Cố Chủ tịch Tập đoàn Hyundai: Hãy cho tôi vay lần nữa...
(Dân trí) - Người đời vẫn nói "họa vô đơn chí". Vào ngày 20 tháng Ba, năm ngày sau khi tôi thanh toán hết số tiền vay còn lại, xưởng sửa xe xảy ra hỏa hoạn.
Hãy cho tôi vay lần nữa để tôi có thể trả nợ cho ông
Hôm đó tôi dậy sớm và đốt lửa nấu nước để rửa mặt. Tôi cầm thùng dung môi, định đổ vào lò thì ngọn lửa bén vào thùng. Theo bản năng, tôi ném thùng dung môi đang bén lửa đi. Xưởng chúng tôi được xây bằng gỗ, lại còn bị dính dầu lâu ngày nên chỉ trong nháy mắt, cả xưởng bốc cháy.
Tôi may mắn thoát chết trong gang tấc nhờ dùng điện thoại, một món đồ vô cùng mắc tiền vào thời đó, để đập vỡ cửa kính. Lửa đã thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng và năm chiếc xe tải, cả chiếc xe Oldsmobile của Yoon Deok-young, một nhân vật quyền thế thời đó. Chuyện này hoàn toàn có thể khiến tôi suy sụp vì mắc nợ ngập đầu. Nhưng tôi quyết không nản lòng. Tôi không muốn làm kẻ thất bại.
Suy đi tính lại, tôi thấy chỉ có một lối thoát duy nhất là lại tìm đến ông Oh Yoon-geun, quỳ xuống trình bày hoàn cảnh của mình và xin ông ấy cho tôi một cơ hội nữa. Oh Yoon-geun vừa là chủ nhà máy xay gạo vừa là người cho vay lấy lãi.
"Trận hỏa hoạn đã thiêu rụi mọi thứ và giờ đây tôi không còn lại gì ngoài nợ nần. Nhưng nếu tôi bỏ cuộc vào lúc này thì không có cách nào để trả lại cho ông số tiền 3.000 won tôi đã vay trước đây. Thưa ông, xin hãy giúp tôi thêm một lần nữa để tôi có thể trả nợ cho ông."
Tôi nói với thái độ khẩn khoản nhất có thể, trong tâm trạng của một người đang mấp mé bên bờ vực thẳm. Ông Oh Yoon-geun im lặng nhìn tôi một lúc lâu rồi mới đáp lại: "Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ yêu cầu người vay phải thế chấp. Tôi tin vào chữ tín và chưa từng phải thất vọng về khách hàng của mình. Tôi luôn tự hào về điều đó. Do đó, tôi sẽ chấp nhận đề nghị của anh. Tôi không muốn mang tiếng mất tiền vì nhìn nhầm người".
Ông ấy quyết định cho tôi vay thêm 3.500 won. Với số tiền đó, tôi kiếm một khu đất trống ở phường Sinseol, đưa các nhân viên đến đó và mở lại xưởng sửa chữa xe ô-tô. Vào thời điểm đó, chỉ có nhà máy chế tạo ô-tô mới có thể xin giấy phép mở xưởng sửa chữa ô-tô, vì thế việc xin cấp phép cho một xưởng sửa chữa ô-tô độc lập như xưởng của tôi là bất khả thi.
Điều hành một xưởng sửa chữa ô-tô không giấy phép, cộng thêm tình trạng nợ ngập đầu khiến tôi luôn cảm thấy mình giống như đang đi trên một lớp băng mỏng có thể vỡ bất kỳ lúc nào.
Bài học từ những con rệp
Vào thời điểm đó, Seoul chỉ có vài xưởng sửa chữa ô-tô như Dịch vụ Gyeongseong ở Euljiro 6-ga, Công nghiệp Gyeongseong ở ngã tư phường Hyehwa và Xưởng sửa chữa ô-tô Iljin ở Jongno 5-ga. Những xưởng này thường biến những hỏng hóc nhỏ thành lớn rồi kéo dài thời gian sửa chữa để lấy thêm tiền của khách hàng.
