Cũng có khi đàn bà xứng đáng… khổ
(Dân trí) - Nếu cuộc đời là vòng xoáy nhân quả, thì cái khổ cũng không phải trên trời rơi xuống. Trương Ái Linh, nhà văn Trung Quốc có dòng dõi hiển hách nhưng cuộc đời vô cùng thăng trầm, lấy ưu thế bản thân cũng là… đàn bà, đã thử đi đến ngọn nguồn nguyên do.
Chọn viết về phụ nữ, xoáy sâu vào trái tim và tâm hồn của họ, đáng ngạc nhiên khi Trương Ái Linh không chọn góc nhìn bao dung. Phụ nữ trong tác phẩm của bà vướng phải nhiều lỗi lầm ngây dại đến nỗi đánh mất cả hạnh phúc, hoặc sống mòn trong những ngày tháng êm đềm nhàm chán không thể gọi là hạnh phúc. Và Trương Ái Linh đã làm gì? Chỉ ra rằng những người đàn bà ấy cũng chẳng vô tội đâu, trước nỗi khổ của chính mình. Nhà văn và các nhân vật nữ của bà có nhiều điểm chung, giới tính, thời đại sống, hoàn cảnh xã hội, tâm tư, tình cảm… Không thể nói Trương Ái Linh không hiểu, không đồng cảm với những phụ nữ đó (có thể bà cũng từng là một trong số họ chăng?) nhưng bà từ chối dành cho họ cái nhìn trìu mến. Họ không xứng đáng!
Những người phụ nữ đó tự đánh lừa bản thân là đi tìm tình yêu, nhưng thực ra chẳng ai trong số họ thực sự kiếm tìm tình yêu. Ở thời đại đó, tình yêu có ý nghĩa gì đâu. Họ bị dồn nén, áp bức, bất lực và giơ tay đầu hàng. Trương Ái Linh kể chuyện tình yêu nhưng không dành chỗ cho sự lãng mạn. Có lẽ vì thế bà không để Lưu Tô và Liễu Nguyên trong Chuyện tình giai nhân hôn nhau dưới bức tường cao lừng lững đêm hẹn hò ở Hong Kong đẹp đẽ đến thế, bởi tình cảm họ dành cho nhau còn quá nhiều toan tính.
Hai nhân vật này, là một đôi trai tài gái sắc khiến người ta ngưỡng mộ, nhưng cũng khốn khổ chính vì lẽ đó. Đàn ông giàu, khi nói lời yêu, đàn bà không (dám) tin. Đàn bà đẹp, khi được tỏ tình, cũng chẳng (dám) nghĩ người ta thật lòng. Trương Ái Linh rất lạnh lùng mà cũng rất tinh ở chỗ đó.
Nhưng Trương Ái Linh cũng không quên dành cho người đẹp một cái kết không đẹp. Vương Kiều Nhụy ở tuổi trung niên nhan sắc suy tàn, gặp lại người tình cũ, chàng chỉ để ý thấy nàng béo lên. Chấn Bảo và em trai Đốc Bảo bí mật gật gù với nhau, vừa ngậm ngùi vừa đạo đức giả: “Già rồi, già đi nhiều rồi”. Ở đây, thấy rõ Trương Ái Linh cũng chẳng ưu ái gì đàn ông, khi họ cũng chẳng trân trọng gì đàn bà. Lúc người ta còn trẻ đẹp thì tôn thờ, rồi mấy chục năm sau gặp lại, tất nhiên là nhan sắc đã tầm thường, thì sẵn sàng lướt qua chẳng mấy ưu tư.
Hình tượng người đàn bà khốn khổ vì nhan sắc kém cỏi, lại hẹp hòi và cay nghiệt như Thất Xảo trong Cái gông vàng chắc hẳn khiến Trương Ái Linh phải suy nghĩ nhiều. Riêng nhân vật này, bà viết về gần như cả cuộc đời, từ lúc lấy chồng cho đến khi chết, trong khi các nhân vật khác chỉ là những lát cắt mỏng trong đời.
Chiếc “gông vàng” mà nhà văn nói đến, cho dù thời nay đã chuyển sang nhiều chất liệu khác chứ không chỉ là vàng, vẫn luôn ở đó, vẫn chực nhốt kín những người đàn bà. Và nhiều khi là họ chọn chui vào.
Chuyện tình giai nhân (dịch từ tên tiếng Anh Love in a Fallen City) là một trong hai tập truyện ngắn nổi tiếng nhất trong sự nghiệp văn học của nhà văn Trương Ái Linh. Tập kia là Sắc, giới (Lust, caution), đã được đạo diễn Lý An chuyển thể thành phim rất thành công. Sau tiếng vang của phim Sắc, giới năm 2007, văn chương và tên tuổi của Trương Ái Linh như tái sinh tại Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới.
Trương Ái Linh (1920-1995), quê Thượng Hải, sống tha hương hàng chục năm trời nhưng vẫn luôn viết về quê nhà. Bà sang Mỹ năm 1955, từ đó không bao giờ trở về Trung Quốc. Nhà văn hai lần lấy chồng.
Mi Ly – Hà Thanh