Đầy hứng khởi trong đêm chung kết nhạc dân gian Sao Mai 2011
(Dân trí) - Cả 9 thí sinh thi tài đêm nhạc chung kết phong cách dân gian Sao Mai 2011 tối qua (21/8) tại TP Huế đã thực sự bùng nổ, cống hiến đến khán giả những bài hát đậm chất dân tộc và tràn đầy tình yêu.
Người dân cố đô Huế đã có một bữa tiệc đầy âm thanh và mãn nhãn. Những tiếng vỗ tay không ngớt từ hội trường - nhiều hơn so với đêm nhạc thính phòng chứng tỏ “gu” âm nhạc của khán giả vẫn hướng nhiều về ca khúc dân gian: dễn gần - dễ nghe - dễ hát.
Bất ngờ nhất là một đám cưới theo truyền thống xưa tại Huế đã được các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế diễn hoạt cảnh kèm hát múa có tên “Ngẫu hứng Huế” bắt đầu cho buổi “đại tiệc” nhạc dân tộc xuyên suốt trong hơn 2 giờ liền.
Lương Nguyệt Anh là thí sinh đầu tiên mở màn với giọng ca ngọt ngào trong hai bài hát “Bến sông xưa” và “Nhớ về hội Lim”. Một Vũ Minh Vương hùng hồn trong “Dời đô” đến cô gái Nguyễn Thị Phương Thanh quê Nghệ An đã làm chủ bài hát Huế “Ngược dòng Hương Giang”.
Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thế từ TP HCM đã được khán giả vỗ tay tán thưởng vang dội khi đoạn đầu bài “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” cất lên mượt mà như một “Trọng Tấn thứ 2”.
Ấn tượng với đàn dân tộc đặc trưng xứ Bắc Hà là Nguyễn Thị Bích Hồng trong bài “Khúc xưa thành Thăng Long”. Cô như hóa thân vào một ả đào chính gốc để ngồi ca thảnh thơi trên sân khấu cùng cây đàn đáy phát ra tiếng đầy mê hoặc.
Bốc lửa với những vũ điệu đẹp mắt để khuất động không khí là thí sinh Trần Thị Huyền Trang với bài “Đàn tranh mạ” cùng 2 cây đàn tranh Huế réo rắt và “Hoa nắng” lột tả vũ khúc nóng bỏng người Chăm.
Tiếng hát vút cao nhất, như loài chim núi rừng Tây Bắc là Vũ Thị Ngân (Tuyên Quang). Cả hai bài hát thí sinh này đều lợi dụng chất giọng cao của mình làm người nghe như đang lạc vào những triền núi cao thăm thẳm với chim rừng líu lo điệu ca muôn đời.
Tình cảm, ấm áp với chất giọng chân chất là thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa (Hưng Yên) với “Sông ơi đừng chảy” và “Mưa xuân”; Dương Thị Tú (TP HCM) với “Cô dân quân làng Đỏ”.
Với đại đa số bài hát về quê hương, đất nước đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc, cách xử lý tinh tế nhằm truyền tải được cảm xúc đến người nghe. Hầu hết thí sinh được khán giả đánh giá là hát hay, tình cảm. Rất ít người đã về trước để nán lại đến phút cuối cùng.
Tuy ai cũng xứng đáng nhưng kết quả cuối cùng đã thuộc về 3 thí sinh là: Lương Nguyệt Anh (Bắc Giang); Nguyễn Thị Bích Hồng (Hà Nội); Nguyễn Thị Phương Thanh (Nghệ An). Bích Hồng cũng là thí sinh được khán giả yêu thích nhất qua số bình chọn 8.820 tin nhắn trên tổng số hơn 16.000 tin nhắn gửi về hệ thống 6562
Vào 21h chủ nhật tuần tới, 9 thí sinh cuối cùng sẽ tranh tài trong đêm phong cách nhạc nhẹ để tìm ra 3 chiếc vé dự thi đêm chung kết vào tối 4/9.
Lương Nguyệt Ánh tràn đầy tình cảm với bài hát “Bến sông xưa” của nhạc sĩ Tuấn Phương
Vũ Minh Vương
Cô gái xứ Nghệ - Nguyễn Thị Phương Thanh
Nguyễn Văn Thế (TP HCM)
Nguyễn Thị Bích Hồng sôi nổi với “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”
và một Bích Hồng khác tràn đầy nét mê hoặc trong “Khúc xưa thành Thăng Long” (Lời thơ: Chí Anh - dịch thơ của Nguyễn Du)
Dương Thị Tú (TP HCM)
“Giọng ca núi rừng” - Vũ Thị Ngân đến từ Tuyên Quang
Trần Thị Huyền Trang trong “Đàn tranh mạ”
Huyền Trang với các vũ điệu bốc lửa trong bài “Hoa nắng”
Nguyễn Thị Thanh Hoa (Hưng Yên) chân chất với “Sông ơi đừng chảy”
Ông Đỗ Trung Hiếu (trái) - đại diện nhà tài trợ chính Vina Acecook trao phần thưởng cho thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất qua hệ thống 6562: Nguyễn Thị Bích Hồng (Hà Nội)
Thí sinh đầu tiên nhận tấm vé vào Chung kết xứng đáng là Lương Nguyệt Ánh
Và thí sinh thứ hai cũng là người được khán giả yêu thích nhất: Nguyễn Thị Bích Hồng
Nguyễn Thị Phương Thanh đã òa khóc khi nghe gọi tên cuối cùng
Đại Dương