1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: “Sự sáng tạo luôn khó và hiếm nên đừng nhận thứ không phải của mình”

(Dân trí) - Với một sự nghiệp nghệ nhận được sự tôn trọng từ giới làm nghề và khán giả, đạo diễn Phạm Hoàng Nam là một cái tên bảo chứng cho sự thành công của những sự kiện nghệ thuật.

Nhân vụ kiện giữa đạo diễn Việt Tú tác giả của vở diễn “Ngày xưa” với ekip thực hiện vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” đang được sự chú ý quan tâm của dư luận, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh về sáng tạo, đạo đức nghề nghiệp vốn là những vấn đề nóng trong giới làm nghề thời gian gần đây .


Đạo diễn Phạm Hoàng Nam (ảnh từ nguồn Dep.com.vn)

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam (ảnh từ nguồn Dep.com.vn)

Thưa anh Phạm Hoàng Nam, mới đây trên facebook của anh có bài viết về nghệ sĩ đương đại thế giới Yayoi Kusama, anh nói: “Sự sáng tạo luôn khó và hiếm, nó không thể nào đến dễ dàng và ngay lập tức mà chỉ có thể là hội tụ của cả tài năng lẫn sự lao động nghệ thuật nghiêm túc nhất của những cá nhân và tập thể tâm huyết và sáng tạo với một phông văn hoá, lòng tự trọng cùng một kỷ luật nghề nghiệp khắt khe”. Vậy sáng tạo có ý nghĩa như thế nào đối với một nghệ sĩ?

Tôi có thể nói rằng trong bất kỳ ngành nghề nào đặc biệt là sáng tạo “Ai cũng có thể "chịu ảnh hưởng" của những người đi trước để từ đó có được “nhân dạng sáng tạo” của riêng mình nhưng điều quan trọng là không được phép nhận sáng tạo của người khác là của mình, khi bạn bước qua lằn ranh này, có nghĩa là bạn đã bước qua những nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp. Sự “sĩ diện” của nghề nghiệp và lòng tự trọng tuy nay khá hiếm nhưng không thể thiếu khi làm công việc sáng tạo.

Anh quan điểm như thế nào về những lùm xùm về bản quyền trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật tại Việt Nam trong thời gian gần đây?

Tôi xin phép làm rõ là tôi không quan tâm đến bất kỳ tranh chấp nào giữa nghệ sĩ và nhà đầu tư đồng thời không khuyến khích điều này vì tinh thần sáng tạo và sự đầu tư vật chất là hai vế luôn song hành. Về nghề nghiệp, bối cảnh hoạt động nghệ thuật Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề, sự sáng tạo không những bị hạn chế mà còn dễ dãi và a dua chiều theo thị hiếu khán giả, nên những tác phẩm độc đáo ra đời rất cần được trân trọng. Từ sự thiếu rõ ràng và đầy đủ về luật bản quyền, ý thức sáng tạo nghệ thuật chưa nghiêm túc dẫn đến nhiều tác phẩm na ná nhau, nghệ sĩ chân chính thì có lên tiếng nhưng vài tiếng nói lẻ loi lại sớm bị chìm vào quên lãng do chưa có chế tài phù hợp với thực tế.

Nói về những lùm xùm đang diễn ra trong giới nghệ thuật, anh có biết sự việc tranh chấp bản quyền sáng tạo giữa hai vở diễn Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài) lẫn Tinh Hoa Bắc Bộ?

Tôi chưa xem cả hai vở diễn và không biết sâu về sự việc, nhưng dưới góc độ chuyên môn sau khi xem video so sánh giữa 2 vở và các tài liệu được nhà báo cung cấp tôi có nhận xét như sau: “Sáng tạo quan trọng nhất của cả hai vở diễn đều là nhà thuỷ đình từ dưới nước hiện lên, ý tưởng đưa người nông dân biểu diễn, bối cảnh làng quê Bắc Bộ được phục dựng nương mình vào núi Thầy...,vậy ai là người nghĩ ra những ý tưởng được coi là điểm nhấn thì sáng tạo thuộc về người đó”.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: “Sự sáng tạo luôn khó và hiếm nên đừng nhận thứ không phải của mình” - 2


Hình ảnh từ thiết kế đến hiện trạng của nhà Thủy Đình và bố cảnh biểu diễn, ảnh do đạo diễn Việt Tú cung cấp

Hình ảnh từ thiết kế đến hiện trạng của nhà Thủy Đình và bố cảnh biểu diễn, ảnh do đạo diễn Việt Tú cung cấp


Hình ảnh so sánh hai vở diễn sử dụng cùng sử dụng người nông dân biểu diễn

Hình ảnh so sánh hai vở diễn sử dụng cùng sử dụng người nông dân biểu diễn

Anh có nguyên tắc làm nghề nào đặc biệt không?

Bản thân tôi sẽ không bao giờ nhận làm lại show mà đồng nghiệp mình trước đó đang gặp vấn đề chưa rõ với khách hàng hay nhà đầu tư, hoặc cảm thấy còn gợn về ý tưởng sáng tạo gốc, hay chỉ đơn giản là cách hành xử với anh em trong nghề là không nên làm vậy. Thậm chí mới nghe là show sẽ có đấu thầu về ý tưởng là tôi sẽ rút lui, vì chỉ có cảm hứng khi làm cái gì đầu tiên hoặc tự mình sáng tạo ra. Cũng có những trường hợp nhóm nghệ sĩ cùng chung tay làm một tác phẩm nhưng điều này đương nhiên cần sự đồng thuận và luật hoá rõ ràng từ đầu về bản quyền sáng tạo.

Là những đồng nghiệp trong nghề, lại là người thuộc thế hệ đàn anh đi trước, anh có lời khuyên nào cho những người trong cuộc trong vụ việc này?

Chắc chắn không nghệ sĩ nào mong muốn có va chạm với nhà đầu tư vì đó là điều tối kị, tôi có gặp Việt Tú một vài lần trong thời gian gần đây để trao đổi và chia sẻ và bạn ấy đồng quan điểm như vậy. Khi nghe tôi bày tỏ sự lo lắng về chuyện này, Việt Tú có nói rằng điều mình mong muốn làm rõ chỉ thuộc về danh dự của nghệ sĩ, bản quyền tác giả, sáng tạo gốc là của ai thì phải trả về cho người ấy. Tuyệt nhiên không phải để gây khó dễ cho nhà đầu tư. Thị trường giải trí luôn phức tạp và người làm công việc sáng tạo giỏi lại không nhiều và biết nhau hết. Nhà đầu tư tâm huyết cũng không phải dễ tìm, nên cách hay nhất vẫn sẽ là hợp tác thay vì đối đầu trừ trường hợp bất khả kháng.

Xem file so sánh hai vở diễn đầy đủ tại đây

– Đạo diễn Phạm Hoàng Nam chia sẻ.