Tôi thì áp dụng chiến lược kinh doanh ngược lại. Nếu trung bình người ta sửa xe mất mười ngày thì tôi rút ngắn lại còn ba ngày, thay vào đó tôi lấy phí sửa chữa cao hơn. Đối với những người sử dụng ô-tô như phương tiện di chuyển chính, điều mà họ quan tâm nhất là xe có được sửa nhanh hay không chứ không phải chuyện tiền nong. Kết quả là những chiếc xe bị hỏng đều đổ dồn về xưởng sửa xe không giấy phép của tôi ở phường Sinseol.
Mặc dù xưởng vẫn chưa có giấy phép nhưng do sự "làm ngơ" của Sở cảnh sát ở đó, hoạt động sửa chữa ô-tô của tôi được vận hành khá trơn tru. Vào ban ngày, tôi đi loanh quanh các nơi để tạo mối quan hệ, nhận yêu cầu sửa chữa và thu tiền. Vào ban đêm, tôi và những người thợ cùng nhau ăn uống và làm việc thâu đêm.
Nhờ trực tiếp tham gia sửa xe, chẳng mấy chốc tôi đã gần như hiểu được cấu tạo cũng như chức năng của tất cả bộ phận và máy móc trong xe. Những kiến thức mà tôi vừa làm vừa học được trong quá trình này đã giúp ích rất nhiều cho tôi ở những năm về sau.
Tôi tin một khi chúng ta nỗ lực hết mình thì không có việc gì là không thể thành công. Mọi người có thể cho rằng tôi cường điệu khi nói mình đã rút ra bài học từ những con rệp, nhưng đó là sự thật. Hồi còn làm công việc lao động chân tay ở Incheon, tôi ngủ trong ký túc xá dành cho công nhân và thường trằn trọc cả đêm vì giường ở đó có quá nhiều rệp.
Một số đồng nghiệp của tôi đã cố gắng tránh lũ rệp bằng cách ngủ trên bàn, nhưng cuối cùng họ vẫn bị rệp cắn vì lũ ký sinh trùng đó có thể men theo chân bàn bò lên. Thế là chúng tôi lại vắt óc nghĩ ra cách kê chén nước dưới mỗi chân bàn để bọn rệp "chết đuối" khi cố bò lên. Cách này hiệu quả, nhưng chỉ tạm thời.
Chúng tôi ngủ ngon giấc được một, hai hôm rồi đâu lại vào đấy. Bọn rệp lại xuất hiện và quấy rầy giấc ngủ của chúng tôi. Chúng tôi rất ngạc nhiên, tự hỏi bọn chúng xuất hiện từ đâu.
Một đêm nọ, chúng tôi quyết định thức để nhìn xem lũ rệp làm thế nào tránh được những chén nước và bò lên bàn. Khi bật đèn lên quan sát, tất cả chúng tôi đều sững sờ bởi cảnh tượng trước mắt. Lũ rệp đã men theo bờ tường để bò lên trần nhà và "nhảy" từ đó xuống người chúng tôi.
Đến tận ngày nay tôi vẫn không thể quên được cảm giác lạnh sống lưng hôm đó. Tôi đã nghĩ: "Ngay cả những con rệp cũng cố gắng tìm cách và nỗ lực hết sức để hoàn thành mục tiêu và cuối cùng chúng đã làm được. Tôi không phải là con rệp, tôi là một con người đã học được vài bài học quý giá từ lũ rệp. Nếu rệp còn làm được thì không có lý do gì con người chúng ta không làm được. Chúng ta chỉ cần kiên trì đến cùng và nỗ lực hết mình thì không có việc gì là không thể".
Bây giờ nhìn lại, tôi thấy đời mình là những chuỗi ngày luôn nỗ lực hết sức cho đến khi không thể làm gì hơn được nữa mới thôi.