show khác nơi mà logo nhà tài trợ choán hết màn hình, giăng mắc từ lối đi lên sân khấu chính, ngự ngay trên đầu ca sĩ, MC.

 

Vậy cho nên không ít người ngạc nhiên một cách dễ chịu khi chứng kiến một sân khấu thời trang mà lại “trong ngọc trắng ngà” như sân khấu Đẹp Fashion show (ĐFS) hai đêm 7 và 8/4 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).

 

Chưa bàn đến chất lượng các bộ trang phục, chưa tính đến hiệu quả âm thanh ánh sáng, chỉ nguyên sự kiện hai đại gia ôtô và điện tử là Ford và Samsung tình nguyện dừng chân ở cửa ra vào, nhường toàn bộ sân khấu cho nghệ sĩ, không một dấu vết nào dù là một góc logo hay một chữ cái nhỏ gợi nhớ đến thương hiệu của họ, cũng có thể thấy được bản lĩnh và đẳng cấp của người làm chương trình.

 

Thật ra không phải đến bây giờ ĐFS mới “chảnh” như vậy. Bốn năm trước, Việt Tú - một đạo diễn trẻ tài năng và ngang ngạnh - đã thổ lộ: “Tôi thích làm ĐFS trước tiên chỉ vì không bị vướng cái logo nào”, và anh đã làm chương trình ĐFS đầu tiên tại khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đẹp, ngỡ ngàng và ấn tượng đến độ có khách nước ngoài không tin nổi đó là chương trình do một đạo diễn trẻ VN thực hiện.

 

Từ đó đến nay đã có năm chương trình ĐFS, tất cả đều là một sân khấu sạch. Sạch tuyệt đối. ĐFS cũng đã kịp trở thành một thương hiệu, một đẳng cấp, ngoài những lý do chuyên môn, còn có một nguyên nhân cực kỳ quan trọng: sạch!

 

Đẹp Fashion show và sân khấu sạch - 1
 Màn kết thúc của ĐFS 5. (Ảnh: Hoàng Hà - Vne)

 

Ông Lê Quốc Vinh, giám đốc sản xuất của cả năm chương trình ĐFS, nói: “Thật ra, không đơn giản để thuyết phục được nhà tài trợ đồng ý không xuất hiện logo hay sản phẩm của họ trên sân khấu. Có rất nhiều nhà tài trợ không thể hiểu được điều đó, không thể chịu được điều đó và ra đi. Nhưng mục tiêu đầu tiên và cao nhất của chúng tôi là thực hiện được một chương trình nghệ thuật đỉnh cao (đồng nghĩa với việc đầu tư rất nhiều tiền) mà lại phải có sân khấu sạch. Vì vậy phải kiên trì thuyết phục họ thôi. Thuyết phục bằng chất lượng chương trình và bằng cả sự “rắn” của mình.

 

Những chương trình đầu chúng tôi làm rất khó khăn, nhà tài trợ rút lui nghĩa là phải thêm tiền túi. Nhưng chúng tôi vẫn cương quyết nói “không” với logo. Sự thành công của chương trình trước thuyết phục được những nhà tài trợ sau.

Và bây giờ nhiều người đã hiểu: giá trị của một thương hiệu không chỉ ở chỗ nó được trưng ra ở những vị trí trang trọng nhất, dễ thấy nhất, và cũng nhiều khi gây... phản cảm nhất, mà ở chỗ nó đồng hành, thậm chí âm thầm đứng sau những chương trình nghệ thuật nghiêm túc nhất, tử tế nhất, có chất lượng nhất.

 

Một chương trình hiếm hoi có sân khấu sạch, nó không chỉ khẳng định đẳng cấp của chương trình, sâu xa hơn, nó chứng tỏ một văn hóa mới đã và đang hình thành: văn hóa của nhà tài trợ.

 

Theo Thu Hà

Tuổi Trẻ