Chuyện trò cùng nữ MC “Chúng tôi là chiến sĩ”
"Có lần, Linh đi xuống phía khán giả, nghe tiếng gọi "Linh ơi" hay "ấy còn ít tuổi hơn bọn này nhé", nhưng khi quay lại thì các chiến sĩ lại im re và tỉnh bơ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Lại có cả chiến sĩ hôn Linh nhưng rất tiếc đó là một chiến sĩ… nữ", MC Hoàng Linh hóm hỉnh kể lại.
Công việc chính của Linh hiện nay? Làm MC là do ngẫu nhiên hay được đào tạo bài bản?
Linh hiện là sinh viên năm thứ 4, khoa Diễn viên Trường Đại học SK-ĐA Hà Nội. Linh tuổi còn ít nhưng khi lên hình trông già nên toàn bị chú Sâm chê là "vừa già, vừa xấu". Vừa đi học, Linh vừa làm CTV thường xuyên của phòng Show 1, Ban GT-TT-KT, Đài THVN. Thỉnh thoảng Linh còn dẫn chường trình ca nhạc ở quán Aladin của NSND Thanh Hoa.
Lý do nào để Linh được chọn làm MC chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ"?
Từ khi còn học là năm thứ nhất, Linh được bạn giới thiệu làm chương trình Ở nhà chủ nhật nên không bị run khi đứng trước máy ghi hình. Biết Đài tổ chức thi tuyển MC cho chương trình Chúng tôi là chiến sĩ, Linh thử sức luôn. Vòng 1 có 40 người tham gia, vòng 2 loại còn 5 người, nhà Đài tiến hành ghi hình và may mắn Linh được chọn.
Là một MC vừa non tuổi đời lẫn tuổi nghề, Linh có sợ mình sẽ làm nền cho cây đại thụ Lại Văn Sâm?
Không, ngược lại, Linh rất yên tâm và hãnh diện khi trong một số chương trình được dẫn cùng chú Sâm, bởi dẫn cùng một người làm chủ được sân khấu như vậy Linh sẽ yên tâm, hơn nữa tính chú Sâm trẻ trung và hài hước nên Linh luôn được làm việc trong không khí thoải mái.
Cảm giác của Linh khi lần đầu tiên khoác trên mình bộ áo lính để làm MC?
Oai lắm và thấy mình chững chạc như một chiến sỹ thực thụ. Số đó quay ở Hải Phòng, Linh đã chuẩn bị váy nhưng đơn vị lại gửi bộ rằn ri, không ngờ sau này bộ trang phục đó lại được khán giả yêu thích nhất.
Lá thư chiến sĩ là phần thú vị nhất và rất cảm động đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Những câu chuyện có đạo diễn trước không?
Không, hoàn toàn trong vòng bí mật để gây bất ngờ cho chiến sĩ. Nếu không làm sao có những cuộc hội ngộ đẫm nước mắt như các bạn đã xem.
Liên tục tiếp xúc với những người lính trẻ, Linh có sợ một lúc nào đó mình xao lòng?
Rất tiếc, do tính chất công việc nên Linh gặp quá nhiều người, thành thử không nhớ hết mặt các chiến sĩ. Nhưng Linh nhớ có lần quay chương trình ở Quân khu 7, Linh dắt tay một anh lính lên sân khấu nhưng thú thực bây giờ chỉ nhớ mặt chứ không nhớ tên và đơn vị của người lính đó.
"Chúng tôi là chiến sĩ" là một sân chơi sôi nổi, hào hứng, nhưng đa số người chơi và khán giả là những chàng trai, vậy một cô gái trẻ như Linh có bị áp lực khi dẫn?
Linh không bị áp lực mà còn cảm thấy thoải mái và rất vui vẻ vì được sống trong bầu không khí trẻ trung, sôi nổi của những người lính. Thường các chương trình có rất ít các chiến sĩ nữ, vì thế mình luôn được coi là mì chính cánh và được các chiến sĩ chiều lắm.
Những người lính thường nhút nhát và quen với tác phong quân đội. Vậy Linh phải làm như thế nào để tạo cảm giác thân thiện, thoải mái cho những người lính?
Có anh lên sân khấu còn không nhớ nổi tên mình, ngại ngùng, đỏ mặt nên bí quyết của Linh là cười thật nhiều trên sân khấu. Có lần xem lại Linh thấy mình thật vô duyên vì cười không đúng chỗ.
Những người lính thường thể hiện tình cảm hâm mộ với Linh như thế nào?
Chụp ảnh, xin chữ ký, tặng hoa. Có lần đi xuống phía khán giả nghe tiếng gọi "Linh ơi" hay "ấy còn ít tuổi hơn bọn này nhé"... nhưng khi quay lại thì các chiến sĩ lại im re và tỉnh bơ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Lại có cả chiến sĩ hôn Linh nhưng rất tiếc đó là một chiến sĩ… nữ.
Để có được một tiếng lên hình Linh phải quay và chuẩn bị trong bao nhiêu lâu?
Trang điểm , làm tóc mất 1 tiếng rưỡi và ghi hình trong vòng hơn 3 tiếng.
Theo Điện Ảnh Kịch Trường/VTV.vn