Con đường đưa nhạc giao hưởng Việt Nam vươn ra thế giới
(Dân trí) - Tại Việt Nam, mặc dù nhạc giao hưởng không phát triển quá rầm rộ như các dòng âm nhạc khác, nhưng thời gian gần đây, mảng nghệ thuật được tôn vinh là đỉnh cao âm nhạc này đã có những bước tiến quan trọng và đáng ghi nhận trên bản đồ âm nhạc thế giới.
Cũng theo đà phát triển đó, cuộc thi Âm nhạc quốc tế cho Violin & Hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam từ ngày 3/8 – 11/8/2019 theo đúng chuẩn mực của các cuộc thi danh tiếng trên thế giới với quy mô lớn và giải thưởng giá trị.
Từ khát khao mang nhạc giao hưởng đến với khán giả Việt
Hình thành từ thập niên 30 của thế kỷ XVIII, nhạc giao hưởng được tôn vinh là tinh hoa của âm nhạc, là dòng nhạc bác học và là thước đo cho sự phát triển của một nền âm nhạc. Nhưng ở Việt Nam lâu nay, nhạc giao hưởng vẫn có một chỗ đứng khá khiêm tốn. Trong quan niệm của không ít người Việt, đây vẫn là một loại hình nghệ thuật xa xỉ. Tuy nhiên, sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa – tinh thần của con người đã kéo theo sự phát triển tất yếu của lĩnh vực âm nhạc trong đó phải kể tới dòng nhạc hàn lâm này. Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều chương trình hòa nhạc lớn được tổ chức, không ít nghệ sĩ Việt Nam đạt được những thành tích đáng tự hào tại các cuộc thi quốc tế và lượng khán giả thưởng thức nhạc giao hưởng, thính phòng ngày một đông... Vượt qua những khó khăn của một dòng nhạc kén người nghe, nhạc giao hưởng nói chung và nhạc giao hưởng Việt Nam nói riêng đang dần khẳng định vị trí của mình trong đời sống âm nhạc.
Đánh dấu những bước phát triển mới của nhạc giao hưởng Việt Nam là sự ra đời của các dàn nhạc giao hưởng tư nhân. Tiêu biểu là Dàn nhạc Maius Philharmonic ra mắt từ năm 2009 dưới cái tên Rhapsody Philharmonic, được sáng lập bởi nhạc trưởng Lưu Quang Minh và nghệ sỹ trống Nguyễn Hùng Cường. Trong suốt những năm hoạt động, Dàn nhạc giao hưởng trẻ nhất Việt Nam này luôn không ngừng nỗ lực dung đam mê và sức trẻ của mình để mang giao hưởng đến gần hơn với khán giả bằng hàng loạt các concert riêng, tiếp cận khan giả trẻ bằng các buổi diễn phi lợi nhuận ở quảng trường, rạp hát,… Maius cũng tới gần hơn với công chúng bằng việc đứng đằng sau hỗ trợ liveshow của các ca sĩ tên tuổi như Hà Anh Tuấn, Tuấn Hưng,… hay kết hợp trên sân khấu cùng các nghệ sĩ đình đám Vpop.
Bên cạnh dàn nhạc Maius Philharmonic, mới đây vào năm 2017, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (Sun Symphony Orchestra - SSO) đã được thành lập với những sáng lập viên là doanh nhân am hiểu và yêu thích nhạc cổ điển và được dẫn dắt bởi Giám đốc Âm nhạc/Nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine. Các chương trình biểu diễn, những buổi hòa nhạc đẳng cấp của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời đã và đang thu hút được khán giả ở mọi tầng lớp, lứa tuổi. SSO cũng có một dự án đặc biệt là hợp tác cùng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để thực hiện chuỗi Hòa nhạc Giáo dục với mong muốn chia sẻ kiến thức, đam mê và truyền cảm hứng âm nhạc đến thế hệ trẻ ở Việt Nam.
Đến những cuộc thi giao hưởng mang tầm vóc thế giới
Sự xuất hiện của những dàn nhạc như SSO, Maius Philharmonic thực sự đã thu hút sự quan tâm của công chúng đối với nhạc giao hưởng tại Việt Nam. Đây là môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, và cũng là cơ hội, là nơi để quy tụ các nghệ sĩ người Việt có niềm đam mê với âm nhạc cổ điển đang tham gia ở những dàn nhạc nước ngoài quay về cống hiến cho âm nhạc nước nhà.
Cũng xuất phát từ mong muốn đưa âm nhạc bác học đến gần hơn nữa với công chúng yêu nhạc, đồng thời bắc một chiếc cầu văn hóa âm nhạc giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế, trong năm 2019 này, cuộc thi Âm nhạc Quốc tế cho Violin & Hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 đã được khởi xướng bởi PGS, TS. Lê Anh Tuấn - GĐ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, TS. NSƯT Bùi Công Duy - PGĐ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nghệ sĩ Violon Vũ Việt Chương - GĐ nghệ thuật Liên hoan âm nhạc Vietnam Connection. Đặc biệt, cuộc thi được tổ chức với sự góp mặt của các nghệ sĩ giao hưởng thính phòng nổi tiếng thế giới trên cương vị Ban giám khảo, trong đó có “huyền thoại” Violin người Nga Viktor Tretyakov, hay nữ nghệ sĩ Violin Stephanie Chase,...
NSUT Bùi Công Duy – Chủ tịch Hội đồng giám khảo quốc tế của Cuộc thi chia sẻ: “Một yếu tố quan trọng giúp Cuộc thi thu hút được đông đảo thí sinh từ khắp các châu lục chính là quy mô đội ngũ Ban giám khảo lớn, uy tín và có tiếng trên thế giới mà không nhiều cuộc thi âm nhạc khác có được. Bên cạnh đó, lịch sử, văn hóa và những tác phẩm giao hưởng của Việt Nam được trình diễn tại các chương trình âm nhạc của thế giới cũng là lợi thế, là mối dây kết nối Cuộc thi với các giám khảo và thí sinh đến từ quốc tế.”
Sau vòng sơ tuyển, Ban tổ chức Cuộc thi đã chọn ra 64 thí sinh đại diện cho 19 quốc gia và 4 vùng lãnh thổ trên Thế giới tham dự các vòng thi chính thức; trong đó số lượng thí sinh Việt Nam bảng Violin được chọn vào thi chính thức là 5/29 tổng thí sinh, đối với bảng Hòa tấu thính phòng số lượng nhóm Việt Nam là 7/11 nhóm. Nhiều thí sinh tham gia cuộc thi lần này đã tham dự và đạt thành tích cao tại các cuộc thi danh tiếng trên thế giới. Dự kiến, những tác phẩm bất hủ và những cây đàn quý hiếm hàng trăm năm tuổi như Guarnerius, Stradivarius, Guadanini, Gagliano, Storioni, Collin-Mezin… mà ban giám khảo và thí sinh mang theo hứa hẹn sẽ mang lại những âm thanh tuyệt đẹp và ấn tượng cho khán giả.
Không chỉ có dàn thí sinh dự thi chất lượng, ban giám khảo là các nghệ sĩ có tiếng, cuộc thi còn có sự đồng hành của các đơn vị, nhà tài trợ thân thiết như ABBANK, THE ARENA, PHENIKAA, YAMAHA… cũng như nhiều tổ chức nghệ thuật lớn khác với mong muốn góp phần hỗ trợ cho các tài năng âm nhạc trẻ bằng những giải thưởng có giá trị và thiết thực. Tổng giá trị các giải thưởng của cuộc thi lên đến 50.000 USD (hơn 1 tỉ đồng). Với quy mô tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và được đầu tư lớn, cuộc thi hứa hẹn sẽ là một sự đột phá, vươn tầm thế giới của văn hoá Việt Nam nói chung và âm nhạc giao hưởng Việt Nam nói riêng.